Chum tiền cổ đầu tiên được phát hiện vào những ngày cuối tháng 11 ở thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, (Quốc Oai, Hà Nội).
Ông Nguyễn Quang Huân – trưởng thôn Cổ Hiền, xác nhận: “Nơi phát hiện hũ tiền là bờ ruộng nhà tôi, cách cổng làng khoảng 150m. Theo dấu vết hố đào hũ tiền, nó nằm cách mặt đất 50cm, nếu ngày xưa làm ruộng tôi đào mạnh tay có khi trúng phải. Theo tôi được biết, người phát hiện đầu tiên là một thợ máy xúc đang làm đường buổi chiều, sau đó người chăn vịt gần đó thấy và gọi một số người khác ra xúc mang về. Hũ tiền xu đó nặng cả mấy chục kg, mỗi người chia nhau một phần mang về".
Cận cảnh đồng xu được cho là tiền cổ được phát hiện ở thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa.
Theo ông Huân, người dân đã không báo cáo lên chính quyền. Ông cũng chỉ nghe thông tin khi rất nhiều người tập trung ra hiện trường nhặt những đồng còn vương vãi.
Trưởng thôn cũng cho biết những đồng tiền cổ đều bị rỉ, màu xanh lục như được ngâm trong sơn. Giữa đồng tiền có hình vuông, cạnh khoảng 1cm. Mặt trước đồng tiền có chữ Nho và hai hình tam giác đối nhau nhìn rất lạ. Ngoài ra nhiều người còn thấy mảnh chum sành bị vỡ tại hiện trường.
Nhiều ngày đầu tháng 12 sau đó, nhiều người lạ xuất hiện tại thôn, mang máy dò kim loại về dò xung quanh vị trí phát hiện chum tiền lạ. Dù vị trí phát hiện có cách xa khu dân làng tới 500m nhưng tiếng máy dò inh ỏi khiến bất cứ ai qua đường cũng chú ý. "Sau đó nhóm người lạ phát hiện thêm được 4 chum tiền nữa, có chum nặng nhất chứa hơn 1 tạ đồng xu. Khai quật được, họ gói cả số mảnh chum, mảnh sành và mang đi dù có nhiều người chứng kiến. Có người gọi công an xã ra nhưng cũng không kịp, bốn đối tượng khuân số tiền cổ lên xe máy và nhanh chóng tẩu thoát", một người dân cho biết.
Chiếc máy dò kim loại được nhiều nhóm thanh niên làng Cổ Hiền sử dụng nhằm tìm tiền cổ.
Đổ xô đi đào
Ngay sau khi chứng kiến những kẻ lạ mặt đào được hai chum tiền cổ nặng cả tạ, nhiều thanh niên Cổ Hiền, thậm chí có cả những người trung niên, đổ xô ra đào tiền cổ với hy vọng gặp may. Nhiều nhóm mang theo dụng cụ là cuốc, xẻng, xà beng và xiên sắt. Một số nhóm khác mang theo cả máy dò, rà soát lại xung quanh vị trí phát hiện các hũ tiền trước đó.
Anh Hùng, người đảm nhiệm cầm máy dò, cho biết nhóm anh em hay đi làm phu hồ đã mượn chiếc máy dò của một người quen sau khi chứng kiến cảnh người lạ dò được đống tiền cổ. Chiếc máy dò nhỏ gọn đựng trong một chiếc ba lô. Bộ phận quan trọng nhất là phần cảm biến với mặt đất để nhận tín hiệu từ kim loại. Ngoài ra máy xử lý thông tin từ bộ phận cảm biến đó được nối với nhau bằng cần trục sắt. Máy dò có thể phát tín hiệu nếu có kim loại sâu 2m từ mặt đất xuống. Trong làng cũng có vài nhóm đã dò, đào từ nhiều ngày trước nhưng không ai tìm thêm được gì.
Khung cảnh nơi bị đào bới ngổn ngang sau khi phát hiện tiền cổ.
Mỗi vị trí anh Hùng dò và nghi có kim loại, các thanh niên khác thay nhau đào bới. Có những hố đào sâu 1m mà chưa có dấu hiệu gì. Sau cùng, họ thử nghiệm bằng xiên sắt dài gần 1m cắm sâu xuống hố với hy vọng xiên sắt đụng trúng chum, chĩnh.
Tại hiện trường, các nhóm thay nhau dò, đào bới gần 20 hố to nhỏ nát cả khu vực đường liên thôn và một phần ruộng rau của người dân. Mỗi hố có đường kính khoảng 50-60cm và sâu tới 1m. Các nhóm thanh niên làng vẫn tất tả đào, bới và có nhiều người tới xem.
Thời điểm xuất hiện máy dò kim loại, thanh niên làng đổ xô ra đào tìm tiền cổ, ông Huân chạy ra ngăn cản nhưng không ai nghe và vẫn tiếp tục đào bới.
“Mấy hôm đó, người khắp nơi đổ dồn về xem khiến khu vực đó nhốn nháo. Tôi cùng với một số công an viên xã phải túc trực cả ngày cả đêm".
Theo Zing