Năm 2008, cô gái hiền dịu đậm chất Huế Lê Thị Trâm (SN 1984) tốt nghiệp đại học và trở thành một hướng dẫn viên du lịch khá chuyên nghiệp tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trước đó, vì “phải lòng” với anh chàng sinh viên người Thanh Hóa vào Huế học tập, nên mặc dù sự nghiệp đang suôn sẻ, Trâm vẫn quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi”, về làm dâu nơi đất khách quê người.
“Mình đã từng có rất nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp tại Huế theo đúng chuyên ngành, nhưng vì mối tình 10 năm với chồng, nên mình đã quyết định từ bỏ tất cả. Mình về quê chồng Thanh Hóa với hai bàn tay trắng, bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp từ đầu”, Trâm bùi ngùi tâm sự.
Sau khi lấy chồng, Trâm về Thanh Hóa và tiếp tục xin làm hướng dẫn viên du lịch tại đây, bắt đầu lại sự nghiệp.
Năm 2014, Trâm mang bầu đứa con trai thứ 2, một phần vì sức khỏe, phần vì phải chăm lo cho gia đình, Trâm đành gác lại công việc, gác lại ước mơ còn dang dở của mình.
Từ ngày vợ nghỉ việc, anh Lê Xuân Thanh (SN 1984, chồng Trâm), trú phường Đông Cương, TP.Thanh Hóa một mình cáng đáng kinh tế chăm lo cho vợ con. Khoảng thời gian này, vì thương chồng vất vả mưu sinh, Trâm ngày đêm suy nghĩ, tìm ra hướng đi riêng, vừa để thỏa mãn đam mê, vừa để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho chồng.
Thời kỳ ấy, chẳng hiểu sao trải qua mùa đông hanh khô ở quê chồng, Trâm lại càng nhớ thương da diết những cơn mưa rả rích, dầm dề ở xứ Huế. Trong ký ức của cô gái lấy chồng xa xứ, hiện rõ mồn một hình ảnh người mẹ tần tảo làm các món bánh: Bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo… là những đặc sản của xứ Huế.
Trâm nhớ hương vị bánh lọc mẹ làm và nhớ cả những công thức mẹ dạy cho Trâm khi cô còn chưa đi lấy chồng. Những lúc như vậy, Trâm lại tự hỏi: Sao mình không làm bánh lọc - món ăn nổi tiếng của người Huế, để giới thiệu đến thực khách ở đây? Sự nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều to lớn, cao xa mà có thể bắt nguồn từ chính những chiếc bánh nhỏ nhắn này. Nghĩ là làm, ý tưởng làm bánh bột lọc được Trâm chia sẻ với chồng và nhận được sự đồng ý từ anh.
Lúc đầu, Trâm chỉ làm rất ít bánh để bán cho người quen thông qua mạng xã hội facebook, zalo, nhưng dần dần số lượng khách tìm đến đặt bánh ngày một đông hơn.
Tiếp đó, để phát triển thị trường, Trâm tìm thêm các đại lý bán hàng ở khắp các tỉnh phía Bắc như: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn… Thế rồi, tiếng lành đồn xa, thương hiệu bánh bột lọc Hương Giang được nhiều người biết đến, vì vậy, từ con số vài trăm bánh/ngày, chỉ một thời gian sau, số lượng bánh đã tăng lên hàng nghìn cái/ngày.
Khi thị trường được mở rộng, Trâm bắt đầu thuê nhân công làm việc, ban đầu chỉ vài ba người, nhưng dần dần lên đến hàng chục người. Mỗi người thu nhập trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Năm 2016, Trâm thành lập công ty tư nhân và chính thức xây dựng thương hiệu bánh bột lọc Hương Giang. Cũng từ đây, cô gái xứ Huế tiếp tục đưa bánh bột lọc thâm nhập vào chuỗi các siêu thị lớn như Copmart, BigC và mới đây nhất là Vinmart. Đến nay, mỗi ngày thương hiệu bánh bột lọc Hương Giang được bán ra thị trường trung bình khoảng 5000 cái/ngày, 150.000 cái/tháng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và hàng chục nhân công đang làm việc ở đây.
Đến nay, thương hiệu bánh bột lọc Hương Giang do Lê Thị Trâm gây dựng đã giành được Cúp vàng Thương hiệu danh tiếng Việt Nam; là một trong số các doanh nhân tiêu biểu trên cả nước được vinh dự gặp mặt Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phủ Chủ tịch, năm 2017…
Nói về hướng đi sắp tới, Trâm chia sẻ: “Sau khi phủ sóng cả nước, mình nghĩ đến việc xuất khẩu bánh ra thị trường nước ngoài. Tâm nguyện của mình muốn đưa sản phẩm truyền thống, ẩm thực xứ Huế đi xa hơn nữa để nhiều người được thưởng thức; bởi ẩm thực Huế rất phong phú và đặc trưng. Mình kinh doanh không chỉ bởi kinh tế mà còn bởi đam mê và nguyện vọng đưa ẩm thực của quê mình đi xa hơn nữa, đó cũng chính là động lực để mình cố gắng hơn mỗi ngày”.
Nói về Lê Thị Trâm, doanh nhân Trịnh Phương Loan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nữ Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Dạ Lan cho biết: “Trâm là người phụ nữ rất tâm huyết với quê hương của chồng, và với nghề, đặc biệt là với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Mặc dù là đất khách quê người, nhưng từ bàn tay trắng, Trâm đã mang văn hóa ẩm thực xứ Huế như bánh bột lọc cho thực khách ở Thanh Hóa được thưởng thức và đã rất thành công”.