Liên quan đến vụ việc hàng nghìn người dân tại Hà Nội sử dụng phải sử dụng nước sạch nhiễm bẩn. Bắt nguồn từ việc đầu nguồn nhà máy nước sạch Sông Đà bị đối tượng xấu đổ trộm dầu thải.
Vụ việc xảy ra ngày 8/10, nhưng công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Công ty nước sạch Sông Đà) vẫn cố tình cấp nước mà không thông báo cho người dân về việc nước đang nhiễm bẩn, mãi đến ngày 14/10 khi mọi chuyện đi quá xa, đại diện công ty mới trình báo cơ quan chức năng.
Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường, theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn bức xúc vì Công ty nước sạch Sông Đà vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật khi trong buổi họp báo, đại diện công ty vẫn không nhận lỗi của mình mà đổ lỗi cho bên đã đổ trộm dầu.
Hàng nghìn hộ dân rất bất bình trước phát ngôn của đại diện Công ty nước sạch Sông Đà và muốn khởi kiện công ty này. Tuy nhiên, việc khởi kiện vô cùng khó bởi người dân không trực tiếp kí hợp đồng mua nước với Công ty nước sạch Sông Đà.
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật Tinh Thông Luật) cho biết, vì người dân không trực tiếp ký với Công ty nước sạch Sông Đà nên người dân ký hợp đồng với chủ thể nào thì được quyền kiện chủ thể đó.
Theo Điều 164 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau: Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”
Luật sư Bình phân tích tiếp, theo Điều 602 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”
Đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác điển hình qua vụ việc nước có dầu vừa qua, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường và trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời; các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường).
Ngoài ra, Bộ luật dân sự còn quy định cụ thể xác định thiệt hại do tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại. Đây là cơ sở để tổ chức, cá nhân bị thiệt hại xác định các thiệt hại để yêu cầu bồi thường do sự cố vừa rồi.
“Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này, đơn vị cung cấp nước đã cung cấp nước bẩn cho dân dẫn đến người dân không thể sử dụng được là có đầy đủ cơ sở”, luật sư Bình nhận định.
Theo luật sư được biết, người dân ký hợp đồng với chủ thể nào thì được quyền kiện chủ thể đó. Tức là người dân có quyền khởi kiện với công ty kí hợp đồng trực tiếp với họ và công ty đó sẽ là đơn vị kiện lại Công ty nước sạch Sông Đà.
Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp bao gồm cả tranh chấp dân sự và trình tự, thủ tục yêu cầu để Toà án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Toà án.
“Do đó, việc giải quyết bồi thường thiệt hại do sự cố nước có dầu như vừa qua có thể lựa chọn giải quyết tại Toà án”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm.