Theo người dân đánh bắt ven bờ các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân... của tỉnh Cà Mau, vụ mùa đánh bắt thường bắt đầu từ Tết Đoan Ngọ và kéo dài 4 – 5 tháng.
Vào khoảng thời gian này, biển thường động, tuy nhiên, sẽ có khoảng thời gian vài ngày liền biển êm, ruốc sẽ từ ngoài khơi vào mé bờ. Ngư dân gọi thời gian này là “nước ruốc” và dùng te chủ (dụng cụ chuyên dụng - PV) để đánh bắt.
Năm nay, người dân miền biển Tây của tỉnh Cà Mau trúng mùa ruốc, sản lượng họ đánh bắt cao hơn các các năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, giá ruốc lại ngày càng giảm sâu nên niềm vui của họ không trọn vẹn.
Bà Phan Thị Nga, ngụ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời cho biết: "Trong 3 năm qua, năm nay là trúng nhất. Ngày nhiều gia đình tôi đánh được 2 tấn ruốc tươi. Phơi được ít, còn lại bán tươi.
Những con nước trước, thương lái thu mua 8 – 10 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, hai nước ruốc vừa qua rớt giá quá trời, bán được có 4 – 5 ngàn đồng/kg, có khi 6 ngàn. Giá thất thường lắm...".
Riêng đối với ruốc khô, bà con ngư dân làm rất công phu nhưng thương lái đang thu mua với giá khoảng 20 – 25 ngàn đồng/kg (tùy loại). Mức giá này thấp hơn cùng kỳ khoảng 30%.
Mặc dù giá ruốc năm nay thấp nhưng nhờ sản lượng đánh bắt cao hơn nên người dân địa phương thu hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có những nước biển êm nhưng ruốc không vào bờ, bà con đánh bắt có thể bị lỗ chi phí.