Cuộc sống mới của người dân Đan Lai
Mặc dù cánh đồng lúa đã bắt đầu chín vàng nhưng anh Lê Văn Luông – Phó Trưởng bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn cố gắng sắp xếp công việc đến địa điểm bầu cử để dọn dẹp, treo băng rôn, khẩu hiệu chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.
“Lúa của gia đình chín muộn hơn nên mấy ngày nay tôi đến tham gia trang trí nơi bầu cử. Mấy anh em bảo nhau cố gắng hôm nay và ngày mai nữa cho xong để còn về đi gặt lúa nữa. Dù sao cũng chỉ còn mấy ngày nữa là bầu cử rồi, nơi đây chúng tôi sẽ được bầu cử sớm vào ngày 21/5, tức là sớm hơn 2 ngày so với cả nước”, anh Luông nói.
Dốc ngược chai nước mát uống một hơi, anh Luông tâm sự, anh vốn sinh ra và lớn lên ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, nơi đây nằm hoàn toàn trong vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát. Do sống trong rừng nên người Đan Lai có tập tục ngủ ngồi để tránh thú dữ.
Cũng vì sống biệt lập, co cụm nơi thâm sơn cùng cốc nên đồng bào Đan Lai đã sinh ra nạn tảo hôn và lấy nhau trong anh em nội tộc. Vấn nạn này đã kéo theo nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Vì vậy, năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát. Đề án như một cuộc giải cứu thực sự, khi đặt mục tiêu 146 gia đình dân tộc Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu.
Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Đến giữa năm 2019, có thêm 35 hộ, 117 khẩu Đan Lai tiếp tục được di chuyển đến ở khu tái định cư Bá Hạ, xã Thạch Ngàn. Tại đây, đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất. Sau khi các hộ dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao cho các đoàn thể phân công trách nhiệm hướng dẫn cụ thể từng gia đình biết về phương thức làm lúa nước, biết cách trồng trọt và chăn nuôi.
Hiện nay rất nhiều hộ gia đình ở khu tái định cư đều có ti vi, điện thoại, nhiều hộ đã sắm được xe máy và các vật dụng đắt tiền trong gia đình. Con em Đan Lai đều được đến trường, nhiều em đã học lên THCS, THPT và đại học. Bà con Đan Lai đang đổi thay tích cực và tự tin hòa nhập với các dân tộc anh em.
Chỉ tay về phía những thửa ruộng ngay phía trước khu tái định cư, anh Luông vui vẻ nói: “Chỉ mới về nơi ở mới gần 3 năm nhưng người dân ở khu tái định cư Bá Hạ đã hòa nhập rất nhanh với nơi ở mới. Ngôi nhà dự án xây dựng đã được bà con sửa sang, khoanh bờ rào trồng rau đủ loại. Nhiều nhà còn có khu vực chăn nuôi gia cầm. Nhà nước cũng đã chia đất, chia ruộng cho chúng tôi làm ăn. Cuộc sống đang dần thay đổi tốt hơn”.
Sẵn sàng cho ngày hội lớn
Ông Lô Thanh Huấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết, để giúp bà con tộc người Đan Lai hòa nhập với cuộc sống tại nơi ở mới, chính quyền xã đã phân công các tổ chức, đoàn thể trực tiếp giúp đỡ các hộ gia đình. Từ đó, bà con Đan Lai đã vươn lên tự tổ chức cuộc sống tại nơi định cư mới.
“Tại bản Bá Hạ đều là bà con người Đan Lai mới chuyển đến sinh sống. Đây là lần đầu tiên họ tham gia bầu cử ở đây nên nhiều người còn khá bỡ ngỡ. Vì vậy, Ban chỉ đạo bầu cử đã xây dựng kế hoạch, thành lập và phân công nhiệm vụ, tổ chức tập huấn cho các tổ bầu cử phân theo từng cụm… để người dân biết về quyền và nghĩa vụ bầu cử”, ông Huấn nói.
Xã Thạch Ngàn cũng đã tích cực kiểm tra nắm tình hình, đẩy mạnh việc tuyền truyền các quy định về bầu cử, quyền và nghĩa vụ của các cử tri qua loa truyền thanh và tuyên truyền miệng. Ban chỉ đạo và Ủy ban bầu cử xã đã phân công các thành viên cùng các Bí thư cấp ủy, trưởng bản xuống tận các hộ gia đình có cử tri là người Đan Lai để thông tin về bầu cử.
“Chúng tôi đang nỗ lực, cố gắng trong công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Nhưng quan trọng nhất là người dân đều đang rất phấn khởi, mong chờ được tham gia bỏ phiếu. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn xã sẽ diễn ra trong không khí dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân”, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết.
Ông Lô Văn Thao – Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, huyện miền núi Con Cuông có 13 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Nùng, Đan Lai, Hoa) chiếm 75%. Huyện có 103 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã, 13 đơn vị bầu cử cấp huyện; 118 khu vực bỏ phiếu, trong đó có 11 khu vực bỏ phiếu sớm. Tổng số cử tri được lập và niêm yết đến thời điểm này là 47.272 cử tri.
Để làm tốt công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử, ngay từ rất sớm, huyện Con Cuông đã xây dựng kế hoạch, thành lập và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo bầu cử huyện, các tổ phụ trách bầu cử, tổ thư ký, tổ giúp việc, các tiểu ban giúp việc; rà soát cơ cấu và số lượng, phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp theo quy định; tổ chức tập huấn cho các tổ bầu cử phân theo từng cụm, trong đó chú trọng ở 11 khu vực bỏ phiếu sớm.