Người dân hoang mang trước sự xuất hiện của giống lúa lạ

Người dân hoang mang trước sự xuất hiện của giống lúa lạ

Thứ 2, 25/02/2013 08:48

Từ ngày cấy lúa cho đến lúc lúa trổ bông, ông Bền và các nhân công khác chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của chuyên gia người Trung Quốc. Sau 2 tháng chăm sóc, toàn bộ diện tích lúa đang trổ đều, nhưng các cây lúa chiều cao không giống nhau (lúa đực cao, lúa cái thấp xen kẽ nhau).

Giống lúa lạ sinh trưởng nhanh

Sau khi 1,4ha đất của gia đình Ông Nguyễn Văn Bền và bà Trần Thị Thật được ông Trần Minh Nhu thuê từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2013, ông Nhu cùng một chuyên gia người Trung Quốc đã sử dụng toàn bộ diện tích trên để trồng giống lúa nếp lai có tên là Nhị ưu 838. Hai ông này trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng giống lúa cho người làm thuê và nhờ ông Bền theo dõi sâu bệnh, thuê nhân công giúp. Ông Nguyễn Văn Bền cho biết: "Là người cho thuê đất, ruộng lúa lại gần nhà nên ông Nhu đã ủy quyền cho tôi chăm sóc ruộng lúa. Khi nào lúa bị sâu bệnh thì tôi đi mua thuốc trừ sâu về thuê bà con trong xóm làm. Tất cả tiền mua thuốc trừ sâu và tiền thuê nhân công đều do ông Nhu chi trả”.

Theo ông Nguyễn Văn Bền giống lúa có thời gian sinh trưởng rất nhanh, đẻ nhánh nhiều, lúc trổ bông thì cao hơn từ 10-20cm và chín nhanh hơn khoảng nửa tháng so với các giống lúa thông thường. Cách làm giống lúa Nhị ưu 838 vẫn có nhiều điểm khác biệt so với các loại giống lúa ở Việt Nam. Là người thường xuyên theo dõi sự phát triển của lúa ông Nguyễn Văn Bền nói: "Người ta cấy lúa đực và lúa cái riêng. Nhưng lúa đực được cấy trước sau đó mới cấy lúa cái. Cứ 12 hàng lúa mẹ thì phải cấy 2 hàng lúa đực. Sở dĩ có lúa đực và lúa cái là vì đến khi lúa trổ bông lúa cái mới được thụ phấn".

Xã hội - Người dân hoang mang trước sự xuất hiện của giống lúa lạ

Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An (thứ 2 từ trái sang),  đang thị sát giống lúa Nhị ưu 838.

Giống lúa Nhị ưu phải trải qua quá trình thụ phấn của bàn tay con người. Chúng tôi đến mục sở thị cánh đồng lúa Nhị ưu 838 vào lúc đồng hồ đã điểm 12h trưa nhưng các nhân công vẫn chăm chỉ làm việc. Một người đang làm việc trên đồng lúa chia sẻ: "Khi lúa bắt đầu trổ bông quá trình thụ phấn phải được tiến hành trong vòng 7 ngày liên tiếp. Mỗi ngày các nhân công phải tiến hành thụ phấn hai tiếng đồng hồ, thời gian bắt đầu từ 10h đến 12h trưa. Bởi vào thời điểm này, hạt lúa mới há miệng thì nhị phấn lúa đực mới bay vào phấn lúa cái.  Sau khi quá trình thụ phấn kết thúc, người ta cắt bỏ những hàng lúa đực để những hàng  lúa cái phát triển thành hạt. Mỗi một bông lúa cái có từ 200-300 hạt. Song, trong một nhành lúa chỉ có khoảng 50 hạt lúa đậu sau thụ phấn".

Người dân hoang mang

Giống lúa Nhị ưu 838 có sự sinh trưởng nhanh hơn các loại lúa bình thường nên quá trình trổ đòng diễn ra sớm hơn so với các giống lúa khác. Trong nhiều ngày qua, việc xuất hiện của giống lúa này ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (Long An) đã làm dấy lên sự tò mò của người dân. Nhiều người tỏ ra e ngại, nếu cứ tiếp tục trồng giống lúa này, chỉ một thời gian ngắn nữa, giống lúa nếp ở địa phương sẽ trổ đòng. Khi đó, phấn của lúa lạ sẽ bay sang làm ảnh hưởng đến giống lúa nếp truyền thống và tạo thành một giống lúa lai tạp nào đó sẽ nguy hại đến sự sinh trưởng của giống lúa nếp địa phương đang cấy.

Ông Ba, một nông dân ngụ tại ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (Long An) bày tỏ: "Vì là giống lúa lạ nên việc chăm sóc lúa khá kì công. Như tôi thấy, bình thường để khử phèn trên đồng ruộng người nông dân thường sử dụng vôi là được. Nhưng đối với cách làm của chuyên gia người Trung Quốc họ lại phun thuốc khắp ruộng để khử phèn. Cứ cách vài ngày lại thấy họ thuê người phun xịt thuốc liên tục. Chỉ trừ những ngày lúa đang thụ phấn họ mới ngưng phun xịt thuốc.

Việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và kĩ thuật canh tác có nhiều điểm khác biệt so với các giống lúa bình thường ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của lúa và môi trường sinh thái của nước cũng như các sinh vật sống trong đất. Bên cạnh đó, giống lúa Nhị ưu 838 được trồng lần đầu tiên ở xã Hòa Phú nên người dân cũng như các cơ quan chức năng của địa phương vẫn chưa thể đánh giá được năng suất của giống lúa trên, cũng như chưa thể thẩm định được liệu đây có phải là giống lúa Nhị ưu 838 hay không? Do vậy, sự xuất hiện của giống lúa lạ và những người lạ mặt không có sự giám sát của chính quyền địa phương sẽ tạo nên làn sóng hoang mang trong dư luận.  

Giống lúa Nhị ưu đã có mặt lâu năm ở miền Bắc

Nhị ưu 838 là giống lúa lai 3 dòng có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào Việt Nam từ năm 1995. Đây là giống cảm ôn, gieo trồng được cả 2 vụ trong năm, thích nghi rộng, năng suất cao và ổn định trong vụ xuân. Tuy nhiên trong vụ mùa giống Nhị ưu 838 thường nhiễm bệnh bạc lá rất nặng, làm giảm năng suất.    

Quyên Triệu - Hương Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.