Người đàn bà nghiện hút quên tuổi, quên con

Người đàn bà nghiện hút quên tuổi, quên con

Thứ 7, 02/03/2013 22:14

Ghi nhận của PV về chuyện người Mông cai nghiện ở nơi rẻo cao Yên Bái thật lắm nỗi bi hài và cũng thấm đẫm nước mắt về những cảnh đời nghiệt ngã. Phụ nữ đi cai nghiện, con ở nhà với ai? Cả 2 vợ chồng cùng cai nghiện, con không nơi nương tựa với những mảnh đời ai oán...

Chúng tôi trở lại Yên Bái vào một ngày mưa phùn gió bấc, cái lạnh "cắt da cắt thịt", đi trên xuồng máy ra "ốc đảo", nơi đó có trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái. Tôi cảm nhận được cái lạnh thấu xương nhưng cũng đầy thú vị với tâm trạng khác nhau. Giữa làn nước trong xanh, thơ mộng của lòng hồ Thác Bà, có một nơi dành riêng cho gần 700 người nghiện ma túy, chiến đấu giành lại cuộc sống bình thường. Với cảm nhận của riêng tôi đó là một "ốc đảo" bình yên…

Nghiện hút vì lời nguyền A Phiền?!

Nằm biệt lập giữa lòng hồ Thác Bà, trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái được xem như một "ốc đảo" bình yên - nơi đem lại niềm tin cho những người nghiện. Gọi là "ốc đảo" vì Trung tâm nằm trên hòn đảo lớn giữa lòng hồ Thác Bà và được chia thành hai khu A, B riêng biệt. Ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là một khung cảnh nên thơ, mặt nước bình yên, khu nhà ở sạch sẽ, gọn gàng, con người lao động cần cù không như tưởng tượng về nơi của những người vật vã vì thiếu ma túy. Mảnh vườn trước khoảng sân rộng có mấy học viên tỉ mẩn tỉa cành, trang trí cây cảnh. Xa xa, những học viên đang trồng rau, tăng gia sản xuất.

Dẫn chúng tôi đến khu A - khu học viên nữ, ông Lê Công Huấn - Phó giám đốc trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Khu học viên nữ có tất thảy 15 người, họ đều là đối tượng cai nghiện bắt buộc. Phần lớn những học viên này là người dân tộc Mông, chỉ có hai học viên là người Kinh. Điều đáng buồn là có những học viên đã từng cai nghiện ở Trung tâm đến 3-4 lần những sau khi tái hòa nhập cộng đồng, họ lại "ngựa quen đường cũ". Dẫu rằng, khi là học viên tại Trung tâm, họ đều tuân thủ nghiêm ngặt mọi nội quy và đoạt tuyệt được với ma túy”.

Xã hội - Người đàn bà nghiện hút quên tuổi, quên con

Những học viên đang sinh hoạt tại Trung tâm.

Theo lời kể của ông Huấn, người có "thâm niên" trong bản người Mông (thuộc xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải)  phải vào Trung tâm để cai nghiện bắt buộc nhiều nhất là Giàng Thị Su. Người phụ nữ này cũng chính là người "dắt" chồng vào con đường nghiện hút ma túy. Hiện tại, học viên Su đã cai nghiện tại Trung tâm được gần một năm rồi. Khi mới vào trung tâm, Su rơi vào tình trạng người như bị "ma làm", lúc nào cũng vật lộn, giằng xé với những cơn "đói" thuốc. Ma túy đã "ăn mòn" thể xác của người phụ nữ này. Thế nhưng, sau một thời gian được chăm sóc, cắt cơn tại Trung tâm, Su đã dần dần ổn định trạng thái tinh thần và sức khỏe.

Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ, học viên Giàng Thị Su chừng ngoài 60 và là người nhiều tuổi nhất trong số các học viên đang cai nghiện tại Trung tâm. Thế nhưng, học viên Su vẫn tỏ ra nhanh nhẹn và khá thân thiện. Trò chuyện với chúng tôi với cái giọng lơ lớ, lúc nào học viên Su cũng thường trực một nụ cười rất tươi. Chuyện Su kể về con đường dẫn đến nghiện hút cũng thật hồn nhiên, ngô nghê. Lý giải cho việc nghiện hút của mình, Giàng Thị Su kể rằng, có một lời nguyền của cô gái xấu xí trong "Sự tích cây thuốc phiện" của dân tộc Mông như thôi thúc, ép buộc: "Ta sẽ bắt giữ những chàng trai phải say đắm và đau khổ vì ta". Bây giờ, không chỉ những chàng trai đau khổ, phiền muộn mà cả những cô gái cũng bị cây hoa thuốc phiện (A Phiền) làm cho tiều  tụy. Bởi vùng đất Mù Cang Chải trước kia là khu vực trồng cây thuốc phiện với diện tích khá lớn ở Yên Bái. Thuốc phiện dồi dào, đàn ông hút, đàn bà cũng hút. Những người nghiện đã đi cai nghiện nhiều nơi, trở về lại nghiện. Không có thuốc phiện (hay còn gọi là thuốc đen) thì họ dùng thuốc trắng (tức heroin), hít không đã thì chích.

Giàng Thị Su thành thật, trước kia nhà mình trồng được cây thuốc phiện nên cũng sẵn. Thấy người ta hút thì mình cũng hút theo, thế là nghiện thôi...

Tôi hỏi Giàng A Su: Chị nghiện theo chồng à? Su lắc đầu. Su bảo rằng: "Chồng nghiện theo mình. Cùng nằm trên giường, nó thấy mình hút thì cũng hút theo. Mình se thuốc cho nó, nó se thuốc cho mình, cả hai cùng hút, cả hai cùng nghiện. Mình nghiện nặng hơn nó, vì mình hút trước nó mà. Bây giờ không tìm thấy thuốc đen đâu, chỉ có thuốc trắng thôi. Cả hai vợ chồng đều đi làm thuê lấy tiền hút".

Theo lời kể của học viên Su, một phần nguyên nhân dẫn đến việc người phụ nữ này tái nghiện trở lại sau những lần cai nghiện là do vùng đất Mù Cang Chải cũng là vùng mà các "đầu nậu" ma túy đi qua để chuyển "hàng" về dưới xuôi. Su nói rằng: "Mua thuốc chẳng đắt đâu, chỉ 30.000 đồng được gói nho nhỏ. Càng hút càng thấy thèm nên nghiện càng nghiện nặng thêm".

Ông Lê Công Huấn cho biết, trường hợp Giàng Thị Su không phải là "hiếm có khó tìm" tại Trung tâm. Trong số 693 học viên cai nghiện tại đây, có tới 40% người dân tộc thiểu số hút thuốc phiện, đặc biệt là cư dân ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Họ dùng thuốc phiện theo phong tục xưa rồi mắc nghiện, tán gia bại sản vì thuốc phiện. Khi hết tiền thì buôn ma tuý để lấy tiền hút. "Một lý do khiến người dân tộc Mông nghiện có "truyền thống" bởi vì theo quan niệm của họ, thuốc phiện có thể chữa bệnh. Đau bụng hút thuốc phiện, đau chân, đau tay cũng thuốc phiện. Đi ngoài cũng cần đến thuốc phiện. Dùng thuốc để chữa bệnh lâu ngày cũng thành nghiện", ông Huấn bộc bạch.

Ông Lê Công Huấn kể rằng, ở Trung tâm có nhiều trường hợp vào cai nghiện đến 5-6 lần mà vẫn không thoát ra khỏi ma túy. Điều đáng nói là có nhiều cặp vợ chồng cùng đi cai. Ông Huấn nhớ lại cặp vợ chồng người Mông ở Cao Phạ (Mù Cang Chải) đã từng cai nghiện ở Trung tâm. Mặc dù mới ngoài 40 nhưng ông chồng nom như ông lão 60, da vàng khè, nhàu nhĩ, mái tóc hoa râm bết vào nhau như đuôi gà. Trên người, lúc nào cũng ám khói và trộn lẫn mùi mồ hôi tạo ra thứ mùi gây gây rất khó chịu. Người vợ thì bị ma túy "vật" trông y như ba cụ non khi mới bước vào tuổi 30.

