Người dân lo ngại vì “luồng xoáy lạ” từ cao ốc

Người dân lo ngại vì “luồng xoáy lạ” từ cao ốc

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Những luồng xoáy lạ từ cao ốc chưa gây thảm họa nhưng đã tác động xấu đến cuộc sống người dân.

Nhiều người dân phản ánh, gần đây có nhiều “biểu hiện lạ” khi họ đi qua những ngôi nhà cao tầng vì gặp những cơn lốc hay gió xoáy bất ngờ. Có vẻ thực tế này không được ai có thẩm quyền quan tâm, bởi nó mới dừng lại ở dự báo chứ chưa gây ra “thảm kịch”. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở tòa nhà “chọc trời” Keangnam (Hà Nội) mấy ngày trước khiến dư luận không khỏi lo lắng.

Bất động sản - Người dân lo ngại vì “luồng xoáy lạ” từ cao ốc

Gió giật, gió xoáy tại khu vực các tòa nhà cao tầng có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Nỗi lo mơ hồ nhưng có thực

Thực tế hiện nay cho thấy, nhà cao tầng chỉ có nhiều ở những thành phố lớn, nơi có nền kinh tế phát triển, trong đó TP.HCM là một trong những thành phố chiếm “kỷ lục” số lượng nhà cao tầng của cả nước. Nhìn những ngôi nhà chọc trời như nấm mọc sau mưa, ai cũng có cảm giác phấn khởi vì nó đồng nghĩa với sự phát triển của xã hội nhưng thực chất đằng sau những hào nhoáng ấy, vấn đề “chìm” mà không phải ai cũng nhận ra, là việc nguy cơ bị gió lốc “hoành hành”.

Điển hình ở nội thành TP.HCM có khá nhiều tòa nhà cao tầng với các chức năng đa dạng như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng hay chung cư cao cấp… Các tòa cao ốc đã góp phần tô điểm cho bộ mặt thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Mới đây, TP.HCM đã quy hoạch xây dựng nhà cao tầng ở phía bờ sông, hạn chế ở phía trung tâm, nhưng không những thế mà nhà cao tầng có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn đã cho rằng, công trình cao tầng giống như “một cái cây vô cùng đồ sộ, ảnh hưởng của áp lực gió với nó rất lớn, đối với những công trình cao 50 tầng trở lên, khả năng chống gió của nó trở thành một trong những vấn đề nan giải chủ yếu trong quá trình thiết kế…”. Theo đó, vấn đề áp lực gió khu vực xung quanh các tòa nhà cao tầng cũng rất đáng được quan tâm, bởi nó ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của cư dân trong tòa nhà và những người ở gần đó.

Anh Minh Vương (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, hàng ngày anh đi làm bằng xe gắn máy, khi đi qua con đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) tới chỗ có mấy tòa nhà cao tầng ở hai bên đường, thường thấy có gió thổi rất mạnh. Chuyện này anh gặp thường xuyên và nhiều người bạn của anh cũng thấy hiện tượng này ở nhiều nơi có nhà cao tầng. Cảm giác đó gây bất an cho không ít những người dân đi đường, mà cả những người sống gần đó. Anh Vượng nói: “Sống gần tòa nhà cao tầng rất bất an”.

Chị Hồng Vân, chủ quán giải khát vỉa hè ngay gần tòa nhà Sài Gòn Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1) cho biết: Tại khu vực này, cách đây mấy tuần một cơn gió cực mạnh thổi từ hướng sông Sài Gòn vào gặp vật cản là tòa nhà này khiến cơn gió trở nên xoáy cuộn xuống khu vực trệt của tòa nhà. Sự việc này được một bảo vệ của tòa nhà Sài Gòn Pearl xác nhận và anh này còn cho biết, chính cơn gió xoáy cuộn này đã khiến một cánh cửa kính dày của một chi nhánh ngân hàng nằm ngay tầng trệt mặt trước của tòa nhà bị nứt bể.

Những lần có gió, người dân vô cùng hoang mang. Theo chị Minh Lan (quận 7, TP.HCM) thì “bình thường chưa bao giờ tôi nghĩ nhà cao tầng sẽ gây ra gió lớn. Tuy nhiên, mấy lần đi qua thì tôi mới biết thật nguy hiểm, nhưng cũng không biết chứng minh về chuyên môn như thế nào, bởi tôi là người dân, có sao nói vậy thôi”.

