Người đàn bà 'tâm thần' và những vụ lừa siêu cao thủ (1)

Người đàn bà 'tâm thần' và những vụ lừa siêu cao thủ (1)

Thứ 3, 23/04/2013 15:23

Đang là bệnh nhân điều trị nội trú bệnh tâm thần, vậy mà Mông Thị Ngọc lại là nạn nhân trong vụ bắt cóc con tin là cái lạ thứ nhất.

Cái lạ thứ hai là dù mang hai bản án với tổng số 24 năm tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Mông Thị Ngọc vẫn tự do, tự tại ở ngoài và tiếp tục thực hiện chiêu bài lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cái lạ thứ ba là, nạn nhân của chị ta không chỉ là những đối tượng “xã hội đen” mà còn có cả người nhà, bạn bè và cả ngân hàng…

Nạn nhân trong vụ bắt cóc con tin

Ngày 13/10/2011, một phụ nữ yếu đuối đã bí mật báo tin mình bị bắt cóc, bị giam cầm ở một nơi kín đáo đến đường dây nóng của một tờ báo. Thông tin “hốt hoảng” trên lập tức được tung đi. Nó khiến không chỉ lực lượng Công an phải tích cực vào cuộc giải cứu con tin mà một số tờ báo cũng cử phóng viên làm thám tử để tìm cho ra chỗ người đàn bà đáng thương đang bị giam cầm.

Thế rồi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Tây Hồ và Phòng CSĐT tội phạm về TTXH cũng tìm ra nơi người phụ nữ đang bị khống chế. Đó là một ngôi nhà nằm trong một ngõ nhỏ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nhờ có cánh phóng viên có máu “điệp viên” mà hình ảnh tiếp cận ngôi nhà, thời khắc quyết định tông cửa xông vào và cả cảnh người phụ nữ đáng thương đầu quấn băng trắng đều được cập nhật, đưa thông tin kịp thời đến bạn đọc, nhất là với những bạn thích đọc báo mạng.

Quả thực, khi xem clip giải cứu con tin, chúng tôi cũng không nén nổi sự hồi hộp. Và rồi, cả sự cảm thông khi thấy người phụ nữ bé nhỏ bị nhốt bên trong, khuôn mặt hốc hác... Nếu không có sự tích cực của cơ quan chức năng, người phụ nữ đáng thương này sẽ còn bị giam giữ, sẽ còn bị tra tấn, sẽ còn bị bỏ đói..., đó là những khả năng rất dễ xảy ra bởi, thân gái mà rơi vào tay “xã hội đen” thì...

Pháp luật - Người đàn bà 'tâm thần' và những vụ lừa siêu cao thủ (1)
 

Sau mấy ngày bị bắt giữ trái phép, người phụ nữ được cứu, được trở về với gia đình, đoàn tụ với 3 đứa con. Còn những kẻ coi thường pháp luật, bắt giữ người trái phép cũng bị trừng trị nghiêm khắc. Đó là các đối tượng: Vũ Trung Thành, Vũ Đức Hùng, Lê Thị Xuân. Cơ quan Công an làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật của những đối tượng này. Cái giá của kẻ vi phạm pháp luật phải trả đương nhiên sẽ là những bản án nghiêm khắc. Còn nạn nhân của chúng – Mông Thị Ngọc, sinh năm 1972, trú tại Khu tập thể Quân đội, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được trở về đoàn tụ với gia đình.

Ngoài thông tin về vụ giải cứu con tin nghẹt thở, một số tờ báo cũng tiết lộ, nạn nhân trong vụ bắt cóc này có liên quan đến “tín dụng đen”. Do vay nợ và không trả đúng kỳ hạn, các đối tượng trên đã bắt giữ Ngọc làm con tin để đòi tiền. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì thì hành vi bắt giữ người trái phép là không thể chấp nhận được, nhất là khi người đó lại là phụ nữ…

Nhiều người tố cáo bị “con tin” trong vụ bắt cóc lừa đảo

Trong khi những thông tin về vụ giải cứu con tin vẫn còn nóng hổi thì tại Tòa soạn Báo CAND, có rất đông người tìm đến với những lá đơn, bằng chứng chứng minh hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Mông Thị Ngọc. Những người này là ai nào? Là chị họ, người từng tham gia đoàn rước dâu lên tận Lạng Sơn để đón Ngọc về làm dâu Hà Nội. Là đồng nghiệp của chồng Ngọc. Là bạn của gia đình Ngọc. Là người bạn “xã hội”. Lẽ ra, khi Ngọc bị bắt làm con tin, thì họ phải đứng tim khi thấy Ngọc bị rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Họ phải hồ hởi khi thấy chị ta được giải cứu. Đằng này, tất thảy họ đều chảy nước mắt. Nhưng đó là những giọt nước mắt đắng chát vì trót gửi cả gia tài cho Ngọc.