Chuyện những người phụ nữ Mông dẫn dắt chồng vào con đường nghiện hút theo ông Huấn đó là chuyện hết sức bình thường ở địa phương này. Thậm chí, những người phụ nữ nghiện đến mức "mụ" hết cả đầu óc không thể nhớ nổi tuổi, sinh bao nhiêu người con?!

Xã hội - Người đàn bà nghiện hút quên tuổi, quên con (Hình 2).

Giàng Thị Su không thể nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi.

Quên cả tuổi, quên mình có bao nhiêu con

Câu chuyện về học viên Giàng Thị Su khiến tôi khá bất ngờ. Ma túy đã khiến người phụ nữ này mê mụ đến mức không thể nhớ mình bao nhiêu tuổi, chẳng thể nhớ nổi đứa con cả là con gái hay con trai và đã bao nhiêu tuổi rồi. Học viên Su chỉ có thể nhớ, mình có 6 người con (1 gái, 5 trai) và đặc biệt, Su không hề mảy may quan tâm, con đã lấy vợ, lấy chồng và sinh được bao nhiêu đứa cháu.

Tôi gặng hỏi: "Chị quê ở đâu?". Học viên Su cười rất tươi: "Mù Cang Chải". "Chồng chị làm nghề gì?"- tôi hỏi. Học viên Su cúi mặt: "Chẳng có chồng?!". Hóa ra, hàm ý của người phụ nữ này muốn nói với PV là chồng đã bỏ mình từ lâu rồi. Mặc dù, chồng Su cũng nghiện nhưng người đàn ông này cũng không chịu đựng được cảnh, nhìn thấy vợ tối ngày vùi đầu vào bàn đèn (thuốc phiện), thuốc trắng (heroin). "Mình bị thuốc trắng "vật" nên phải vào đây. Nghiện lâu rồi, bây giờ vào đây vẫn... thèm lắm!", học viên Su thản nhiên nói.

Biết học viên Su có tới 6 người con, nhưng lại nghiện từ khi còn rất trẻ, tôi thắc mắc: "Vừa nghiện hút lại vừa nuôi con nhỏ thì làm gì để kiếm tiền nuôi con?". Su kể rằng, ban đầu hai vợ chồng cùng đi làm thuê, kiếm tiền rau cháo qua ngày. Sau này, tiền làm thuê không đủ tiền thuốc, chồng Su cũng bỏ Su đi nơi khác sinh sống, thế là bà bỏ mặc các con tự sinh tồn. Chúng kiếm được gì ăn thứ đó, sống ra sao thì sống.

Theo lời kể của ông Huấn, Giàng Thị Su nghiện thuốc phiện mấy chục năm, không có tiền mua thuốc, sau đó, người đàn bà này giấu con cháu đi buôn thuốc phiện để có "hàng" dùng. Vậy là Su "dính" vào vòng lao lý. Sau khi thụ án về tội buôn bán ma túy, Su trở về nhà nhưng tái nghiện và được đưa vào Trung tâm. Xa con cháu để cai nghiện biệt lập, Su luôn chấp hành mọi quy định của Trung tâm với hy vọng sẽ từ bỏ hẳn được ma túy. Thế nhưng, nỗi niềm trăn trở của các cán bộ nơi đây vẫn đau đáu về sự ám ảnh mơ hồ... tái nghiện. Bởi, những người phụ nữ Mông, phần lớn sau khi tái hòa nhập cộng đồng lại bị mê mụ bởi khói thuốc trắng hoặc bị hoa mắt vì hám lợi - buôn bán ma túy.

Trao đổi với PV, mặc dù Giàng Thị Su tâm niệm sẽ sớm được rời khỏi Trung tâm để trở về với gia đình, nhưng trong suy nghĩ của người phụ nữ dân tộc Mông này không hẳn như vậy. Giàng Thị Su dường như thích ở lại Trung tâm bởi một lý do rất giản đơn, vì sẽ không phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày.

Hương Lan

(Còn nữa)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.