Khách mời đặc biệt trong các bữa tiệc cấp nhà nước của Nhà Trắng
Không giống như những người tiền nhiệm, Wintour xác định rằng thời trang là một sự pha trộn quyến rũ, là một nền thương mại toàn cầu, và đáng quan tâm nhất là quyền lực chính trị từ nó.
Theo Cục thông tin xuất bản (PIB), kể từ khi Anna Wintour lên làm Tổng biên tập vào năm 1988, Vogue đã thu hút sự quan tâm của xấp xỉ 1,2 triệu độc giả thường xuyên. Doanh thu năm 2011 của Vogue đạt gần 390 triệu USD.
Tháng 9/2012, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày thành lập, Vogue đã xuất bản quyển sách kỷ niệm trong đó có tới 658 trang quảng cáo, đây cũng là tạp chí thời trang có đăng tải quảng cáo lớn nhất thế giới từ trước tới nay.
Tiếng nói của Anna Wintour là những lời vàng ngọc dành cho những chủ nhân của các hãng sản xuất “đồ hiệu” như Bernard Arnault, ông chủ của thương hiệu LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton và ông François-Henri Pinault, giám đốc điều hành của PPR, khi họ đang tìm kiếm các mẫu thiết kế hấp dẫn.
Tổng biên tập Vogue Anna Wintour, khách mời đặc biệt trong các bữa tiệc cấp nhà nước của Nhà Trắng. |
Ông Ralph Toledano, Chủ tịch của phòng thời trang Puig, đơn vị bao gồm Jean Paul Gaultier và Nina Ricci, tự hào nói:
“Anna Wintour có ảnh hưởng to lớn trong sự lựa chọn của một số nhà thiết kế nổi tiếng. Bà ấy cung cấp cho tôi những hướng dẫn hiệu quả và càng làm cho tôi tăng thêm nhiều phần tôn trọng Wintour... Wintour có một trực giác kinh doanh tuyệt vời”.
Chính Anna Wintour đã tạo ra một sáng kiến với Hội đồng các nhà thiết kế Mỹ (CFDA) để tạo thành Quỹ thời trang CFDA/Vogue nhằm hỗ trợ cho thế hệ các nhà thiết kế trẻ của Mỹ.
Quỹ thời trang CFDA/Vogue được thành lập chỉ vài tuần sau khi nước Mỹ trải qua vụ khủng bố 11/9, khi ngành kinh doanh thời trang buộc phải chuyển hướng đến các nhà thiết kế trẻ theo một cách sâu sắc nhất.
Trong năm 2009, Anna Wintour đã khai trương Đêm thời trang, một hình thái mua sắm thời trang kích cầu cho ngành công nghiệp thời trang New York trị giá 10 tỷ USD.
Anna Wintour cũng quyên góp hơn 85 triệu USD cho Viện bảo tàng y phục nghệ thuật Đô Thành bằng cách tổ chức các dạ tiệc thường niên và quản lý một bộ hồ sơ danh sách khách mời danh dự từ thế giới thời trang, điện ảnh, ca nhạc, thể thao và dĩ nhiên không thể vắng mặt chính trị.
Thật vậy, gần đây Vogue dưới quyền điều hành của Anna Wintour bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực đời tư của những chính trị gia nổi tiếng. Condoleezza Rice, Kathleen Sebelius và Susan Rice lần lượt có mặt trên các trang nội dung của Vogue với vẻ bối rối, bẽn lẽn như không muốn chuyện riêng tư bị bê hết ra ngoài cho công chúng.
Không phải tự nhiên nữ Tổng biên tập làm thế, Anna Wintour từng có lịch sử dài hơi hỗ trợ cho các ứng viên của Đảng Dân Chủ từ John Kerry cho đến các chiến dịch tranh cử Thượng viện của bà Hillary Clinton và Kirsten Gillibrand…
Tuy nhiên phần lớn chú ý chính trị của Wintour chủ yếu tập trung vào chính quyền ông Barack Obama.
Anna Wintour sẽ trở thành Đại sứ Mỹ tại Pháp?
Ở tuổi 65, nhan sắc của Anna Wintour vẫn mặn mà và quyến rũ, bà đang chuẩn bị dự dạ tiệc tại Nhà Trắng. |
Anna Wintour là người ủng hộ sớm nhất cho ông Obama từ năm 2008, bà háo hức chạy đua gây quỹ tranh cử, cũng như phân tích chi biết các bài diễn văn soạn thảo của ông Obama.
