Thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động lớn khi một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế. Hình ảnh người dân phải xếp hàng dài ngày đêm để đổ xăng đã trở thành nỗi ám ảnh, cú sốc tâm lý.
Trước những diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành đã có nhiều động thái, từ việc giao các nhà máy lọc dầu trong nước tăng sản lượng sản xuất; các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu tăng mức nhập khẩu và sẵn sàng cung ứng xăng dầu cho các địa bàn cần tăng cường (kể cả cho đơn vị ngoài hệ thống).
Cùng đó, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và cơ quan này cũng đang tiếp tục rà soát, cập nhật chi phí định mức, chi phí phát sinh thực tế để phản ánh vào công thức tính giá cơ sở trong các kỳ điều hành 21/1 tới đây.
Sau loạt động thái trên, thị trường bán lẻ xăng dầu đã có phần tích cực hơn. Đơn cử, tại Hà Nội, việc mua xăng của người dân đã bớt căng thẳng hơn tuần trước. Thay vì phải xếp hàng dài mất 30 phút - 1 giờ đồng hồ, một số điểm bán người dân chỉ mất vài phút để nạp đầy bình xăng, một số cây xăng dừng bán đã hoạt động trở lại...
Trong hai ngày 14/11 và 15/11, Bộ Công Thương liên tục có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu.
Những vấn đề Bộ Công Thương cần lấy ý kiến như về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Bộ cũng lấy ý kiến về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu....