Suốt mấy chục năm qua, không biết bao nhiêu xác hài nhi không tên không tuổi bị chính cha mẹ chúng chối bỏ quyền làm người đã được bà xin về chôn cất. Trái tim nhân hậu của người phụ nữ này dường như chẳng bao giờ hết chỗ cho sự yêu thương. Và tình thương bao la ấy sớm đã trở thành một mái ấm vô hình, nơi những linh hồn bé bỏng, tội nghiệp kia tìm về nương náu.
Nỗi ám ảnh trong quá khứ
Người phụ nữ nhân hậu mà tôi vừa nhắc đến là bà Vũ Thị Chín ở phường Lập Vượng (TP. Nam Định). Mất đôi ba lần tìm đến tận nhà, dăm bảy lượt hẹn hò qua điện thoại mà tôi vẫn chưa có may mắn gặp được người phụ nữ kỳ lạ này.
Cô Thanh, con gái thứ của bà tâm sự: "Bà tuy tuổi cao sức yếu nhưng chẳng mấy khi chịu ở nhà. Có chăng chỉ thi thoảng bà tranh thủ tạt vội về nhà nghỉ ngơi, ăn một bữa cơm với con cháu cho đỡ nhớ. Rồi bà lại tất tưởi chạy ngược chạy xuôi lo chuyện thiên hạ còn hơn cả việc nhà mình". Chờ đợi mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được bà Chín trong căn nhà mà bà thường xuyên vắng mặt để đi làm việc thiện. Hóa ra, lý do khiến bà trở về là vì không còn đồng nào trong túi.
Khi nghe tôi nhắc đến câu chuyện đau lòng của những thai nhi bị vứt bỏ, bà lặng người vì xúc động. Trên gương mặt hằn sâu những dấu hiệu tuổi tác của bà, những nếp nhăn xô vào nhau trong cái nhíu mày giận dữ rồi chùng xuống, run run trong một nỗi đau thương không thể diễn tả. Đôi mắt nhăn nheo đã cạn khô nước mắt bỗng chốc nhòe mờ dù không hề rơi lệ. Chỉ sau khi nghe trọn vẹn câu chuyện của bà tôi mới hiểu vì sao người phụ nữ này lại có những cảm xúc mạnh mẽ như vậy dù bà đã làm công việc này không biết bao nhiêu lần, đã rơi nước mắt trước không biết bao nhiêu hài nhi xấu số mà mình đã từng chôn chất.
Sinh ra ở một làng quê thanh bình vùng Bắc Bộ thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, cũng như bao cô gái quê hiền lành khác, bà sớm "theo chồng bỏ cuộc chơi" từ năm 17 tuổi. Thời bấy giờ, người ta còn chưa biết đến kế hoạch hóa gia đình, cứ mạnh ai người nấy đẻ, nhà nào ít cũng phải dăm ba đứa, nhà nào nhiều thì chín mười đứa.
Không ngoại lệ, ngoảnh đi ngoảnh lại, bà Chín đã sớm trở thành mẹ của tám đứa con. Cuộc sống gia đình bà ngày một khó khăn, một chục miệng ăn trông cậy vào mấy sào ruộng, đói no, sống chết phụ thuộc hết vào việc nắng mưa của trời. Nhìn bầy con nheo nhóc, vợ chồng bà vô cùng xót xa nhưng cũng đành "lực bất tòng tâm" động viên các con vượt qua cơn nghèo đói.
Tưởng trời cho đến đứa thứ 8 đã là đông đủ nhưng không ngờ đúng lúc gia đình hoàn cảnh nhất, bà lại đã có thêm một bào thai trong bụng. Làm sao vợ chồng bà có thể nuôi thêm một miệng ăn trong khi 8 đứa kia còn đang chênh vênh trên bờ vực đói khổ. Bởi vậy, sau nhiều đêm trằn trọc bàn tính, vợ chồng bà đã phải cắn răng, nuốt nước mắt vào trong, bỏ đi đứa con đang thành hình trong bụng mẹ.
Có ai là người hiểu hết được những cay đắng, xót xa của người mẹ khi phải chối bỏ đứa con trong bụng mình? Chẳng qua là một việc bất đắc dĩ, không thể dừng được, bà mới phải làm cái việc mà tự bản thân bà cho là vô cùng bất nhân và tàn nhẫn ấy. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh luôn luôn thường trực, dày vò bà bất cứ lúc nào.
Người phụ nữ phúc hậu Vũ Thị Chín.
Nỗi đau cũ chưa kịp nguôi ngoai, vết thương chưa liền sẹo, bà đã lại phải đối mặt với một nỗi lo lớn khi biết mình lại mang thai lần thứ 10. Trong hoàn cảnh hiện tại, cả hai vợ chồng bà đều biết rằng mình không được phép có thêm một đứa con nào nữa. Lại thêm một lần bà bắt buộc phải làm cái việc mà mình căm ghét nhất. Lại thêm một lần nữa bà cầm dao đâm vào trái tim mình khi phải bỏ thêm một đứa con.
Để không gục ngã trước nỗi đau, bà đã tự động viên mình: "Như vậy sẽ tốt hơn cho đứa trẻ vì nếu có sinh ra trên cõi đời này, nó cũng không thể cầm cự được trước cái đói đang rình rập". Không biết bao nhiêu lần, bà muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi nỗi ám ảnh về tội lỗi của mình nhưng nghĩ đến 8 đứa con còn lại đang cần được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, bà lại gắng gượng tiếp tục sống, tiếp tục nuôi con.
Chính vì đã đi đến tận cùng của những nỗi đau ghê gớm nhất cho nên chỉ cần nhìn thấy bóng dáng một đứa trẻ, chỉ cần thoáng nghe tiếng trẻ khóc, trái tim bà đã rộn lên bao nỗi yêu thương. Dường như với bà, tất cả những đứa trẻ trên đời này đều là những đứa con thân yêu của mình. Bà yêu chúng không chỉ bằng tình yêu mà còn bằng nỗi đau của một người mẹ đã phải hi sinh những đứa con yêu dấu.
Đó chính là lý do suốt mấy chục năm qua, bà đi khắp mọi nơi, làm đủ mọi cách để xin được xác của những thai nhi bị bỏ đi trong bệnh viện để mang về chôn cất, cho chúng một nơi yên nghỉ. Chỉ khi làm thế, bà mới thấy lòng mình được thanh thản và nỗi đau suốt bao năm ám ảnh cũng được nguôi đi phần nào.
"Tay trái làm việc tốt đừng cho tay phải biết!"
Đó là quan niệm của bà khi làm việc thiện. Bà bảo, đã làm việc thiện, việc tốt mà lại cứ đi kể, đi khoe cho người khác biết thì việc thiện, việc tốt đó còn được bao nhiêu ý nghĩa mà làm. Bà làm từ thiện là để tích đức cho con cháu sau này. Bà sợ nếu để nhiều người biết thì cái đức dành cho con cháu sẽ chẳng còn được bao nhiêu.
Bởi vậy cho nên, mấy chục năm nay bà làm công việc này một cách thầm lặng, giúp người, giúp đời mà không ai hay. Những người hàng xóm chỉ thấy bà cứ đi đi về về xoành xoạch trên chiếc xe đạp cà tàng nhưng chẳng biết bà đi những đâu, làm những gì. Ngay chính con cái bà nhiều khi cũng không biết hết, không hiểu hết cho những việc đầy ý nghĩa mà bà đang làm bằng tất cả tình yêu thương con người và trái tim một đời hướng thiện.
Ít khi ăn cơm ở nhà nhưng nhiều lần, vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn, nghe điện thoại có người báo tin ở bệnh viện vừa có ca hút thai, bà vội vã buông ngay bát cơm, đến xin xác cái thai mà người ta vừa bỏ mang đi chôn cất. Con cái nói thế nào cũng không làm bà thay đổi. Theo lời kể của bà thì mới đầu, khi nghe bà trình bày ý định muốn xin xác thai nhi về chôn, những nhân viên trong bệnh viện vừa ngạc nhiên vừa ngờ vực. Họ chưa từng gặp trường hợp nào như vậy.
Nhiều người còn cho rằng bà có mục đích xấu và tỏ ra hết sức cảnh giác. Bà đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục họ mới chịu tin. Lâu dần, các nhân viên trong bệnh viện cũng hiểu được ý nghĩa công việc mà bà đang làm, không một chút vụ lợi, tính toán mà hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, yêu thương và nhiệt tình giúp đỡ.
Mấy năm gần đây, bà cảm thấy rất vui khi thấy số lượng xác thai nhi trong bệnh viện có vẻ giảm đi nhiều. Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu khi biết nguyên nhân của việc giảm xác thai nhi trong bệnh viện là do bây giờ, nhiều người tự phá thai bằng thuốc ở nhà chứ không cần phải đến bệnh viện nữa. Nói đến đây, bà trút một tiếng thở dài thay cho một câu hỏi lớn: "Tại sao trong một xã hội hiện đại với bao biện pháp ngừa thai hiệu quả vẫn luôn có những việc đáng buồn như vậy?".
Khi biết tôi rất cảm kích, muốn kể lại câu chuyện này, bà tỏ ra khá ngần ngại không muốn nhiều người biết đến việc làm của mình. Nhưng thiết nghĩ, câu chuyện cảm động của bà có thể sẽ làm thay đổi cách nghĩ, cách hành động của nhiều người, nhất là trong giới trẻ để sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn và yêu thương nhiều hơn.
Luôn xả thân Cô Thanh, người con gái đang sống cùng bà chia sẻ: "Tất cả mọi người trong gia đình đều biết bà đang làm việc tốt và rất ủng hộ. Nhưng mọi người đều lo lắng khi một cụ già đã ngoài 70 tuổi, chân yếu tay mềm, suốt ngày lang thang ngoài đường trước bao nhiêu chuyện không may có thể xảy ra". Cô Thanh kể, có bao nhiêu tiền trong túi, bà cụ cũng đem cho người ta hết rồi có khi lại nhịn đói đạp xe về. Nhiều khi, cô giận mẹ, không đưa tiền cho bà nữa với hi vọng không có tiền thì bà sẽ chịu nghỉ ngơi ở nhà. Nhưng không có tiền, bà vẫn đi. Không có tiền cho người ta thì bà đến các trung tâm bảo trợ người già, trẻ em giúp nhân viên trong đó làm các công việc giặt giũ, nấu nướng, tắm gội cho những người tàn tật, đau ốm. |
Dương Dung