Đúng như lời của chị Hồng Vân và anh Minh Vương, nhiều người đã khẳng định rằng, khi đến gần những tòa nhà cao ốc, họ thường bị những cơn gió mạnh không biết từ đâu thổi đến. Những cơn gió này không những rất to mà còn hay đến một cách bất ngờ và từ khắp bốn phía. Họ còn khẳng định thêm rằng, những trận gió thực sự từ các tòa nhà cao tầng, bởi trong thời gian đó, những điểm nằm cùng trên một con đường mà không có nhiều nhà cao tầng thì không thấy có gió.

Những cơn gió mang tên “hiểm họa”

Khi “cơn bão lạ” bất ngờ đổ vào TP.HCM đầu tháng 4/2012, người dân thành phố đã có dịp kinh hãi với những cơn gió giật ghê người. Khoảng 15h chiều 1/4, mưa lớn bắt đầu xảy ra trên địa bàn TP.HCM, sau đó là những cơn gió mạnh nổi lên, càng về tối gió càng mạnh hơn. Nhiều người đi làm việc về trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Kha Vạn Cân, Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.HCM)… đã bị gió thổi ngã xe máy. Lý do là những đoạn đường này khá rộng, không gian thoáng, khiến gió từ hướng sông Sài Gòn thổi vào đã mạnh lại gặp vật cản, một vài dãy nhà cao tầng chắn ngang khiến gió trở nên xoáy, cuộn mạnh hơn…

Cũng trong tầm bị ảnh hưởng nặng nề của “cơn bão lạ” này là những hàng cây xanh cao vút hàng trăm năm tuổi như sao, dầu… trên nhiều con đường ở trung tâm thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu… Khi các cơn gió thổi quăng quật gặp các tòa nhà cao tầng sẽ tạo ra những luồng xoáy tập trung rất mạnh có thể quật đổ những cây cổ thụ này gây nguy hiểm cho người dân, đồng thời cây cao thường có rễ sâu và ăn rộng nên dễ làm hư hỏng các công trình ngầm dưới mặt đất.

Hiện nay, trên thế giới, khi thiết kế nhà cao tầng tại khu vực trống trải và gió lớn, người ta phải tính toán đến cả vấn đề này. Thực tế đã cho thấy, một số quảng trường được bao bọc bởi nhiều tòa nhà cao tầng trên thế giới, người đi bộ rất khó di chuyển khi thời tiết hôm đó có gió hơi lớn hơn bình thường một chút.

“Theo quy phạm về xây dựng thì đều có quy định phải tăng toán sức chịu lực để chống lại sự phá hoại của dòng gió khí động học, gió xoáy hay gió càng lên cao càng mạnh. Việc tính toán đó phụ thuộc vào người thiết kế, có thể tốt hay không tốt. Có khi tính tốt nhưng khi thi công lại không đảm bảo chất lượng thì vẫn có thể bị hỏng… Tuy nhiên, nếu muốn xác định chính xác ở một công trình cụ thể thì phải đến tận nơi khảo sát, kiểm tra thì mới có thể xác định được…”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam lý giải.

Như vậy, có thể thấy vấn đề tác động của gió, gió xoáy ảnh hưởng từ các tòa nhà cao tầng hay an nguy của người dân cần được quan tâm mhiều hơn nữa. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, trách nhiệm chính là người thiết kế và thi công, chứ không thể nào lại khuyến cáo người dân khi gió bão lại tránh nhà cao tầng được. Bởi nhiệm vụ của người thiết kế xây dựng là phải đảm bảo an toàn cho trường hợp gió xoáy, gió mạnh nhất ở khu vực đó. Tuy nhiên, riêng với những người muốn mua căn hộ ở các chung cư cao tầng, trước khi mua cũng cần xem xét thật kỹ công trình để hạn chế bớt những nguy cơ có thể xảy ra.

Có nhiều nguy cơ nữa từ vấn đề nhà cao tầng, nhưng lốc xoáy là một trong những nguy cơ tiềm ẩn nhất mà chúng ta chỉ lờ mờ nhận ra, nhưng có vẻ như vấn đề này vẫn còn nằm trong “ tảng băng chìm” của giới xây dựng.

“Hàng ngày ở khu vực này thường gió rất thổi rất mạnh, tôi ngồi bán quán ở đây mà gần như lúc nào cũng phải “cảnh giác” để giữ chiếc dù này, nếu không gió sẽ thổi bay mất hay ngã đổ bể hết đồ. Nhiều bảng hiệu hay pano dựng trên các căn nhà ở xung quanh đây cũng đều bị “tơi tả” rất nhanh, không thể bền lâu được do gió thổi rất mạnh…”, chị Thanh, chủ quán giải khát vỉa hè ngay gần tòa nhà Sài Gòn Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1) cho biết.

Vân Hương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.