Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho biết, chào xuân mới năm 2022 bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ người dân và du khách.
“Ở không gian trong nhà là triển lãm chuyên đề “Cổ ngoạn – Nét cũ dấu xưa”. Bảo tàng tỉnh phối hợp với Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang lựa chọn gần 200 cổ vật trưng bày tại đây. Hiện vật trưng bày đa dạng về chủng loại tùy bộ môn sưu tập của từng người như đồ đồng, đố gốm, gốm Việt thời Lý – Trần – Lê; đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn; gốm Chu Đậu; gốm Lái Thiêu – Bình Dương… Từ những chiếc bình, chiếc đĩa, các loại ấm, cho tới các bộ trà ký kiểu, gốm cây Mai, gốm Lái Thiêu… đều gợi nhớ cho chúng ta về những tinh hoa do người xưa để lại", ông Phong nói.
Triển lãm này giới thiệu đến người dân và du khách trong nước, quốc tế về những cổ vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, về những giá trị của cổ vật trong nền di sản văn hóa Việt Nam, phát huy và nâng cao ý thức bảo vệ những giá trị di sản văn hóa của nhân loại.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng góp phần quảng bá văn hóa – du lịch, mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác giữa các nhà sưu tập tư nhân với cơ quan tuyên truyền, giáo dục.
Ngoài ra, trong chương trình phục vụ Tết năm nay, Câu lạc bộ Cổ vật còn tổ chức phiên chợ đồ cổ - đồ xưa vào ngày mùng 5 Tết với mong muốn tuyên truyền, giao lưu, trao đổi kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết, phát huy tinh thần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa, lịch sử.
Ở không gian ngoài trời là các hoạt động triển lãm ảnh chủ đề “Một thoáng xứ Trầm”, triển lãm một số hình ảnh về con người, phong tục tập quán, đời sống xã hội của các dân tộc trong cộng đồng Asean, các trò chơi dân gian, chương trình "Nồi bánh yêu thương"...
Theo ghi nhận, các trò chơi dân gian Việt Nam được tổ chức tại đây như nhảy sạp, ô ăn quan, nhảy lò cò, banh đũa, lựa đậu… thu hút khá đông các bạn nhỏ tham gia. Đây không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích mà còn cho các em có những trải nghiệm thú vị và hiểu biết hơn về các giá trị truyền thống của dân tộc.
Nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022, Bảo tàng tỉnh và các mạnh thường quân đã cùng chung tay thực hiện chương trình gói và nấu 590 bánh chưng, bánh tét cho các mái ấm, trung tâm bảo trợ.
Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cho các em thiếu niên, nhi đồng trải nghiệm gói bánh chưng, bánh tét để các em hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc. Các bạn trẻ, các em thiếu nhi được hướng dẫn và tự tay gói từng chiếc bánh trong sự tò mò, niềm yêu thích.
Giữa cuộc sống hiện đại đầy nhộn nhịp, hối hả tưởng chừng không khí Tết xưa đã không còn. Thế nhưng, chỉ cần vài mươi phút ở nơi đây, người dân và du khách có thể cảm nhận và được sống trong không khí ấm cúng của những ngày tết quê với nhiều hoạt động thú vị.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngay từ giữa tháng 12/2021, Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động mừng Đảng – mừng xuân Nhâm Dần 2022 để phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết góp phần tạo không khí sôi động, vui tươi chào đón năm mới trong điều kiện bình thường mới.
Theo kế hoạch, Sở sẽ tập trung tổ chức, thực hiện 26 hoạt động văn hóa, thể thao kéo dài từ giữa tháng Chạp âm lịch đến mùng 10 Tết Nguyên đán.
Các hoạt động như chương trình hoạt động nghệ thuật vào đêm giao thừa; chương trình ca múa nhạc, thời trang; hô bài chòi, hát tuồng, dân ca; múa lân, biểu diễn lân sư rồng; trên tuyến công viên bờ biển có các hoạt động nghệ thuật đường phố…
Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt để chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2) và 92 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2). Chương trình sẽ biểu diễn phục vụ người dân và du khách vào đêm mùng 3 Tết Nguyên đán.
“Năm nay, Sở tập trung nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, các triển lãm chuyên đề; trưng bày các sản vật đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa, các làng nghề truyền thống; tái hiện làm bánh, làm mứt và tái hiện không gian Tết xưa của ông bà tổ tiên tại tuyến công viên bờ biển”, ông Hà nói.
Clip: Người dân, du khách trải nghiệm không gian Tết xưa tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.
Châu Tường