Hơn 10 ngày nay, người dân thôn Đông Thành, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa đã dựng rạp, có lúc tập trung đông người tại thửa đất C36 (nằm trên con đường mà người dân nơi đây cho rằng mình đang sử dụng để đi ra biển) để phản đối việc doanh nghiệp xây tường rào, chặn đường ra biển.
Ông Nguyễn Viết Quảng (56 tuổi), trú tại thôn Đông Thành, xã Hoằng Tiến cho biết, từ khi ông sinh ra đã có con đường từ thôn xuống biển. Năm 2003, nhà nước cho công ty TNHH Du lịch và Thương mại EURO thuê đất để làm khu du lịch sinh thái. Thời điểm nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất thì người dân không nắm được phạm vi quy hoạch như thế nào, nhưng ông Quảng và người dân Đông Thành vẫn đi lại trên con đường trên để ra biển cho tới nay. Ngày 26/2, người dân phát hiện doanh nghiệp cho máy móc, nhân công ra đào đường, tập kết vật liệu để chuẩn bị thi công tường rào, chắn ngang con đường họ vẫn sử dụng nên đã kéo ra phản đối, đòi doanh nghiệp trả lại đường.
“Con đường này chúng tôi đã sử dụng hàng trăm năm nay, nó có từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đây là con đường lịch sử dân chúng tôi vẫn sử dụng để ra biển. Chúng tôi không phản đối việc nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất để làm du lịch, nhưng phải dành đường cho chúng tôi ra biển”, ông Quảng bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Thiết (SN 1958), trú tại thôn Đông Thành khẳng định, từ trước tới nay bà và người dân địa phương đều sử dụng con đường này để ra biển mưu sinh, thu gom lá cây rụng về làm chất đốt. Khi thấy doanh nghiệp tập kết vật liệu với mục đích xây tường rào chắn ngang con đường, chặn đường ra biển nên người dân nơi đây mới dựng rạp, thay phiên nhau túc trực để “canh chừng”.
Bà Đỗ Thị Hồng Quế, Trưởng thôn Đông Thành, xã Hoằng Tiến cho biết, bà nghe các cụ cao niên trong thôn kể lại, con đường ra biển này đã có hàng trăm năm nay. Từ khi bà về sinh sống tại đây thì người dân vẫn sử dụng con đường này để đi ra biển. Việc người dân dựng rạp là để “canh chừng” việc doanh nghiệp xây tường rào bịt đườn chứ không gây mất an ninh trật tự, cũng không phá hoại tài sản của doanh nghiệp.
Theo quan sát của PV, con đường này có thời gian dài người dân sử dụng đi lại nên tạo thành lối mòn. Hiện tại, trên con đường này có nhiều đống gạch, cát sỏi vừa được đổ chắn ngang để chuẩn bị cho việc xây dựng. Bên cạnh đó có một chiếc rạp bằng khung sắt, được lợp bằng bạt do người dân thôn Đông Thành dựng lên. Hiện tại, doanh nghiệp đang tạm dừng thi công, người dân cũng không tập trung đông người tại khu vực này mà “cắt cử” người qua lại trông chừng khi có người lạ mặt xuất hiện.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại EURO cho biết, năm 2003 công ty của ông đã được nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày 10/10/2003 và Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày 10/8/2018 không thể hiện có con đường nào xuống biển qua đất của công ty. Trước đây không có đường nào đi qua đất được nhà nước giao cho doanh nghiệp, nếu có đường thì thời điểm nhà nước bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp (theo luật đất đai năm 1993) thì con đường này cũng đã bị phá bỏ. Khu đất mà doanh nghiệp chuẩn bị xây tường rào có tên là C36 và đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cũng theo ông Tùng, hiện tại người dân thôn Đông Thành không có người nào làm nghề biển, không có làng chài nào ở thôn này. Người dân muốn xuống biển thì có thể đi theo con đường dành cho khách du lịch.
Ông Lê Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng cho biết, sau khi nắm được thông tin, xã đã tổ chức làm việc với doanh nghiệp và người dân. Chính quyền yêu cầu người dân không tụ tập đông người gây mất an ninh trật tư, đồng thời đề nghị doanh nghiệp tạm dừng thi công để ổn định tình hình. Xã đã có báo cáo gửi huyện Hoằng Hóa xin ý kiến chỉ đạo và huyện đã giao cho phòng ban chức năng xem xét giải quyết.
Theo ông Nam, bản đồ địa chính xã Hoằng Tiến được sở địa chính tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 30/5/1996 thể hiện tại đây có một con đường ra biển rộng 4m.
“Nguyện vọng có đường ra biển của nhân dân là chính đáng và hợp lý. Nó cũng phù hợp với quy hoạch khu vực phía Tây đường 22m để phát triển kinh tế du lịch, vì khoảng cách giữa 2 con đường dẫn ra biển là quá xa (gần 1000m)”, ông Nam nói.