Phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo được quy định như sau:
Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Người dân được phép sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ
Từ ngày 11/1/2021, Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, các loại pháo hoa được phép đốt mà người dân thường gặp gồm: Pháo bông (pháo que), Pháo phụt sinh nhật, Pháo điện.
Pháo hoa lễ hội bằng giấy; pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, tre, trúc, kim loại; các sản phẩm tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh…
Người dân phải mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Việc mua pháo hoa ở các hàng cửa hàng tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng quy định của pháp luật.
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo
Căn cứ Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi về quản lý, sử dụng pháo được quy định như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi:
Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa;
Đối với hành vi này còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa trong thời hạn từ 9 tháng đến 12 tháng.
Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo.
Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo điểm e khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tết đã cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Trước thực tế này, lực lượng chức năng các địa phương, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến hướng dẫn người dân sử dụng pháo hoa đúng cách, cơ quan chức năng đã tăng cường thực hiện công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ bất hợp pháp.
Năm nay Hà Nội dự định bắn pháo hoa tại một điểm đêm giao thừa
UBND Tp.Hà Nội xây dựng phương án bắn pháo hoa tại Công viên Thống Nhất và truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, để phục vụ nhân dân đón Tết, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phòng chống dịch, Bộ Tư lệnh thủ đô được giao chủ trì tham mưu phương án tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm (Công viên Thống Nhất) và truyền hình trực tiếp, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Trước đó, dịp giao thừa thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã.
Trúc Chi (t/h theo Dân Sinh, Lao Động, Vnexpress)