Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện bán lẻ vẫn được chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần, khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ như cũ.
Điểm mới của dự thảo lần này là mức giá của mỗi bậc thang được tính theo tỉ lệ % so với giá bán lẻ điện bình quân, khác với biểu giá điện hiện đang áp dụng có mức giá bán cụ thể tính theo đơn vị đồng/KWh.
Theo đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chia làm 6 bậc:
Bậc 1: Từ 0-50 kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 2: Từ 51-100 kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 3: Từ 101-200 kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 4: Từ 201-300 kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 5: Từ 301-400 kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân.
Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Hiện giá điện bình quân là khoảng 1.662 đồng/kWh.
Dự thảo này tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ người tiêu dùng khi biểu giá điện 6 bậc vốn đã gây tranh cãi từ những ngày đầu áp dụng.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng, biểu giá điện hiện được căn cứ vào đâu để xây dựng chia thành 6 bậc như hiện tại. Với khoảng cách mỗi bậc như hiện tại, số điện người dân được sử dụng với giá thấp là rất ít, phần lớn đều phải sử dụng đến các bậc giá cao.
Bên cạnh đó, với cách tính điện theo phần trăm giá điện bình quân, người dân sử dụng các bậc giá cao sẽ phải chịu mức giá càng cao hơn nữa.
Thêm nữa, giá điện cũng như giá xăng khi tăng thường được cả thị trường "té nước" tăng theo. Người tiêu dùng cho rằng, giá điện tăng cao kéo theo giá cả thị trường tăng sẽ khiến họ thiệt đủ đường!
Thanh Hương (t/h)