Như chị Vy, nhà trên đường số 22, khi phát hiện nhà hư hỏng chị đành cắn răng chịu thiệt “nhà mình phải tự bỏ tiền ra sửa, giờ không nói được gì vì nền nhà đã mua, chủ đầu tư không chịu trách nhiệm nữa.”
Chị Nguyễn Thị Lộc, ngụ tại 101 đường số 22 khu dân cư Bình Hưng, kể: “Cuối tháng 11/2011, tôi và hai con đang ngồi ăn cơm ở nhà bếp bỗng dưng cả nền nhà (khoảng 20m2) sập ầm xuống, mâm cơm văng tung tóe, ba mẹ con cũng bị té ngửa... Cứ nghĩ là động đất, mẹ con tôi lồm cồm bò dậy chạy ra ngoài nhưng loay hoay mãi mà không trèo lên được vì nền nhà bếp sụp sâu xuống gần 70cm so với nền nhà trước”. Sau sự cố trên, gia đình chị Lộc phải bỏ ra hơn 60 triệu đồng để gia cố lại nền nhà.
“Hố tử thần” xuất hiện trong nhà dân ở huyện Bình Chánh, TP.HCM
Trước đó, được biết, nền nhà của một người tên Thủy ở đường số 20, khu dân cư Bình Hưng cũng bị võng sâu xuống mặc dù chị đã hai lần thuê thợ gia cố lại nền nhà. Khi được đề cập đến trách nhiệm của chủ đầu tư, bà Trương Mỹ Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI, chủ đầu tư khu dân cư Bình Hưng) và ông Ngô Lê Hùng, chuyên viên kỹ thuật của Công ty, cho rằng việc sụp đất tại khu dân cư Bình Hưng chủ yếu do các nhà thầu xây dựng nhà gia cố nền không tốt.
“Công ty đã san lấp khu vực trên đúng kỹ thuật, được các cơ quan chức năng nghiệm thu phê duyệt trước khi bán nền cho người dân xây nhà. Chúng tôi chỉ quản lý hạ tầng ngoài ranh xây dựng của người dân nên chuyện sụp đất ở đây người dân phải tự chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đa số nhà bị sụp nền đất tại khu dân cư Bình Hưng đều do BCCI xây rồi bán lại cho người dân và người dân không sửa chữa gì liên quan đến nền móng.
Trong khi đó, bà Trương Mỹ Linh cho rằng, dự án khu dân cư Bình Hưng đã bàn giao cho người dân khá lâu nên để có cơ sở xác định trách nhiệm trong chuyện sụp nền nhà thì người dân phải thuê đơn vị kiểm định nhà. Còn theo ông Đoàn Ngọc Toản - Phó trưởng phòng Kỹ thuật Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (thuộc Bộ TN&MT), ở quận 9, Thủ Đức cũng có hiện tượng nền nhà dân bị sụp tạo thành những hố sâu giữa nhà.
Ông Toản nhận định ở Bình Chánh có cấu tạo địa chất là nền đất yếu (có độ sâu 20-30m) nên tầng đất này trải qua quá trình có độ lún nhất định. Đó là chưa kể tình trạng san lấp mặt bằng chưa đảm bảo, sự gia tải trên nền đất yếu làm quá trình lún diễn ra nhanh hơn. Đến một lúc nào đó những nơi bị lún nhiều sẽ sụp tạo ra các lỗ hổng. Còn ở quận 9, Thủ Đức, địa chất là nền đất cứng, nhưng xốp do bị nước thấm lâu ngày làm phá vỡ cấu trúc địa chất dẫn đến hiện tượng sụp đất.
Trong khi đó, theo một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định nền móng công trình tại TP.HCM, tình trạng lún dẫn đến sụp nền đất thường xảy ra ở những khu dân cư được đầu tư cơ sở hạ tầng từ trước những năm 2000. Nguyên nhân chủ yếu do kỹ thuật san lấp mặt bằng ở thời điểm đó còn một số hạn chế nhưng bắt chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thì rất khó vì phải xác định lỗi do khâu nào.
Theo chuyên gia kiểm định nền móng công trình trên, dấu hiệu để nhận biết nền nhà bị rỗng là đường thoát nước bị tắc nghẽn, bể, chảy tràn ra ngoài do nền đất lún gây vỡ đường ống. Ngoài ra, người dân nên quan sát kỹ nền đất xung quanh căn nhà, nếu tại đây có hiện tượng lún so với nền nhà thì có thể đất dưới nền nhà đã bị lún.
Người dân cũng có thể kiểm tra bằng cách dùng thanh gỗ gõ vào nền gạch, nếu phát ra những tiếng kêu lạ thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy nền nhà bị rỗng. Về giải pháp xử lý nền rỗng, vị này khuyên bà con nên mời đơn vị xây dựng có kinh nghiệm làm sàn bêtông dưới nền nhà vì nếu chỉ lấp cát đầy nền thì một thời gian sau có thể nền nhà tiếp tục bị sụp, lún.
S.M