Liên quan đến vụ việc nhiều người ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bỗng dưng bị nhiễm HIV nhưng chưa rõ lây nhiễm từ đâu, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp lên tiếng: HIV là căn bệnh thế kỷ không có thuốc chữa, người mắc bệnh này sẽ bị suy giảm miễn dịch và sẽ chết. Bởi tính chất nguy hiểm của bệnh này mà Bộ luật Hình sự đã chia ra làm 2 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất quy định tại Điều 148, Bộ luật Hình sự đối với người đã mắc bệnh HIV mà cố ý lây truyền HIV từ mình sang người khác (trừ trường hợp nạn nhân đã biết đối tượng đã bị nhiễm HIV mà vẫn tự nguyện quan hệ tình dục), với tội danh này thì đối tượng phạm tội có thể đối diện với mức án cao nhất là 7 năm tù. Trường hợp đối tượng không biết mình bị nhiễm HIV nên đã vô ý lây truyền cho người khác thì không bị xử lý hình sự.
Trường hợp thứ 2 là đối tượng không bị nhiễm HIV nhưng lại cố tình dùng virus này để truyền cho người không mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh. Hành vi này là có động cơ cá nhân, cố ý truyền HIV cho người khác. Vì vậy, hành vi này nguy hiểm hơn hành vi lây truyền HIV cho người khác nên mức phạt được quy định tại Điều 149, Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể tới mức tù chung thân.
Theo quan điểm của luật sư Cường, trong vụ việc xảy ra ở Phú Thọ, hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân lây nhiễm là từ đâu. Thông tin ban đầu là đang nghi ngờ về việc một y sĩ khám chữa bệnh tư nhân gây ra. Việc này cơ quan điều tra cần làm rõ để có kết luận xử lý.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường đặt ra các giả thiết: Nếu trường hợp xác định có người dù không nhiễm bệnh nhưng đã cố ý truyền virus HIV cho người khác thì người này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 149, Bộ luật Hình sự với mức phạt thấp nhất là 3 năm tù, cao nhất là tù chung thân.
Nếu người truyền HIV cho người khác là y, bác sĩ, người khám chữa bệnh mà không phải do lỗi cố ý mà chỉ vi phạm quy định về khám, chữa bệnh thì không bị khởi tố theo Điều 149, Bộ luật Hình sự năm 2015 mà bị xử lý về tội Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc theo quy định tại Điều 315, Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
“Điều 315. tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Như vậy, luật sư Cường cho rằng đối với tội danh này thì chủ thể là đặc biệt, phải là người có chức năng, nhiệm vụ khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc. Người này đã vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn dụng cụ, thiết bị y tế dẫn đến lây truyền bệnh cho bệnh nhân thì sẽ bị xử lý về tội danh này. Mức cao nhất của tội danh này là hình phạt tới 15 năm tù, ngoài ra còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề.
Nếu vụ việc xảy ra tại Phú Thọ có kết quả đúng như dư luận nghi ngờ, nguyên nhân từ một y sĩ tư mà không chứng minh được lỗi cố ý truyền HIV cho người khác thì bác sĩ này ít nhất cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 315, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Mặc dù hình phạt chỉ là tù có thời hạn nhưng người vi phạm có thể đã reo rắc mấy chục "án tử " cho các nạn nhân, hậu quả vô cùng đau thương, không những chỉ gây thiệt hại cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạnh phúc, tới gia đình nạn nhân và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, không gì có thể bù đắp được.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền lợi cho những người bị nhiễm HIV “oan”, luật sư Nguyễn Bá Ngà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584, Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Tiếp đến về nguyên tắc bồi thường thiệt hại cũng được quy định rất chi tiết tại Điều 585, BLDS năm 2015. Theo đó:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Các luật sư kiến nghị, trong vụ việc này cần làm rõ nguồn bệnh, nguyên nhân lây bệnh và ý thức chủ quan của người lây bệnh HIV cho người khác thì mới xác định được người vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 148, Điều 149 hay Điều 315, Bộ luật Hình sự năm 2015 như đã nêu ở trên. Cần phải chờ kết quả điều tra, xác minh thêm thông tin của cơ quan điều tra thì mới có thể quyết định được hình thức xử lý và đối tượng bị xử lý theo quy định pháp luật.