Đốt củi sưởi ấm cho trâu bò
Gần 1 tuần nay, nhiệt độ ở xã Mường Lống, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hạ xuống thấp dưới 10 độ C. Thậm chí, vào thời điểm rạng sáng nhiệt độ còn dưới 5 độ C, bắt đầu xuất hiện băng giá khiến vật nuôi, đặc biệt là trâu bò bị ảnh hưởng.
Ông Lầu Nềnh Chư, ở bản Mường Lống 2, cho biết ngay từ đầu khi nhiệt độ giảm thì gia đình đã phải đi mua tấm bạt lớn để che chắn chuồng trâu. “Đối với chúng tôi, trâu là tài sản lớn nhất. Nếu chẳng may trâu chết thì gia đình thiệt hại vô cùng lớn. Vì vậy, bằng mọi cách gia đình che chắn chuồng trại kín, không cho sương gió lùa vào. Chúng tôi còn thay nhau vào nương rẫy cắt cỏ về cho trâu ăn, chứ không thả rông trong rừng”, ông Chư nói.
Gia đình ông Xồng Bá Tồng cũng như vậy. Do nhà có tới 3 con bò nên ngoài việc dùng bạt che chắn chuồng trại thì người nhà ông Tồng còn thay nhau đốt lửa sưởi ấm cho đàn bò.
“Hàng ngày, ngoài việc cho bò ăn no bằng cỏ voi. Chúng tôi còn bổ sung thêm thức ăn tinh bột để bò khỏe mạnh hơn. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hầu hết gia đình ở đây đều chuẩn bị đống củi khô chất bên mái nhà hoặc góc vườn, để chủ động sưởi ấm cho người và vật nuôi vào những ngày giá rét”, ông Tồng nói.
Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: “Đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã xem chăn nuôi trâu bò là hướng phát triển kinh tế ổn định đối với mỗi gia đình, nên đàn trâu bò khá nhiều. Hiện nay trên địa bàn xã có 3.270 con bò và 900 con trâu. Thực hiện công văn chỉ đạo của huyện, xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các giải pháp chống rét cho trâu, bò. Bằng những giải giáp đó, nên 2 năm trở lại đây số trâu bò chết rét trên địa bàn xã Mường Lống rất ít”.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch huyện Kỳ Sơn cho biết, là địa phương miền núi cao, vì vậy vào mùa đông hàng năm nhiệt độ thường xuống thấp, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe đàn vật nuôi. Thực tế vào mùa rét hàng năm, tại Nghệ An đã xuất hiện trâu bò chết do đói rét. Có những gia đình không biết trâu bò chết do rét, chỉ khi đi kiểm đếm mới biết.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi vào những đợt rét kéo dài, ngày 10/12, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Công văn số 898/QĐUBND-NN về việc tăng cường phòng, chống đói rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trước đó, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã thành lập các đoàn trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vào mùa Đông.
Đưa trâu bò thả rông về chuồng
Tỉnh Nghệ An có đàn vật nuôi lớn, lại là địa bàn trọng điểm về rét đậm, rét hại nên việc phòng chống rét cho đàn vật nuôi, nhất là đàn trâu bò gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hiện nay tại địa phương, phong tục, tập quán nuôi gia súc của nông dân trong tỉnh vẫn còn lạc hậu, đàn nuôi nhỏ lẻ, ít được đầu tư chăm sóc và chống rét một cách bài bản, khoa học. Tại các huyện miền núi vẫn còn tình trạng nhiều hộ nông dân có thói quen nuôi thả trâu bò tự do trong rừng, rất nguy hại mỗi khi trời rét đậm, rét hại.
Tại xã Lục Dạ, huyện miền núi Con Cuông cũng có trên 2.000 con trâu, bò. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, ngay từ đầu mùa đông UBND xã đã triển khai tuyên truyền đến tận các thôn, bản nâng cao ý thức phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Bà Lương Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Lục Dạ cho biết, trong những ngày này, nhiệt độ ở Con Cuông có lúc giảm sâu dưới 10 độ C, vì vậy xã đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân biện pháp che chắn chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn bảo vệ đàn gia súc.
“Đối với bà con ở đây có rất nhiều người chăn nuôi trâu bò bằng hình thức thả rông. Do vậy, xã chỉ đạo đối với số trâu bò thả rông, những ngày rét đậm thì cần hạn chế thời gian thả đồi, phải nhốt tập trung vào khu vực kín gió, đốt lửa sưởi ấm. Hiện nay, xã không còn trâu bò thả rông, người dân đã biết làm chuồng trại che chắn, ấm trong mùa Đông, thoáng trong mùa Hè. Những lúc mưa rét trâu bò được nhốt ở nhà, chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn và đốt lửa sưởi ấm”, bà Mậu nói.
Trước đây, vào những ngày nắng ấm, gia đình bà Vi Thị Tít ở bản Lục Sơn, xã Lục Dạ thường được chăn thả 6 con trâu bò trên đồi, núi. Song những ngày gần đây, khi nhiệt độ giảm sâu, đàn trâu đã được bà đưa về nhốt ở chuồng, che chắn bạt kín đáo, trâu được ăn cả thức ăn thô và tinh bột để tăng cường sức đề kháng.
“Gia đình tôi nuôi trâu đã lâu, ngày thường phải thả cách nhà 2 cây số. Mấy hôm nay trời mưa rét chúng tôi mới đưa về nhốt ở nhà. Trước đây trâu thả trên rừng núi, nên chúng thường bị lạnh, bị đói thậm chí bị chết. Giờ đây thì không còn nữa”, bà Tít vui mừng nói.
Ông Quang Phương, ở bản Yên Hòa, xã Lạng Khê là người có kinh nghiệm nuôi trâu bò nhiều năm, nên những ngày mưa rét này gia đình ông đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm giữ ấm cho vật nuôi. Cùng với việc dự trữ nguồn thức ăn như rơm, cây chuối, cây ngô…, gia đình còn trồng thêm 3 sào cỏ voi để bổ sung thức ăn cho bò. Bên cạnh đó, những ngày rét sâu thì đốt lửa sưởi ấm, tuân thủ tiêm phòng định kỳ cho bò theo hướng dẫn của trạm thú y…
Ông Lương Văn Lý – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông cho biết, mùa rét năm nay, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp chống rét cho đàn vật nuôi, huyện cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền cho nông dân để hạn chế, tiến tới xóa bỏ các phương thức nuôi lạc hậu, nhất là nuôi thả tự do trâu bò trong rừng.
“Với sự chủ động tích cực của người dân và chính quyền địa phương trong phòng, chống đói rét cho đàn gia súc sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân. Góp phần duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Con Cuông”, ông Lý nói.