Vì sao những người này lại tin, lại đem tiền trăm triệu, tiền tỷ đến cho Ngọc? Như đa số các vụ sập bẫy “tín dụng đen” khác, họ bị cái bẫy lãi suất và sự ngọt ngào của lời hứa vay tiền ngân hàng giúp làm cho lóa mắt.

Anh Trần Gia Cương, ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội là nạn nhân bị Ngọc làm cho cùng quẫn nhất. Vợ chồng anh được bố mẹ cho mảnh đất 100m2. Buôn bán, nhặt nhạnh, tích cóp được mấy trăm triệu, anh quyết định xây dựng ngôi nhà 3 tầng. Xây xong phần thô, lại thiếu tiền hoàn thiện. Vay tiền ngân hàng thì thủ tục rườm rà. Vay họ hàng thì cuối năm, ai cũng tập trung vốn làm ăn. Đang băn khoăn thì vợ anh gợi ý đến công ty của Ngọc hỏi thử. Nghe vợ bảo, “chị Ngọc làm ăn kinh lắm”, thế là anh Cương có thêm động lực để tìm đến Công ty TNHH TM và DV tổng hợp Phương Anh do Ngọc làm kế toán trưởng.

Tại đây, Ngọc bảo anh đưa “sổ đỏ” để vay tiền ngân hàng giúp. Khi có trong tay “sổ đỏ” của anh Cương, Ngọc lại lấy lý do, cuối năm ngân hàng không cho vay nên phải đi vay bên ngoài. Lãi suất vay bên ngoài cao, nhưng anh chỉ phải trả bằng lãi vay ngân hàng, số tiền vay mà anh không dùng đến, chị ta sẽ vay lại. Người ta giúp mình, mình giúp lại là chuyện đương nhiên, chuyện đời phải “có đi, có lại” nên anh Cương đồng ý.

Vay tiền “tín dụng đen” thực ra là “cuộc chơi” nhiều rủi ro. Những người cho vay tiền bao giờ cũng cầm “đằng chuôi”. Trước khi giao tiền, bao giờ họ cũng có ràng buộc. Ràng buộc ở đây là tài sản có giá trị. Đó là thể là xe ôtô, nhà đất. Tuy nhiên, những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” không bao giờ nhận xe, nhận nhà đất ngay mà chỉ nhận giấy tờ thôi. Đó là thứ giấy tờ giấy bán tài sản có giá trị pháp lý. Trường hợp anh Cương cũng vậy.

Sau khi đồng ý cho Ngọc vay tiền “tín dụng đen”, anh phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trên thửa đất mà anh là chủ sở hữu cho người cho vay để vay 1,5 tỷ đồng. Do anh chỉ có nhu cầu sử dụng 200 triệu đồng nên số tiền 1,3 tỷ đồng, Ngọc vay lại và hứa sẽ trả lãi cho người mà anh vừa ký hợp đồng bán nhà. Anh Cương không ngờ rằng, mình đã “giao trứng cho ác” và vừa đặt bút ký vào thứ giấy tờ “chết người”. Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, khi nghe Ngọc bảo cần thêm tiền để mua đất và muốn chuyển “sổ đỏ” của anh sang chỗ vay lãi khác để vay thêm tiền, anh cũng đồng ý.

Đã thế, lại còn có lần thứ 3 nữa chứ. Lần này, anh Cương vẫn lại ký giấy tờ để Ngọc vay 4,5 tỷ đồng. Trong số tiền này, anh chỉ vay 500 triệu, 4 tỷ còn lại, Ngọc bảo để cho cô ta vay và anh đồng ý. Sau khi nhận vay lại 4 tỷ đồng, Ngọc viết giấy đặt cọc một ngôi nhà ở khu Mai Dịch cho anh để làm tin. Thấy anh có vẻ nghi ngờ, Ngọc lại viết giấy vay nợ anh 4 tỷ và giao hợp đồng đặt cọc ngôi nhà trên. Cầm giấy tờ này, anh tin tưởng Ngọc là người làm ăn tử tế. Anh nào ngờ, ngôi nhà đó chỉ có trên giấy.

Thế nhưng đến hẹn, Ngọc không trả số tiền đã vay của “tín dụng đen” để anh chuộc nhà. Đáng sợ hơn là chị ta còn lừa anh lấy số tiền hơn 900 triệu với lý do để đáo hạn ngân hàng trước khi đưa “sổ đỏ” của anh vào vay tiền để còn chuộc nhà. Báo hại anh Cương là Ngọc chây lỳ không trả nợ cho “tín dụng đen” đúng hạn, “tín dụng đen” đến nhà anh lấy nhà. “Giấy trắng mực đen” là anh đã làm hợp đồng chuyển nhượng nhà cho người ta, người ta đã đến cơ quan quản lý nhà đất sang tên “sổ đỏ” rồi. Đến lúc này, vợ chồng anh cùng hai đứa con đành tạm biệt ngôi nhà 3 tầng khang trang vừa hoàn thiện cách đó không lâu.

Bị “tín dụng đen” tống ra khỏi nhà, chạy đến tìm Ngọc cầu cứu thì chị này tỉnh bơ cứ như người vô can. Quá uất ức, anh Cương viết đơn tố cáo hành vi gian dối của Ngọc đến cơ quan chức năng… Trong những ngày chầu chực ở cửa nhà Ngọc để đòi nợ, anh đã gặp những người cùng “dính bẫy” của chị ta. Mỗi người một cảnh, nhưng họ đều có đặc điểm chung là đã đặt hết niềm tin, đã dốc cả gia sản gửi gắm cho chị ta.

Ngân hàng cũng “sập bẫy”

Không chỉ có các cá nhân là nạn nhân của Mông Thị Ngọc, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Chi nhánh Hoàn Kiếm cũng bị “sập bẫy” bệnh nhân “tâm thần” có một không hai này. Ngày 22/5, cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với Mông Thị Ngọc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Chi nhánh Hoàn Kiếm, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.

Diễn biến vụ việc cho thấy, cũng giống như anh Cương, bà Nguyễn Thị Điệp, ở Từ Liêm, Hà Nội được nghe giới thiệu đã gặp Ngọc để nhờ vay tiền. Hình thức vay rất “truyền thống”, đó là thế chấp “sổ đỏ”. Vẫn với hình thức, nếu muốn Ngọc vay hộ tiền thì phải giao “sổ đỏ” cho chị ta. Trong trường hợp này, bà Điệp muốn vay 1,5 tỷ. Sau khi nhận tiền, “nhà bà, bà vẫn ở” và chỉ cần làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất để Ngọc đứng tên vay tiền ngân hàng một cách chính thống.

Tin tưởng rằng đây chỉ là việc mua bán hình thức để hợp lý hóa việc vay tiền ngân hàng nên bà Điệp làm các giấy tờ trên theo yêu cầu của Ngọc. Khi nào trả nợ cho Ngọc, Ngọc sẽ giao lại giấy tờ nhà đất cho bà. Nào ngờ, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng ít hôm, Ngọc đi chuyển quyền sử dụng thửa đất đang đứng tên bà Điệp sang tên mình. Khi đứng tên chủ sở hữu, Ngọc thế chấp vay Chi nhánh Hoàn Kiếm, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam 5 tỷ đồng. Ngân hàng chẳng thể nào ngờ, giấy tờ tài sản thế chấp mà mình đang giữ lại có nguồn gốc bất minh. Chỉ đến khi đến hạn trả nợ, Ngọc không thực hiện mà còn có biểu hiện trốn tránh, dấu hiệu của vụ nợ xấu mới manh nha xuất hiện.

Và bất ngờ hơn khi cơ quan điều tra làm rõ, nguồn gốc giấy tờ nhà đất Ngọc đem ra thế chấp hình thành một cách không hợp pháp. Nếu là vụ vay thế chấp thông thường, khi người vay không trả nợ thì tài sản thế chấp sẽ thanh lý để ngân hàng thu hồi nợ. Đằng này, tài sản thế chấp lại có vấn đề nên hiện tại, việc thu hồi nợ sẽ còn phải chờ...

Việc cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trong vụ việc Ngọc vay tiền ở Ngân hàng TMCP Quốc tế khiến các nạn nhân khác của chị ta mừng rơi nước mắt. Họ hy vọng, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của người đàn bà qua mặt Pháp luật bằng cái mác bệnh nhân tâm thần này.

(Còn nữa)

Theo Vĩnh Hà (Công an nhân dân)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.