Phố nuôi chim yến trên đường Phạm Hữu Chí, Trung tâm thương mại Bà Rịa.
Không hun khói chỉ có nước bán nhà
Ngày nào bà Châu Mỹ Lang (ngụ tại số nhà 346, đường Lê Lợi, phường 7, TP. Vũng Tàu) cũng đốt lửa, hun khói để xua đuổi đàn chim yến do hộ dân ở nhà số 342 -344 nuôi. Bà Lang đã làm việc “cực chẳng đã” này suốt hơn hai năm qua.
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là bà chất vỏ dừa vào lò và bắt đầu un khói cho đến khoảng 7 giờ 30, chiều từ 16 giờ đến 19 giờ. Bà Lang mày mò dựng hẳn hai lò hun khói với hai ống khói bằng tôn cao gần 5m sát bờ tường nơi mà nhà số 342 – 344 đã đục lỗ để dụ chim yến vào.
“Nhờ tui làm vậy nên chim yến sợ bỏ đi bớt chứ nếu không bây giờ chúng đã tụ họp về đông lắm rồi”, bà Lang quả quyết. Mỗi lần bà Lang hun khói, khói lan tỏa qua những nhà xung quanh, bà con lối xóm cũng rất khó chịu về chuyện này và đã có người phản ánh lên chính quyền địa phương.
Sự việc trở nên phức tạp khi hộ nuôi chim yến 342 -344 kiện lên UBND phường 7, TP. Vũng Tàu. Nhiều lần chính quyền địa phương đã mời bà Lang đến làm việc yêu cầu ngưng ngay việc hun khói, nhưng tại các cuộc họp bà Lang đều tuyên bố: “Tôi sẽ tiếp tục hun khói cho đến khi nào nhà bên cạnh ngưng nuôi chim yến”.
Bà Lang còn cho biết, có lần bà nhặt được một con chim yến chết, rơi vào phần đất của bà, bà đưa con chim này lên Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm nhưng kết quả âm tính với H5N1. Bà nói: “Cực chẳng đã mới phải làm vậy chứ đâu muốn làm khổ bà con xung quanh. Tôi chỉ lo cho sức khỏe của cộng đồng vì nếu tiếp tục phát triển việc nuôi chim yến trong khu dân cư như hiện nay, thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Thực tế đã xảy ra tình trạng chim yến chết hàng loạt tại TP. Phan Rang, Tháp Chàm rồi đấy!”, bà Lang tỏ ra lo lắng.
Không chỉ bà Lang mà ở các địa phương khác, nhiều người cũng phản đối gay gắt việc nuôi chim yến trong khu dân cư. Tại Trung tâm thương mại TP. Bà Rịa, nơi có hàng chục hộ nuôi chim yến trong nhà, một số hộ dân phản ứng vì không chịu nổi tiếng ồn phát ra từ các máy dẫn dụ. Thậm chí, có người còn bán nhà chuyển đi nơi khác.
Suốt hai năm qua, ngày nào bà Châu Mỹ Lang cũng hun khói để xua đàn chim yến do nhà bên cạnh nuôi.
Hun khói cứ hun, nuôi cứ nuôi
Trước tình hình người dân phản ứng với việc nuôi chim yến trong khu dân cư, phóng viên báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã khảo sát một số địa bàn tập trung nhiều hộ nuôi chim yến.
Sáng ngày 15-5, tại khu nhà ở Trung tâm thương mại Bà Rịa, trời sắp mưa, điện cúp, không khí trở nên ngột ngạt, người dân bắc ghế ra ngoài ngồi quạt. Trên nóc những ngôi nhà thuộc hai tuyến đường Phạm Hữu Chí, Lý Tự Trọng, từng bầy chim yến chao liệng càng làm cho bầu trời trở nên u ám hơn. Âm thanh “chóe chóe” từ những chiếc máy dẫn dụ chim yến vẫn phát ra đều đều.
Một người đàn ông tên Ân, xưng là chủ nhà nghỉ Hồng Ân cho biết, nhà anh cũng có nuôi chim yến nhưng chưa thu hoạch. Tuần rồi cơ quan Thú y có đến khảo sát các hộ nuôi chim yến tại đây và lấy mẫu phân chim về xét nghiệm. Hỏi, nuôi chim yến trong nhà ở có sợ bị nhiễm cúm A/H5N1 không, anh trả lời ngay: “Nếu sợ thì chẳng ai dám nuôi gà, vịt chứ đừng nói nuôi chim yến. Vả lại, mình nuôi tự nhiên, chim chỉ bay trên trời không đậu dưới đất, sác suất lây bệnh rất ít (?). Trường hợp có dịch bệnh xảy ra thì cơ quan chức năng cũng đến dập dịch, lo gì!”.
Tuy nhiên, anh cũng tỏ ra phân vân khi nghe nói có tình trạng chim yến chết hàng loạt tại TP. Phan Rang, Tháp Chàm. “Nếu cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách phun xịt thuốc phòng bệnh thì vẫn tốt hơn”, anh Ân nói.
Cơ quan quản lý bối rối
Ông Hà Lâm Quỳnh, Phó trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng, người dân lo ngại và phản ứng với việc nuôi chim yến trong khu dân cư là có cơ sở. Bởi theo ông, nếu xảy ra dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến thì chúng sẽ chết rất nhiều, khi đó mức độ lây lan rất rộng, khó kiểm soát.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tháng 5 -2013, Chi cục Thú y đã tiến hành giám sát lưu hành virus H5N1 ở chim yến trên địa bàn tỉnh. Trong đợt giám sát, cơ quan Thú y đã lấy 900 mẫu phân chim yến tại 30 cơ sở nuôi chuyển đến Cơ quan Thú y vùng VI, TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Đối với việc một số người dân phản ứng gay gắt, yêu cầu ngưng việc nuôi chim yến trong khu dân cư, ông Hà Lâm Quỳnh cho rằng, việc này cơ quan chức năng không thể thực hiện. Bởi, từ trước đến nay, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương chưa có văn bản nào cấm nuôi chim yến trong khu dân cư.
Tuy nhiên, ông Hà Lâm Quỳnh cũng cho biết, hiện Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên đối với đàn chim yến nuôi trên địa bàn tỉnh, đang chờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Đồng thời, sau khi các nhà khoa học công bố kết quả phân tích nguyên nhân và cơ chế lây nhiễm virus cúm H5N1 trên chim yến, Chi cục Thú y sẽ có khuyến cáo người nuôi chim yến các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 131 cơ sở nuôi chim yến, trong đó có 63 cơ sở xây mới chuyên biệt, 68 cơ sở cơi nới, tận dụng nhà ở; 85 cơ sở nuôi trong khu dân cư và 18 cơ sở nuôi ngoài khu dân cư (28 cơ sở ở huyện Long Điền chưa xác định). Huyện Long Điền là địa phương nuôi chim yến nhiều nhất với 28 cơ sở, huyện Tân Thành 25 cơ sở, TP. Bà Rịa 24 cơ sở và TP. Vũng Tàu 20 cơ sở, số cơ sở còn lại rải rác ở các huyện khác. |
Theo
Lam Phương
(Bà Rịa-Vũng Tàu Online)