Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm bày tỏ: “Thông qua dự án “Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng”, quận Hoàn Kiếm mong muốn chỉnh trang đô thị, tạo nên một không gian công cộng mới, lý thú cho người dân và du khách, góp phần nâng cao giá trị một di sản quan trọng của Thủ đô, đồng thời góp phần vào việc phát triển dịch vụ - thương mại – du lịch của thành phố nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng.
Có thể nói đây là một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là tiền đề để hình thành tuyến phố Phùng Hưng phát triển theo hướng dịch vụ - thương mại – du lịch, gắn kết với khu phố cổ đi bộ của Hà Nội".
Trong buổi ra mắt dự án nghệ thuật công cộng này, người dân Thủ đô và du khách quốc tế đã được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Đó là chiếc xe Cub “Kim vàng giọt lệ” huyền thoại gợi nhớ lại về chợ xe máy đầu tiên tại Hà Nội những năm đầu mở cửa kinh tế. Hay “Máy nước thời gian” đã tái hiện câu chuyện về chiếc máy nước công cộng – một trong những biểu tượng của Hà Nội 40 năm về trước – khiến người ta chiêm nghiệm lại giá trị của văn hóa sinh hoạt cộng đồng.
Mỗi một tác phẩm nằm trong dự án “Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng" đều có sự khác biệt về chất liệu, đề tài và cách thể hiện. Chúng mang trong mình những câu chuyện riêng, gắn liền với lịch sử của mảnh đất Kinh kỳ xưa.
Vượt khỏi giới hạn về những bức bích họa nghệ thuật đơn thuần, dự án “Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng” giúp cho người dân thủ đô và du khách quốc tế không chỉ ngắm nhìn mà còn có cơ hội được tương tác với một phần ký ức của Hà Nội.
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển dự án “Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng” cho biết: “Dự án này không đơn thuần chỉ là giải trí hay vẽ tranh 3D như làng Bích họa Tam Thanh trước đó, mà đây là dự án tương tác với chính lịch sử. Bản thân nghệ sĩ sáng tác cần phải có thời gian tìm hiểu lịch sử, sau đó thông qua tác phẩm của mình kêu gọi mọi người cùng tương tác với chính tác phẩm, cũng như tìm hiểu, đọc thêm những lớp nghĩa mà nghệ sĩ thể hiện muốn hướng đến".
“Đây là dự án chúng tôi làm phi lợi nhuận, làm bằng tâm huyết, với mong muốn dự án này - như một món quà - có thể đưa nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng hơn”, họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ về mong muốn khi thực hiện dự án này.
Có mặt tại buổi lễ khai mạc dự án nghệ thuật từ rất sớm, bạn Hồng Ngọc (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới chỉ biết cột nước qua hình ảnh và lời kể của ông bà, đây là lần đầu tiên mình được tận mắt thấy, tôi cảm thấy giống như là được chạm vào lịch sử vậy”.
Còn anh Đức Tuấn thì lại vô cùng hào hứng khi xem tác phẩm “Tuần lễ thời trang phố cổ”: “Đây quả là một ý tưởng độc đáo khi tác giả để những em bé trong tranh "Múa rồng" mặc trang phục từ những thương hiệu nổi tiếng như là LV, Burberry và cầm lồng đèn mang logo của Chanel và Versace”.
Được khởi động từ đầu tháng 11/2017, dự án “Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng” được thực hiện trên đoạn phố Phùng Hưng nối từ Lê Văn Linh tới Hàng Cót gồm 18 tác phẩm, trong đó có 10 tác phẩm của các họa sĩ Việt, 7 bức của các họa sĩ Hàn và 1 bức do nghệ sĩ 2 nước cùng thực hiện. Dự án này nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ người dân.
Dưới đây là các tác phẩm được hoàn thiện và ra mắt công chúng:
Bảo Linh – Thanh Lam