Chị Triệu Thị Vang (34 tuổi, thôn Nà De, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) là người có số phận và khả năng đặc biệt. Khi chồng đi làm ăn xa, chị vẫn tự mình chăm lo gia đình, nuôi nấng con cái.
Cổ tích tình yêu của cô gái mù
Theo giới thiệu của bà Vũ Thị Lan, Hội phó hội Người mù huyện Định Hóa, chúng tôi tìm đến thôn Nà De để gặp người phụ nữ đặc biệt ấy.
Ngôi nhà nhỏ nằm khép mình bên sườn núi. Nghe tiếng chúng tôi gọi, một người phụ nữ đon đả chạy ra mời khách vào nhà. Tôi nhìn thấy đôi mắt chị không còn lành lặn. Mặc dù vậy, những hành động của nữ gia chủ này vẫn khiến chúng không khỏi ngạc nhiên. Dẫn khách vào nhà, chị xuống bếp đun nước để pha chè mời khách. Chị cho biết: "Tôi thuộc từng bậc hiên, lối đi lại trong nhà. Tất cả các đồ vật trong nhà này, tôi đều nhớ từng vị trí".
Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng chị Vang sống vẫn rất hạnh phúc
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cô bé Vang ở với ông bà. Khoảng mười năm trước, ông bà chuyển về Hà Nội, cô bé theo cùng. Sau này, ông bà không thích ở Hà Nội lại chuyển về quê cũ. Lúc này, cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn. Đáng tiếc cô gái ấy lại bị mù hai mắt.
Cạnh làng có một chàng trai hiền lành tên là Triệu Chí Tiền, ít hơn Vang hai tuổi đã thầm mong, trộm nhớ: "Mỗi lần đi ngang nhà cô Vang, tôi lại thấy bồi hồi xen lẫn cảm thương. Mặc dù cô ấy bị khiếm thị nhưng ăn nói rất có duyên. Tôi vẫn thường vào hỏi cô Vang. Có lần chỉ nghe tiếng bước chân mà cô ấy đã biết là tôi đến. Cũng chẳng biết tự khi nào, trái tim tôi đã dành trọn cho cô Vang", anh Tiền chia sẻ.
Trước khi đi bộ đội, anh Tiền đã thổ lộ tình cảm với Vang. "Anh Tiền đã không chê tôi bị khiếm thị mà còn nói sẽ nguyện làm đôi mắt cho tôi suốt đời. Trước khi anh ấy lên đường nhập ngũ, tôi đã xin người tình cho tôi một mụn con để có thể nương tựa về già. Tôi biết thân biết phận mình, tôi cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho anh ấy. Cứ tưởng từ khi anh ấy đi bộ đội thì sẽ quên đi cô gái mù này mà lấy một cô gái khác, nhưng anh Tiền vẫn một mực chung thủy với tôi", chị Vang xúc động nhớ lại.
Trong quân đội, anh Tiền thường xuyên viết thư về cho chị. Không đọc được chữ, chị lại nhờ bạn đọc rồi chị bồi hồi lắng nghe. Khi đọc đến đâu, nước mắt chị lại rơi đến đó. Đáp lại những dòng tâm sự ấy, chị lại đọc cho cô bạn viết thư hồi đáp. Tuần nào cũng vậy, họ cũng viết thư tâm sự. Những cánh thư tình cứ chất dày theo năm tháng như là minh chứng cho tình yêu thương tràn đầy trong trái tim họ.
Khi xuất ngũ, anh Tiền đã đến để xin cưới chị Vang. Khi anh Tiền về thưa chuyện với gia đình mình thì bị người nhà ngăn cấm. Tuy nhiên, anh vẫn một mực đòi cưới bằng được Vangå. Nhiều lần, anh kiên quyết bỏ nhà ra đi hoặc sẽ tự tử nếu gia đình không đi hỏi vợ cho mình. Thấy con mình kiên quyết như vậy, bốë mẹ cũng cam chịu mà đưa sính lễ đến hỏi dâu cho con. Thế nhưng, gia đình vẫn không tổ chức đám cưới mà chỉ làm mấy mâm cơm lấy lệ. Đám cưới của anh Tiền và chị Vang rất giản dị, chỉ vài ba mâm cơm, họ cũng không mời bạn bè. "Thực ra được đến với nhau cũng là hạnh phúc rồi. Tôi cũng không quan trọng đám cưới lớn hay nhỏ", anh Tiền bộc bạch.
Khi cưới nhau, hai vợ chồng chuyển ra một túp lều lụp xụp để ở. Chuyển ra ở riêng, họ phải lo trang trải mọi thứ trong cuộc sống, từ chuyện cơm áo gạo tiền đến trang trải cuộc sống. Tuy cuộc sống có khó khăn nhưng họ vẫn tự lập hoàn toàn, họ không muốn dựa dẫm vào gia đình. Tình yêu đã đưa họ đến với nhau và giúp họ vượt qua mọi gian khổ trong cuộc sống, một túp lều tranh đã nuôi dưỡng tình yêu thương của hai trái tim vàng. Cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc, mặc kệ những lời gièm pha của người đời. Dân gian có câu "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn", nhờ chịu khó làm ăn, tích lũy nên chẳng bao lâu họ đã dựng được một ngôi nhà khang trang.
Dù bị mù nhưng chị Vang vẫn quán xuyến mọi việc trong gia đình
Bán hàng nuôi con
Năm 2005, chị Vang sinh con. Người sáng mắt chăm sóc con thơ đã khó khăn, người mù chăm con còn khó khăn gấp vạn lần. Chị Vang chia sẻ: "Tôi địu con vào bếp nấu bột, giặt tã... Khi con biết đi, chồng tôi đã lấy tấm ván để ngăn không cho con chạy ra khỏi nhà. Mọi đồ đạc dễ vỡ, có thể gây ảnh hưởng đến con, tôi đều để ra khỏi căn phòng đó. Khi con ngủ, tôi lại tranh thủ làm việc khác”.
Hằng ngày chị vẫn tranh thủ thời gian ở nhà để nấu rượu bán lẻ cho các cửa hàng khác. Công việc này vốn đã khó khăn với những người sáng mắt, nhưng với chị nó còn khó khăn hơn. Mỗi tuần một lần, chị đi chợ mua men, mua gạo về ủ. Gánh nặng đè lên vai người phụ nữ khiến bước chân chị chòng chành trên con đường làng quanh co, khúc khuỷu. Con đường từ nhà ra thị trấn khoảng 4 - 5km, nhưng bước chân chị đã thông thuộc từng viên đá sỏi.
Để tận dụng bỗng rượu, chị bàn với chồng xây chuồng và mua lợn giống về nuôi. Năm 2007, chị vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn. Nhưng chẳng may trong một trận dịch, lợn chết gần hết. Số nợ ngày càng chồng chất mà không trả nổi.
Nuôi lợn không được, chị chuyển qua nuôi gà. Công việc chăn nuôi không đã làm cho chị đầu tắt mặt tối suốt ngày mà không có lãi. Sau vài lứa thất bại, chị đã chuyển hướng để phát triển kinh tế gia đình. Chị quyết định đi buôn.
Công việc buôn bán của chị cũng chỉ quẩn quanh ở phạm vi gần. Khi hàng xóm còn đang yên giấc chị đã dậy chuẩn bị hàng đem bán. Chị dậy từ lúc 4h sáng để chuẩn bị nguyên liệu đồ xôi. Đồ xong, chị mang ra cổng trường của xã hoặc trường huyện để bán cho học sinh. Những lúc đi bán hàng chị vẫn thường địu con theo. Mặc dù khiếm thị nhưng chị vẫn bán hàng bình thường như những người khác. Mới đầu chị còn phải sờ từng mặt của tờ tiền theo những con số nổi để biết giá trị của chúng. Dần dần nó đã hình thành thói quen, chị chỉ cầm vào tờ tiền đã biết chính xác mệnh giá bao nhiêu.
Chồng chị không có công việc ổn định, vốn làm công trình nên anh thường xuyên vắng nhà, có những chuyến đi biền biệt kéo dài hàng tháng. Những lúc như vậy, chị Vang là trụ cột trong gia đình, mọi công việc đều do một tay chị quán xuyến. Chị Vang chia sẻ: "Thời gian đầu làm việc gì cũng khó, nhưng mọi chuyện rồi cũng quen dần. Người phụ nữ khác làm được thì tôi cũng làm được. Chăm sóc gia đình là thiên chức của người phụ nữ và nó càng cao qúy hơn đối với người khiếm thị như tôi".
Người sáng mắt cũng phải nể phục Bà Vũ Thị Lan, Hội phó hội Người mù huyện Định Hóa cho biết: "Chị Triệu Thị Vang là một hội viên tiêu biểu. Mặc dù bận bịu chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái nhưng chị vẫn tranh thủ bán hàng để kiếm thêm thu nhập. Đối với những người phụ nữ bình thường, để làm tròn trách nhiệm của mình trong gia đình đã là khó, vậy mà chị Vang đã làm rất tốt những việc đó". |
Thế Hoàng