Năm 2012 này, một mình Wintour đã gây ngân quỹ ít nhất là 500.000USD cho ông Obama và tự bỏ tiền túi cá nhân tới hàng chục ngàn USD cho ông chủ Nhà Trắng. Sự nhiệt tình của Wintour nhằm mục đích gì?.
Đang có tin đồn rằng Wintour muốn nhờ ông Obama đặc cách phong cho mình làm đại sứ Mỹ. Tin đồn càng như có cơ sở khi người ta nhìn thấy Anna Wintour liên tục xuất hiện tại nhiều bữa tiệc cấp nhà nước và có một ghế trong Ủy ban Nghệ thuật và Nhân văn của Tổng thống.
Sau tất cả, nếu một cựu giám đốc truyền thông như Wintour có thể điều hướng tới thế giới ngoại giao Pháp – Mỹ thì tại sao lại không thể khả thi?
Ông Craig R. Stapleton, đại sứ Mỹ tại Pháp từ năm 2005 đến 2008, thừa nhận: “Tôi thích làm một nhà ngoại giao. Đó là một nghề tuyệt vời. Tuy nhiên nó không phải là một loại hưu trí sang trọng”.
Còn ông Christopher Meyer, Đại sứ Anh tại Mỹ từ năm 1997 đến năm 2003, cho biết: “Nó là một phần của một mạng lưới khổng lồ. Một công việc đầy cực nhọc”. Về phía bạn bè của Anna Wintour, tất thảy đều tin bà có khả năng để đảm nhiệm vai trò Đại sứ Mỹ tại Pháp.
Nhà sản xuất phim tại Hollywood Harvey Weinstein, người đang bắt tay gây quỹ cùng với Wintour cho chính quyền Obama, nói: “Wintour làm việc đó bởi vì bà tin Tổng thống. Tôi nghĩ rằng bà ấy có thể làm tốt hơn ngoài vai trò của một Tổng biên tập Vogue”.
Những phụ nữ nổi tiếng và quyền lực là nhân vật ưa thích được Vogue săn lùng và chụp ảnh, đó cũng là thành công của Tổng biên tập Anna Wintour. |
Anna Wintour từ chối phỏng vấn cho câu chuyện này, song qua phát ngôn viên bà đã bác bỏ tin đồn về chiếc ghế đại sứ có liên quan tới mình. Tuy nhiên không có gì là vĩnh viễn, đặc biệt là trong thời trang.
Sau vài thập kỷ mở rộng ảnh hưởng văn hoá của mình – sự lớn mạnh của thương hiệu Vogue – liệu Wintour có nghĩ tới kế hoạch B? Nếu không phải chính trị thì là gì?
Trong lịch sử của tạp chí Vogue, Anna Wintour là Tổng biên tập “thọ” đứng hàng thứ 2 sau nữ Tổng biên tập Edna Woolman Chase, người điều hành Vogue từ năm 1914 đến 1951, giúp Vogue sinh tồn qua cuộc Đại suy thoái và 2 cuộc chiến tranh thế giới.
Anna Wintour sớm “đột nhập” tại Washington vào giữa thập niên 1990 thông qua cơ hội gặp gỡ với Katharine Graham, cựu Chủ tịch ủy ban điều hành của tờ Washington Post và là một “chức sắc cao tuổi” trong xã hội Washington.
Hai người đàn bà gặp nhau tại một dạ tiệc ở New York nơi Graham đang gây ngân qũy cho chương trình nghiên cứu bệnh ung thư vú. Anna Wintour phụ trách nghi lễ tại Đại lộ thứ 7, trong khi Graham mời Công nương Anh Diana vào chiếc ghế chủ tịch danh dự của dạ tiệc đó.
Dạ tiệc từ thiện sau đó đã quyên góp được hơn 1 triệu USD, gấp 5 lần so với năm trước đó. Katharine Graham tiếp tục làm việc cho đến khi qua đời vào năm 2001, và vẫn kết thân với Anna Wintour, họ thường gặp nhau ăn tối vui vẻ tại nhà Graham ở Georgetown cũng nhà nơi hội tụ của những nhân vật quyền lực của Nhà Trắng.
