Cá chết do nước lòng hồ rút?
Những ngày nay, người dân nuôi cá lồng tại khu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang phải tìm cách bán tháo những con cá đang sống còn lại, để bù số tiền bỏ ra bao lâu nay do xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Ông Phạm Văn Thân, trú tại bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương buồn rầu nói, cá trong lồng của gia đình ông chết từ trong đêm ngày 10/5 và rạng sáng ngày 11/5. “Sau khi cá chết tôi cùng mọi người trong gia đình đã mang ra trung tâm xã bán. May là do cá thiếu nước chết nên mọi người trong bản, trong xã đã mua ủng hộ gia đình”, ông Thân nói.
Điều đáng nói, có hàng chục hộ dân nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện cũng xảy ra tình trạng tương tự như gia đình ông Thân. Nguyên nhân theo người dân phản ánh bởi tình trạng thiếu nước tại khu vực lồng nuôi cá. Lồng cá “mắc cạn” khiến cá của nhiều hộ dân nuôi trong lồng bị chết hoàn toàn. Hàng chục tạ cá buộc phải bán tháo vì không có nước để chăn nuôi. Cá lồng người dân nuôi ở đây chủ yếu là cá trắm cỏ và cá bọp (loại cá chỉ ăn cỏ và lá cây - PV).
“Vừa qua, gia đình bị thiệt hại gần 100kg cá do hồ cạn nước. Hiện nay nước từ thượng nguồn đổ về ít nên dòng chảy trên sông rất kém, thêm vào đó, phía ngoài khu vực nuôi đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phạm Văn Thiết ở Cửa Rào 1, xã Xá Lượng cho biết.
Bà Lô Thị Trà My, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết, trên địa bàn xá lượng có 6 lồng cá nuôi, trong đó, 4 lồng nuôi dưới hạ lưu thủy điện Nậm Nơn, 2 lồng nuôi ở lòng hồ thủy điện Nậm Nơn. Hiện nay, trên địa bàn có 82 con cá bị chết, trong đó 72 cá trắm (trọng lượng trung bình 2 kg), 10 con cá bọp trọng lượng trung bình 0,7 kg.
Xã Tam Thái, huyện Tương Dương cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Tại xã này có 60 hộ dân tham gia nuôi các lồng thương phẩm. Hàng năm, người nuôi cá lồng ở xã Tam Thái cung cấp hàng trăm tấn cá cho thị trường huyện Tương Dương và các huyện lân cận. Tuy nhiên, việc cá chết đang khiến cho người dân lao đao.
Ông Lô Thanh Tuân, Chủ tịch UBND xã Tam Thái xác nhận trên địa bàn có việc cá lồng của các hộ dân bị chết. Trong đó có 2 lồng bị thiệt hại nặng. Đến thời điểm hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng người dân để thống kê thiệt hại nói trên.
Để kịp thời động viên, giúp người dân khắc phục thiệt hại, UBND các xã Xá Lượng và Tam Thái đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra và hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân với tổng số tiền là 5,5 triệu đồng (Xá Lượng 3 triệu đồng; Tam Thái 2,5 triệu đồng).
Lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân vụ việc
Ngay sau khi phát hiện tình hình cá chết xảy ra tại 2 xã Tam Thái và Xá Lượng, ngày 11/5, UBND huyện Tương Dương đã tổ chức đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại vùng lòng hồ thủy điện Khe Bố.
Qua kiểm tra ban đầu, tổng số lồng 7 lồng/7 hộ, với trọng lượng cá bị ảnh hưởng lên đến 371 kg. Cụ thể, ở xã Xá Lượng bị ảnh hưởng 231 kg cá/3 lồng/3 hộ chăn nuôi. Xã Tam Thái bị ảnh hưởng 140 kg cá/4 lồng/4 hộ chăn nuôi.
Nguyên nhân ban đầu được UBND huyện Tương Dương xác định là do nhà máy thủy điện Khe Bố thực hiện phương án điều tiết nước về hạ du trong thời gian ngừng phát điện để phục vụ đấu nối và đóng điện trạm biến áp 220kV Tương Dương làm mực nước hồ thủy điện Khe Bố cạn đến mực nước chết. Nên một số lồng cá bị mắc cạn, dẫn đến cá ở một số lồng bị chết.
Cũng trong văn bản UBND huyện Tương Dương, công tác chăn nuôi cá lồng của các hộ dân bẫy lâu nay vấn phát triển bình thường. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các lòng hồ thủy điện Khe Bố do mực nước thay đổi liên tục. Đặc biệt, từ ngày 8-11/5/2022 mực nước lòng hồ Thủy điện Khe Bố hạ thấp, điều này từ trước tới nay chưa xảy ra, dẫn đến một số hộ dân nuôi cá lồng ở các xã: Tam Thái, Xá Lượng bị ảnh hưởng.
Khi đoàn kiểm tra tại nhà máy thủy điện Khe Bố, sổ nhật ký vận hành, mực nước thượng lưu thấp nhất vào lúc 18 giờ đến 24 giờ ngày 10/5/2022 là 63,00 m (Mực nước chết 63m); nhà máy bắt đầu ngừng phát điện từ lúc 05h00p ngày 11/5/2022. Tại thời điểm 16h15 ngày 11/5/2022 mực nước thượng lưu là 63,15m. Hiện nay nước hồ đang lên nhưng chậm do thủy điện bản Vẽ không phát điện và các lồng cá cơ bản đã tạm ổn.
Về việc này, ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, lâu nay, lòng hồ Thủy điện Khe Bố rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi cá lồng để phát triển kinh tế cho các hộ dân sống quanh lòng hồ, đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của người dân.
Chính vì thế, UBND huyện đề nghị nhà máy thủy điện Khe Bố trong quá trình vận hành trong điều kiện bình thường hạn chế tối đa đưa mực nước hồ về mực nước chết để người dân nuôi cá lồng an tâm phát triển kinh tế.
“Về lâu dài UBND huyện sẽ tăng cường chỉ đạo và tuyên truyền người dân chỉ phát triển nuôi cá lồng ở những khu vực mặt nước có độ sâu ổn định đảm bảo cho phát triển nuôi cá lồng”, ông Hiến nói.