Vội vã lấp hố bom để các phương tiện có thể lưu thông chi viện cho miền Nam đoạn qua huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tổ của bà Toán nhận được lệnh chạy vào hầm tránh bom đạn. Đúng lúc máy bay địch ghé sát ném tên lửa lấp miệng hang khiến 32 người hy sinh, chỉ có duy nhất bà Toán ở huyện Duy Tiên, Hà Nam sống sót và bà trở thành nhân chứng sống duy nhất trong vụ sập hang ở Nghệ An năm 1966.
Đã hơn 46 năm trôi qua, bà Nguyễn Thị Toán (sinh năm 1945) ở thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn không sao quên được cái ngày mà Mỹ ném bom dữ dội vào cửa hang Khì – nơi mà cả tổ bà đang trú ẩn khiến 32 người hy sinh.
Bà là người duy nhất vượt qua được ải “Diêm Vương” để đến hôm nay kể cho con cháu nghe về một thời đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Bà được mọi người gọi là “người đàn bà trở về từ quan tài” hay “Người đàn bà giành lại sự sống từ Diêm Vương”. Giờ đây khi đã qua tuổi lục tuần nhưng hằng ngày bà Toán vẫn cần mẫn làm ăn mặc dù trên người bà hơn 40 năm qua hằng ngày vẫn “sống chung” với 7 vết thương thời chiến.
Bà Nguyễn Thị Toán kể về một thời TNXP ở Hoàng Mai.
Chưa đầy 18 tuổi cô gái trẻ Toán lúc bấy giờ đã tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu từ bắc chí nam. Đến năm 1965 bà vào tổ 4, thuộc phân đội thanh niên xung phong (TNXP) ở mỏ đá Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Bà nhớ lại: “Hồi bấy giờ, bom đạn ác liệt khiến nhiều tuyến đường chính bị tan nát, xe không thể lưu thông được. Tổ chúng tôi có nhiệm vụ vừa khai thác đá ở Hoàng Mai vừa khắc phục tắc đường, hỏng cầu khi bom Mỹ đánh phá để mở đường cho các đoàn xe vận chuyển người, lương thực, thuốc men chi viện cho miền Nam”.
Nhớ lại ngày định mệnh xảy ra cách đây hơn 40 năm về trước bà cho biết, trong một lần đang cùng đồng đội san lấp hố bom ở gần hang Khì – Hoàng Mai (thuộc xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì máy bay địch bay sát tới ném bom dữ dội.
“Hôm đó khoảng gần 10 giờ sáng 28/4/1966 tổ tôi đang làm việc ở mỏ đá thì tổ trưởng ra lệnh và hướng dẫn mọi người chạy vào hang Khì ẩn nấp. Vừa chạy vào đến cửa hang thì máy bay địch nhào tới phóng ngay một quả tên lửa vào đúng miệng hang khiến tất cả 33 người trong đó có cả tôi bị vùi lấp trong lớp đất đá”. Bà xúc động mỗi khi nhắc đến chuyện xưa.
Chỉ trong chớp mắt, khói lửa bao trùm mù mịt, trong hang lúc này chỉ còn tiếng rên, tiếng la hét vọng ra. Lực lượng cứu hộ chỉ có duy nhất là xẻng và cuốc chim, cửa hang bị nhiều tảng đá, có tảng nặng cả tấn bịt kín. Bom Mỹ liên tục bắn phá trong ngày nên việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Đến tận chiều tối khi có lực lượng chi viện, một lỗ cửa hang được cạy ra, mọi người ở ngoài chui vào thì thấy một cảnh tượng đau đớn, 33 thi thể nằm ngổn ngang, nhiều người bị đá đè, biến dạng không còn nhận ra hình dáng.
Hằng ngày bà vẫn lam lũ làm ăn phụ giúp chồng con
Tất cả được đưa ra lau rửa thi hài rồi đưa vào hòm dã chiến. Lúc này trời cũng đã sẩm tối, nhìn dãy quan tài nằm trải dài trên sườn đồi trong không gian tĩnh lặng, tang tóc, không ai cầm được nước mắt. Đúng lúc mọi người chuẩn bị đậy nắp, đóng đinh quan tài thì từ trong 1 chiếc quan tài tiếng bà Toán khẽ kêu khiến mọi người bỏ chạy.
Bà kể: “Lúc ấy, tôi tỉnh thấy trong người đau nhức nhưng nhìn lại thì mình đã nằm trong hòm rồi. Thấy tôi kêu đau mọi người tá hỏa chạy hết vì nghĩ là hương hồn của đồng đội về nhưng tôi kêu khát nước đồng đội vội chạy lại cho tôi uống nước nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên điều trị”.
Câu chuyện về bà Toán – Người duy nhất sống sót diệu kỳ trong hang Khì bị vùi lấp suốt nhiều giờ khiến nhiều người nể phục. Bà đã được cứu sống và trở về với đời thường từ một tình huống chiến tranh đặc biệt.
Hơn 40 năm vượt qua nỗi đau mất mát đồng đội quá lớn, vì bị thương nặng nên bà Toán sau khi điều trị đã được đưa về quê hương sinh sống với thương tật 4/4. Bà lập gia đình rồi cùng chồng con chăm lo làm ăn.
Hàng xóm nhận xét bà là người thật thà chất phác nên ai ai cũng yêu quý và nể phục về ý chí của người phụ nữ trong thời chiến cũng như cho tới ngày hôm nay.
“Tuy trên người tôi có tới 7 vết thương chủ yếu do mảnh đạn găm vào người đôi lúc trái gió trở trời hay đau nhức nhưng nó nhắc tôi một điều rằng mình còn may mắn trở về với quê hương với gia đình. Tôi hy vọng một ngày nào đó được vào chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống”, bà tâm niệm.
Văn Định