Gia đình anh Nguyễn Phan Mạnh (37 tuổi) ở xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội tấp nập người vào ra suốt 4 ngày qua chung tay, góp sức gói bánh chưng gửi đến đồng bào miền Trung.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, anh Mạnh cho hay: “Hoạt động này xuất phát từ tấm lòng của người dân xã La Phù, không một chút lợi ích cá nhân nào trong này cả. Hiện tại, chúng tôi đang luộc 700 cái, hôm qua chuyển đi hơn 400 cái. Nguyên liệu để gói bánh là do bà con có tấm lòng quyên góp, mỗi người một ít”.
Theo anh, hoạt động thiện nguyện này đã diễn ra được 4 ngày và được sự ủng hộ cũng như giúp sức rất nhiều từ hàng xóm láng giềng. "Mọi người khi biết dự định của tôi thì rất khuyến khích, có người gửi gạo, gửi thịt, có người gửi tiền để nhờ mua thực phẩm và có những cô, bác, em... tự nguyện đến gói bánh, luộc bánh ngày đêm", anh Mạnh chia sẻ.
Khi được hỏi về lý do chọn việc ủng hộ bánh chưng chứ không phải tiền hay những thực phẩm ăn liền khác, anh Mạnh cho biết đồng bào miền Trung đang ngập trong lũ, vì vậy, những thực phẩm chín sẵn sẽ thực tế và dễ sử dụng. "Tôi bỏ công sức làm bánh chưng vì nó dinh dưỡng, ăn ngon, no lâu hơn so với mỳ tôm hay các đồ ăn liền, ăn sẵn khác".
Ở một góc sân, những nồi nước bánh chưng đang sôi, hơi bay nghi ngút, chị Lan (ở xã La Phù) ngồi gói bánh gần đó cho hay: “Tôi tham gia hoạt động này là hoàn toàn tự nguyện. Khi đồng bào miền Trung gặp lũ lụt, tôi muốn làm việc này để góp chút sức lực hỗ trợ mọi người dù hơi.. mỏi lưng (cười - PV)".
Bà Nguyễn Thị An (62 tuổi, áo xanh) tạm dừng công việc làm đan len xuất khẩu để đến nhà anh Mạnh gói bánh chưng. Nhắc đến đồng bào miền Trung gặp khó khăn, bà An dạt dào cảm xúc và rơm rơm nước mắt.
"Thương lắm, nhìn đồng bào của mình chống chọi với lũ lụt, tôi không kìm được nước mắt. Biết gia đình anh Mạnh có hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người dân miền Trung, tôi là người đến đầu tiên đến gói bánh. Mà lúc này, chỉ những đồ ăn, đồ mặc, nhu yếu phẩm là cái cần thiết nhất cho người dân miền Trung", người phụ nữ 62 tuổi nói.
Bà An chia sẻ ngồi gói bánh từ 7h-12h, sau đó về ăn trưa và tiếp tục quay lại nhà anh Mạnh từ 14h đến tối. “Tôi không cảm thấy đau lưng hay mệt mỏi bởi trong lúc đồng bào miền Trung lũ lụt, mình không có nhiều tiền bạc hỗ trợ thì giúp đỡ họ bằng hành động ngồi đây gói bánh để mọi người gửi bánh đến đồng bào miền Trung, giúp đỡ đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, bà An chia sẻ.
Theo đó, mọi người trong xóm, xã sẽ thay phiên nhau gói bánh liên tục để kịp có bánh gửi những chuyến xe của các đoàn từ thiện.
Trao đổi với PV, ông Tạ Công Luận, Bí thư Đảng ủy xã La Phù cho biết: “Những hoạt động thiện nguyện của người dân trong xã không phải hiếm, chương trình gói bánh chưng của anh Mạnh không phải là đầu tiên và duy nhất tại địa phương. Lãnh đạo xã rất ủng hộ những hoạt động này, nó thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần dân tộc, yêu nước rất cao. Xã luôn tạo điều kiện và mong muốn các hoạt động tương tự sẽ được lan rộng hơn nữa".
Theo ghi nhận của PV, sáng 20/10, tại La Phù, cứ khoảng 30 phút lại có một người dân đến ủng hộ tiền, gửi gắm nhờ gia đình anh Mạnh mua thực phẩm để làm bánh chưng, có người ủng hộ 200.000 đồng, có những quyên góp 2 triệu. Tất cả đều được gia đình anh Mạnh ghi chép chi tiết vào sổ.
“Tối hôm qua (19/10), 500 chiếc bánh chưng đã được gửi xe đem vào Quảng Trị và đã tới được tận tay những đồng bào trong đó. Khi bánh tới, người trong đoàn chụp ảnh và gửi ra cho tôi. Nhìn ảnh bánh đến tay những người khó khăn, tôi rất hạnh phúc", anh Mạnh tâm sự.
Hiện tại, hơn 1.000 cái bánh chưng đã được gói xong. Theo dự kiến, đến tối 21/10, những chiếc bánh chưng này sẽ được vận chuyển vào miền Trung. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Phan Mạnh cho biết, sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này cho đến khi tình hình lũ lụt ở miền Trung giảm bớt.
Hữu Thắng - Phong Linh