Theo thông tin từ trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (bộ LĐ-TB&XH), tổng đài 111 đã tiếp nhận thông tin người dân phản ánh có việc vận động dân không nhận hỗ trợ covid-19. Tất cả các cuộc gọi đến tổng đài 111 sẽ được chuyển tiếp đến các đơn vị chức năng và Thanh tra bộ LĐ-TB&XH.
Cũng theo tìm hiểu của PV, phản ánh của người dân từ huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết ở địa phương này có việc cán bộ chuẩn bị sẵn đơn đề nghị không hưởng trợ cấp. Hay như ở Quảng Xương (Thanh Hóa) có hiện tượng hộ cận nghèo vừa nhận tiền hỗ trợ xong thì được trưởng thôn vận động ủng hộ lại 1 suất tiền cho Nhà nước vì Nhà nước đang khó khăn. Tại địa phương này, người dân cũng phản ánh cán bộ cũng có sẵn đơn từ chối nhận hỗ trợ để người dân nào đồng ý thì tự điền vào.
Trao đổi với PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: “Trong lúc cả nước đang chung tay ủng hộ phòng, chống dịch covid-19, việc người dân tự nguyện ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ do covid là hành động “nhường cơm sẻ áo”, chia sẻ với những trường hợp khó khăn hơn là rất đáng quý. Tuy nhiên, việc người dân tự nguyện ký đơn không đồng nghĩa với việc đi vận động họ không nhận. Tại một số địa phương xuất hiện thông tin cán bộ xã vận động dân ký đơn không nhận tiền hỗ trợ do dịch covid-19 và đơn đã được làm sẵn, chính quyền địa phương cần vào cuộc làm rõ”.
Liên quan đến thông tin hàng nghìn hộ dân ở Thanh Hóa từ chối không nhận tiền hỗ trợ, dư luận lo ngại tiền hỗ trợ cho người dân có thể đi… “lạc đường” nếu không được giám sát chặt chẽ. Nhìn nhận về sự việc này, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai nêu quan điểm: “Các địa phương trên cả nước đang tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Theo quan điểm của tôi, cán bộ địa phương ai cũng mong muốn người dân được hưởng quyền lợi tốt hơn. Vì vậy, câu chuyện hàng nghìn người ở Thanh Hóa không nhận tiền trợ cấp khiến nhiều người đặt câu hỏi, vì sao lại có chuyện vận động hay “ép buộc” ký vào đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ. Nếu có việc vận động ký đơn sẽ làm sai lệch bản chất của hành động đẹp, nhân văn”.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: “Cần làm rõ những phản ánh của người dân. Nếu có chuyện cán bộ xã vận động ký đơn thì phải làm rõ động cơ, mục đích của việc làm đó. Nếu phát hiện cán bộ đi vận động người dân ký đơn không nhận tiền hỗ trợ, thì phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định”.
Ngân Giang
Sau khi nhận thông tin tại Thanh Hóa có hàng nghìn người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã họp và chỉ đạo Mặt trận tổ quốc tỉnh Thanh Hóa tăng cường giám sát, làm rõ thông tin.
Chiều 12/5, đại diện bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đã có công văn gửi tỉnh Thanh Hóa đề nghị kiểm tra thông tin hàng nghìn người dân không nhận tiền hỗ trợ di dịch covid-19.