Hiện huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, có 9 cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) thông thường: lợn rừng, dúi và chim thông thường... cùng 23 cơ sở chăn nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm gồm: chồn hương, cầy vòi mốc, nhím, don, dúi mốc lớn... với tổng số 395 con.
Việc nuôi ĐVHD diễn ra trong bối cảnh các lực lượng chức năng triển khai cấm săn bắt ĐVHD rất nghiêm ngặt. Chính từ thực tế này, nhiều nông dân ở huyện miền núi này đã mạnh dạn đầu tư gây nuôi một số loài ĐVHD hợp pháp để xuất bán ra thị trường, mang lại thu nhập ổn định.
Cũng như những người dân khác, trước đây anh Đinh Văn Việt (SN 1990), trú tại thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp, cũng từng "lén lút" mua chồn hương trôi nổi ngoài thị trường về nuôi thử, tuy nhiên, tỷ lệ sống và sinh sản không cao.
Hơn nữa, bản thân anh Việt nhận thức rõ, nếu nuôi thành công thì việc kê khai để bán sản phẩm chồn hương ra thị trường là rất khó, thậm chí là vi phạm pháp luật nếu không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng.
“Qua tìm hiểu trên sách, báo, internet và xem trên tivi để nghiên cứu về cách thức nuôi chồn hương, nhận thấy việc nuôi loài ĐVHD này nếu tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ được các cơ quan chức năng chấp thuận, hỗ trợ. Vì thế, khoảng năm 2015, với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Kiểm lâm ở địa phương, gia đình tôi đã đầu tư kinh phí để xây dựng khu chuồng trại, mua chồn hương giống về nuôi”, anh Việt cho biết.
Đến nay, gia đình anh Việt đã duy trì nuôi từ 10-20 con chồn hương trong chuồng để phát triển kinh tế và tự chủ trong việc nhân đàn, không phải mua thêm con giống.
Theo anh Việt, đây thực sự là một nghề mới nhiều hứa hẹn, có thể giúp nhiều nông dân vươn lên trong cuộc sống nếu chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện...
Đến với nghề nuôi chồn hương chậm hơn so với anh Việt nhưng nhờ sự cố gắng, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, ông Cao Thanh Sơn (SN 1959), trú tại thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp, cũng đã đạt được thành công bước đầu.
Ông Sơn “bén” nghề nuôi chồn hương từ năm 2019 - khi đó chỉ có 4 con, đến nay đã nhân lên 18 con. Kể về hành trình nuôi loài ĐVHD này, ông Sơn tự tin chia sẻ kinh nghiệm: “Chồn hương có đặc tính nhút nhát, thường ngủ ngày và ăn vào ban đêm nên việc bố trí chuồng trại phải để ở nơi yên tĩnh, sạch sẽ để tránh các mầm bệnh xảy ra. Món ăn ưa thích của chồn hương thường là cá rô, gạo, chuối, mít... nên chi phí thức ăn cho chúng cũng khá rẻ, khoảng 3 nghìn đồng/con/ngày.
Quan trọng nhất là người nuôi chồn hương cần phải thực hiện nghiêm túc việc "khai sinh, khai tử" cụ thể đối với từng cá thể cho lực lượng chức năng nắm bắt về biến động đàn. Nếu bỏ qua công đoạn này, người nuôi sẽ bị "dính" vào hành vi vi phạm pháp luật”.
Ông Sơn tâm sự, năm 2022, gia đình ông bán được 4 con giống (mỗi con có giá khoảng 5 triệu đồng), cơ bản thu lại đủ tiền vốn đã bỏ ra để mua giống, số còn lại coi như là lãi ròng.
“Từ chỗ nhiều năm liền gia đình nằm trong diện nghèo và cận nghèo của xã, nay nhờ đến với nghề nuôi chồn hương, vợ chồng tôi có thể tự tin khẳng định đã trở thành hộ khá ở xã...", ông Sơn vui mừng chia sẻ.
Ông Đinh Viết Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp biết, khi bắt tay vào nghề mới này, nhiều nông dân ở địa phương xác định, nuôi ĐVHD là công việc rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng hứa hẹn mang lại nhiều đổi thay trong cuộc sống. Bởi đây là một nghề mới, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng tài chính đầu tư ban đầu...
Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi về cách thức chăn nuôi ĐVHD cũng như tích cực chia sẻ những kinh nghiệm quý giá khi tham gia vào nghề mới này, nhiều nông dân ở xã Hóa Hợp đã thành công, thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết, để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi ĐVHD trên địa bàn đạt hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, đơn vị luôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Kiểm lâm địa bàn thực hiện các nội dung: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn, đặc biệt là công tác cập nhật biến động số lượng ĐVHD vào sổ theo dõi bảo đảm kịp thời, đúng quy định theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ; hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện việc đánh dấu mẫu vật nuôi đối với các loài thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm...
Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường kiểm tra, rà soát lại hệ thống cơ sở nuôi trên địa bàn quản lý nhằm đề xuất cấp có thẩm quyền hủy mã số đối với các cơ sở nuôi vi phạm các quy định về gây nuôi ĐVHD hoặc không còn nhu cầu nuôi ĐVHD.
Đối với các cơ sở nuôi có số lượng các loài ĐVHD nguy cấp quý, hiếm và động vật rừng thông thường nhiều, tính thương mại cao, Hạt Kiểm lâm huyện cũng yêu cầu Kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn chủ cơ sở nuôi thực hiện công tác gây nuôi ĐVHD theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là công tác xuất, nhập trong cơ sở nuôi, bảo đảm số lượng ĐVHD đang nuôi ở cơ sở phải phù hợp với số lượng ghi chép trong sổ theo dõi, tránh tình trạng chủ cơ sở nuôi lợi dụng để nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật...