Hình ảnh xấu xí
Ngày 6/3, trên mạng xã hội người dùng mạng chia sẻ hình ảnh, clip người dân chen nhau để lấy những chậu hoa trang trí phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trên tuyến phố Kim Mã (quận Ba Đình).
Những hình ảnh này đã nhanh chóng được lan truyền với tốc độ chóng mặt, cùng với đó là những lời chia sẻ tỏ ra ngao ngán và không đồng tình với hành động phản cảm này.
Theo đó, vào sáng 6/3, khi công nhân của công ty cây xanh đang tiến hành thu gom cây trên đoạn đường Kim Mã thì người dân tranh nhau vào lấy hoa khiến anh em công nhân không kịp trở tay.
Chia sẻ với PV, Lãnh đạo công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ đề nghị cơ quan chức năng, công an trích xuất camera để xử lý những người “hôi” hoa trên đường.
Bày tỏ về sự việc đã qua, lãnh đạo công ty cho biết: “Những cán bộ, công nhân của chúng tôi đều là người cắt tỉa cây, trồng cây, trang trí hoa làm đẹp cho Thủ đô, chính vì vậy khi nhìn thấy hình ảnh cây hoa trang trí bị lấy đi thì ai cũng cảm thấy buồn. Đây là hình ảnh rất xấu xí và cần phải lên án”.
Theo vị lãnh đạo này, cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ có ý kiến, trích xuất camera để làm rõ xem ai là người đã lấy hoa để xử lý. Đồng thời, phía công ty cũng sẽ làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng để có cách khắc phục, tránh tình trạng tương tự xảy ra.
Biểu hiện của lòng tham, sự ích kỷ
Có thể nói, đây không phải lần đầu tiên trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh “hôi” hoa, hoặc “hôi” của, trước đó cũng xuất hiện rất nhiều những câu chuyện, tình huống tương tự, hay gần đây nhất đoạn clip ghi lại cảnh nhiều người lấy hoa trang trí trước khách sạn JW Marriott (đường Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tối 28/2, khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa kết thúc. Những hành động này đều bị lên án một cách rất gay gắt.
Phân tích thêm về nguyên nhân khiến một bộ phận người dân có hành động “hôi” hoa, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển) đã có trao đổi với PV báo Người Đưa Tin.
PGS.TS Lê Quý Đức phân tích nguyên nhân người dân “hôi” hoa: “Tất cả những hành động này là biểu hiện của lòng tham, sự ích kỷ, ti tiện của một bộ phận con người. Họ tham lam từ những cái nhỏ nhặt nhất và coi như cướp cái nhỏ không vấn đề gì.
Thêm nữa, một bộ phận người dân vẫn còn chưa ý thức về của chung. Thể hiện sự thiếu hiểu biết, bởi của chung là tài sản của cả xã hội cần phải được tôn trọng. Suy nghĩ về của chung muốn chiếm hữu làm của riêng này có từ trong xã hội phong kiến, bao cấp và rơi rớt cho đến ngày nay.
Thêm một lý do nữa đó là “sự lây lan tâm lý tham nhũng lợi ích cá nhân từ một bộ phận người có chức có quyền đến người dân”.
Lý do cuối cùng là do thiếu giáo dục, thiếu gương mẫu, pháp luật chưa nghiêm về mọi mặt”.
Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức, để xảy ra những tình huống, sự việc xấu như vậy, trách nhiệm đầu tiên là về phía cơ quan quản lý, có phần thiếu trách nhiệm, buông lỏng trách nhiệm.
"Thủ đô Hà Nội vẫn luôn được gắn với hình ảnh văn minh, lịch sự, nghìn năm văn hiến. Nhưng, để xảy ra hình ảnh xấu xí trên đường phố như vậy rõ ràng, cơ quan chức năng chưa hiểu rõ ý nghĩa về văn hoá Thủ đô, buông lỏng kỷ cương, buông lỏng quản lý. Còn về phía người dân chưa có ý thức về văn hoá, lối sống”, PGS.TS Lê Quý Đức bày tỏ.
Từ những điều nêu trên, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, cần phải giáo dục ý thức, nâng cao nhân cách, tăng cường quản lý… để không xảy ra những trường hợp đáng buồn tương tự.