Nhiều năm sau lần gặp gỡ với Katharine Graham, Anna Wintour đã biến Vogue thành một nơi gặp gỡ của các nhân vật có “máu mặt”. Bà Karen Finney, cựu phó báo chí của Ngoại trưởng Hillary Clinton nhìn nhận về Vogue:
“Là nữ chính trị gia bạn nên liên hệ với Vogue, đó là nơi mà bạn được mô tả một cách toàn diện hơn. Tôi luôn nghĩ đến bà Condi Rice. Hình ảnh của Rice thật tuyệt vời, nó cho thấy một diện mạo lớn hơn cuộc đời của bà”.
Ảnh Rice không hề sexy, bà mặc một chiếc áo choàng ngồi bên đàn dương cầm. Bà Anita McBride, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng, nói:
“Nếu bạn nhìn vào ảnh chân dung bà Laura Bush vào thời điểm năm 2004, bạn sẽ thấy bà thật đẹp và mạnh mẽ. Một điểm nữa, nếu bạn chú ý đến lịch sử của Vogue và bất kỳ ai làm mẫu cho các bức ảnh của tạp chí, bạn sẽ thấy rằng ảnh của họ giữ nguyên dung mạo tươi đẹp bất chấp cả thời gian”.
Điển hình như bức ảnh bà Hillary Clinton chụp năm 1998 vào những ngày xảy ra vụ bê bối Monica Lewinsky, bà Clinton mặc chiếc áo choàng của nhà thiết kế Oscar de la Renta trông rất vương giả và tự tin.
Cánh tay mặt thân cận của chính quyền Obama
Sau lễ nhậm chức Tổng thống của ông Barack Obama, tân đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã đồng ý cho Vogue chụp ảnh, bởi vì phu nhân Obama tin rằng sự xuất hiện của bà trên bìa tờ tạp chí biểu tượng sẽ tạo ra một phản ứng cộng hưởng đối với phụ nữ trẻ da màu.
Nhà Trắng không bình luận gì về ảnh chụp của đệ nhất phu nhân Michelle Obama trên tạp chí Vogue hay mối quan hệ của bà đối với vị Tổng biên tập của nó.
Và vào tháng 3/2011, trên bìa của Vogue đã hiện diện bức ảnh của phu nhân Asma al-Assad, vợ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ngay trước khi nổ ra những cuộc thảm sát tồi tệ mà nguyên nhân là từ cách lãnh đạo của chính quyền Assad.
Cuối cùng Anna Wintour đã thừa nhận đấy là một sự sai lầm. Tuy nhiên những cuộc tranh cãi đã không làm chậm lại chính sách gây qũy chính trị hoặc làm giảm đi sự nổi tiếng của Wintour.
Bằng chứng là chỉ 3 ngày sau, khi Wintour xin lỗi về bức ảnh của phu nhân Asma al-Assad, Wintour đã tổ chức một dạ tiệc gây quỹ cho ông Obama tại dinh thự của nữ diễn viên Sarah Jessica Parker ở Hollywood, tại bữa tiệc, ông Obama đã ca ngợi những hỗ trợ không mệt mỏi của Anna Wintour.
Mỗi lời nói của Wintour tạo ra một làn sóng trong giới thời trang phương Tây. “Nếu Wintour tin tưởng bạn, tên của bạn sẽ được nhắc đến trên môi bà ấy”, dẫn lời nhà thiết kế Thakoon Panichgul, nhà thiết kế thời trang ưa thích của đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Ngoài việc nổi tiếng trong giới thời trang quốc tế, Anna Wintour cũng là cái tên luôn được nhắc đến trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, Wintour đã tiếp bước theo gia đình mình: mẹ và hai người em của bà cũng đang sôi nổi làm từ thiện ở London.
Nhìn nhận về vai trò chính trị của Wintour, ông Meyer, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ nói: “Chính trị là một canh bạc mà người theo nó phải theo đến phút cuối. Một số người đã rất thành công. Số khác ít may mắn hơn”.
Là một nhà ngoại giao thật sự, ông Meyer đã từ chối thảo luận về các thất bại. Trái ngược với các giả định, vai trò của các đại sứ không yêu cầu phải có nền tảng chính sách đối ngoại mà thay vào đó “người ta phải có sở trường để tạo ra một mạng lưới các ảnh hưởng.
Bạn cần phải có trí óc nhanh nhạy, một cái đầu cứng, dạ dày mạnh mẽ, nụ cười ấm áp và đôi mắt sắc lạnh. Sự nhút nhát không phù hợp trong môi trường này”, ông Meyer khẳng định.
Nguyễn Thanh Hải (Theo Daily Beast)