Người dân khốn khổ vì 'cạm bẫy ô nhiễm'

Người dân khốn khổ vì 'cạm bẫy ô nhiễm'

Thứ 2, 25/03/2013 22:10

Mảnh đất mà các hộ dân ở xóm Đồng Cháy đang sinh sống trước đây là khu chôn cất người chết.

Hàng ngày, hàng giờ người dân đang phải tiếp xúc với các loại mùi ô nhiễm do rác thải, khí than, hóa chất độc hại được thải ra từ những nhà máy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong khi đó, các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa có phương án tối ưu nhằm hạn chế ô nhiễm cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam Xanh - Người dân khốn khổ vì 'cạm bẫy ô nhiễm'

Người dân khốn khổ vì phải sống gần những nơi ô nhiễm

Khoảng 3 năm trở lại đây, hàng trăm người dân phường Tiên Cát và Thọ Sơn (TP Việt Trì, Phú Thọ) luôn lo lắng mảnh đất mình đang sinh sống sẽ trở thành “làng ung thư” do phải chịu đựng mùi hôi thối được phát ra từ hệ thống nước thải của công ty Miwon (có vốn đầu tư của Hàn Quốc) đóng trên địa bàn. Hệ thống xả cũ của nhà máy chạy qua phần đất của người dân bị vỡ, khiến cây cối, giếng nước của nhiều gia đình bị ngấm bẩn.

Trước yêu cầu của người dân cũng như nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, Miwon đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi hệ thống xả mới đưa vào sử dụng, mùi hôi thối vẫn tiếp tục gây khó chịu. Theo lý giải của đại diện công ty này, nước thải sinh ra từ quá trình sản xuất lên men mật, rỉ đường và tinh bột sắn. Trong quá trình lên men và phân giải, các chất hữu cơ vi sinh vật sẽ gây nên mùi khó chịu.

Để bảo vệ mình, Miwon khẳng định, phản ánh của người dân về các bệnh liên quan đến hô hấp do Cty này gây ra là không khách quan. Bởi khu vực trên còn có nhà máy giấy và nhà máy hóa chất hoạt động. Mặc dù, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu Miwon khắc phục sự cố nhưng công ty này vẫn chưa giải quyết triệt để sự việc.

Có lẽ cũng không khó để tìm thấy những vụ việc tương tư như ở Cty Miwon. Cách đây chưa đầy một năm, Cty Long Tech (công ty chuyên kéo sắt, mạ lò so) có trụ sở tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an xử phạt về hành vi cố ý xả trộm nước thải độc hại ra môi trường.

Cũng theo số liệu thống kê, riêng năm 2010, làng nghề giấy ở Phong Khê (TP Bắc Ninh) sản xuất 210.000 tấn giấy thành phẩm các loại, nộp ngân sách 34 tỷ đồng, là địa phương có đóng góp cho ngân sách cao nhất trong tổng số 19 xã, phường của thành phố Bắc Ninh. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường ở tất cả các dạng: nước thải, khí thải và chất rắn đang là vấn đề báo động ở đây.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Trại lợn giống ngoại Thái Dương (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương). UBND huyện Đô Lương và xã Đại Sơn yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng công ty Thái Dương cố tình dây dưa, không nghiêm túc chấp hành, chậm khắc phục, xử lý. Do đó, tình trạng ô nhiễm tiếp tục kéo dài, gây nhiều thiệt hại và bức xúc cho nhân dân. Thậm chí đến nay, sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Những vụ việc tiêu biểu trên đã cho thấy tình trạng báo động về ô nhiễm mùi do các đơn vị sản xuất gây nên. Sức khỏe người dân đang dần bị ăn mòn, hủy hoại. Người dân sẽ ra sao khi các cơ quan chức năng dường như bị động trong việc đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng này?

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, trưởng khoa Môi trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, tức là đưa ra vấn đề và kiểm tra xem có bao nhiêu người nằm trong diện đó. Đây cũng là một phương pháp khoa học nhưng để cho kết quả chính xác thì chưa cao. Hiện nay có một số nghiên cứu đã chỉ rõ cơ chế của việc ô nhiễm gây hại đối với sức khỏe con người. Cụ thể như asen có trong nước ngọt mà nhiều khu vực dân cư đang sử dụng có nguy cơ sẽ làm ung thư da. Hay sự tăng cường bức xạ của tia bức xạ do các lỗ thủng tầng ozon khiến nhiều người bị đục thủy tinh thể và ung thư da. Nguy cơ nhiễm nitrat, tích lũy DTT, ô nhiễm dioxin khiến nguy cơ biến đổi gen cao”.

PGS. TS Phan Đăng Tuất, viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược – Chính sách Bộ Công thương, nhận định: “Việc các cty như Vedan, Miwon vi phạm nghiêm trọng những quy định bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng, là tiếng chuông thức tỉnh cộng đồng phải quan tâm hơn đến môi trường. Hiện, Việt Nam đang thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Chúng ta đang ồ ạt thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy ô nhiễm"; trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Các ngành sản xuất tác động lớn đến môi trường nước gồm rượu, bia, nước giải khát, thủy sản, giấy, dệt may…Hoặc ảnh hưởng đến môi trường không khí như xây dựng, cơ khí, giao thông, điện, khoáng sản. Nếu không được kiểm soát kỹ về công nghệ, việc sản xuất trên sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo tính toán, nó có thể gây tổn thất khoảng là 1,2 % GDP vào năm 2020”.

TS. Tăng Thị Chính, trưởng phòng Vi sinh vật môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng: “Ô nhiễm mùi có thể xuất phát từ rác thải chăn nuôi, hóa chất độc hại, sản xuất công nghiệp. Các loại mùi ở các nhà máy sản xuất hóa chất phát sinh trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ và chất thải sinh học. Tùy vào tính chất của từng mùi mà người ta có những phương án xử lý khác nhau. Ví như Miwon có nguồn gốc phân thải bằng chất hữu cơ. Do đó, tùy từng phân đoạn sẽ có cách giải quyết khác nhau. Chủ yếu dùng các chế phẩm sinh học để xử lý các chất độc hại”.

GS.TS. NGND Đặng Kim Chi, nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Ô nhiễm mùi ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Mùi ô nhiễm gây cảm giác khó chịu, còn rất độc do phản ứng sinh học. Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường của Tổng cục môi trường đang xây dựng Quy trình mùi. Đây là lĩnh vực xảy ra nhiều kiện cáo trong khi chúng ta lại không có gì làm căn cứ để xử lý. Mùi là vấn đề nhạy cảm, có thể người này thích còn người khác lại không. Mùi riêng của từng chất hoặc hỗn hợp do nhiều chất tạo nên và tác động lên khứu giác con người. Từ trước đến nay, chúng ta mới chú trọng tới việc kiểm soát độc để không lan, gây hại tới môi trường, chứ chưa thực sự chú ý đến ảnh hưởng của ô nhiễm mùi đến cộng đồng”.

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Khu vực bị ô nhiễm chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe người dân xung quanh. Đánh giá mức độ ảnh hưởng đến con người lại cần có các số liệu điều tra cụ thể. Người dân sống ở khu vực bị ô nhiễm cần hạn chế tiếp xúc, ngửi mùi hóa chất độc hại. Tuy nhiên, kho có thể xử lý đồng bộ vì đặc điểm của cơ địa mỗi người khác nhau. Một số người dù tiếp xúc với môi trường độc hại nhưng vẫn không hề bị ảnh hưởng”.

Anh Trần Văn Hưng, giám đốc công ty sản suất bao bì trên địa bàn Hà Nội cho rằng: “Kinh tế, xã hội phát triển nhanh, hạ tầng cơ sở chưa được quy hoạch hợp lý, một số cơ sở sản xuất nằm xen kẽ, gần ngay khu dân cư đông người. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra các tác động ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Các doanh nghiệp dù đã cố gắng đầu tư nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực nhưng vẫn không tránh khỏi những vụ việc đáng tiếc. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm đưa ra quy chuẩn về ô nhiễm mùi để bảo vệ người dân và tạo nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.

Văn Hoàng

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.