Ước mơ được say giấc nồng
Thấy chúng tôi đến nhà, ông Nguyễn Văn An (66 tuổi, cha anh Hùng) liền bảo: "Các con có chuyện gì thì qua bên quán hớt tóc của ông rồi nói, cho thằng con ông một chút yên tĩnh để nó tìm được giấc ngủ". Cuộc trò chuyện chỉ mới vài ba câu thì anh Hùng đã lọc cọc tay cầm gậy, tay cố bám víu vào tường nở nụ cười hiền hậu rồi từng bước tiến về phía chúng tôi.
Anh Hùng và em Trinh - hai mảnh đời bất hạnh trong gia đình
Với đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, anh Hùng cho biết anh là người con đầu trong gia đình có 7 người con của ông An. Từ nhỏ tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay anh đảm trách. Vì gia cảnh quá nghèo khổ lại phải lo cho các em nên mới mười mấy tuổi anh Hùng đã lặn lội xin đi làm phụ hồ thuê. Công việc nặng nhọc, tuy vất vả nhưng cũng đủ để anh Hùng lo cho gia đình trong những lúc khó khăn. Thế nhưng, số phận lại trớ trêu đối với những mảnh đời cơ hàn.
Năm anh Hùng 22 tuổi, căn bệnh quái ác đã xảy đến khiến đôi chân anh căng phồng những bọc mủ, không thể đi lại một cách bình thường được nữa. Lúc đầu anh cứ nghĩ là do đi làm phụ hồ nặng quá, đôi chân bị chai nên căng phồng lên, chắc một vài ngày sau sẽ tự khỏi. Thế nhưng, càng ngày chân anh càng đau nhức, nhiều lúc vấp phải cục đá mà nước mắt chảy dài.
“Nhìn vậy nhưng anh yếu lắm” Mỗi ngày dài 24 tiếng, nhưng anh Hùng chỉ ngủ được nhiều nhất là một tiếng đồng hồ, rất nhiều đêm anh thức trắng ngồi trông chờ tiếng gà gáy buổi sớm mai. Chính điều đó đã khiến cơ thể anh dần kiệt quệ, đôi mắt hõm sâu và thâm quầng lại. Anh Hùng cho hay: "Nhìn anh vậy chứ nói em không tin đâu, anh yếu lắm! Nhiều khi anh đang đứng mà mấy đứa nhỏ trong xóm đùa giỡn chạy đụng vào mình là cứ thế mà cả người đổ dài xuống đất, không thể trụ lại được". Cơ thể mệt mỏi nên mỗi bữa anh Hùng chỉ ăn được một bát cơm, nhiều lúc ngon miệng thì được nhiều hơn một chút. |
Nửa năm sau, anh Hùng không thể chịu đựng được nữa nên gia đình liền đưa anh vào bệnh viện đa khoa Hội An để điều trị. Tại đây, các bác sĩ kết luận anh bị u chai chân, tiến hành phẫu thuật 3 lần nhưng căn bệnh vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Sau đó anh được gia đình chuyển ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.
Sau một tháng kiểm tra và hồi phục sức khỏe, anh Hùng tiếp tục được phẫu thuật thêm một lần nữa nhưng rồi các khối u cũng không thể được lấy ra hoàn toàn. Mặc dù có bảo hiểm xã hội của hộ nghèo nhưng số tiền dành dụm ít ỏi trong nhà cũng không đủ nên đành "phó mặc cho trời". Bà Ngô Thị Được (64 tuổi, mẹ anh Hùng) chia sẻ: "Giờ hai bàn chân của nó không còn sức lực nữa. Bên ngoài thì chai sạm thành từng mảng nhưng bên trong thì đầy mọng mủ. Mới hai mấy tuổi đầu mà đã phải chịu cảnh bệnh tật này, chỉ mong cái thân già này có thể chịu đựng thay cho nó".
Cũng từ đó, căn bệnh mất ngủ cũng "theo chân" tìm đến với anh Hùng. Suốt 20 năm qua, anh chưa bao giờ được một giấc ngon tới sáng, bởi cứ đặt lưng xuống thì đôi mắt lại mở to, không tài nào ngủ được. Chị Phạm Thị Ánh (42 tuổi), vợ anh tâm sự: "Nhiều đêm thấy anh ngồi tựa đầu vào cột chờ trời sáng mà lòng tôi đau như dao cắt. Thương anh, nhiều lúc tôi cũng cố thức không ngủ để cùng trò chuyện nhưng anh lại bảo, anh đã làm khổ tôi quá nhiều, tất cả mọi việc trong nhà đều gánh nặng trên đôi vai tôi. Anh muốn tôi có một giấc ngủ thật ngon để còn có sức khỏe mà làm việc vì anh biết rằng ngoài việc cầu mong cho tôi luôn khỏe mạnh thì anh không còn làm được gì nữa!".
Căn nhà tình thương do hội Liên hiệp phụ nữ tặng, là nơi trú ngụ của cả gia đình
Xót xa gia cảnh nghèo
Mong được làm rõ nguyên nhân "bệnh lạ" Ông Nguyễn Nhì, tổ trưởng tổ dân phố số 10A cho biết: "Chị Ánh là một người vợ tuyệt vời khi một thân một mình gồng gánh, chèo lái cả gia đình vượt qua những lúc khó khăn và vất vả nhất. Khổ nhất vẫn là anh Hùng, khi đã gần 20 năm không ngủ được một giấc ngon lành, khiến cơ thể gầy ốm theo thời gian. Tổ đã có những đề xuất lên trên để xin sự hỗ trợ đến gia đình và mong sao có một tổ chức y tế nào đó tìm hiểu nguyên nhân để giúp anh điều trị dứt điểm căn bệnh u chai chân và mất ngủ kỳ lạ này". |
Khi còn khỏe mạnh, một mình anh Hùng đi làm cũng đủ để lo cái ăn cái mặc cho gia đình bé nhỏ của mình. Thế nhưng từ ngày anh mắc bệnh mọi chi phí trang trải trong gia đình đều phụ thuộc vào chị Ánh. Để có tiền bươn chải lo cho gia đình và thuốc thang chạy chữa cho anh, chị Ánh đã phải làm đủ thứ nghề từ việc nhẹ cho đến việc nặng như bưng bê bốc vác. Khép nép bên anh Hùng, chị Ánh nói: "Mặc dù số phận thật oan trái đối với anh nhưng tôi vẫn không bao giờ bỏ cuộc. Ai kêu gì tôi làm nấy, nhiều lúc phải đi đò ra tận phố cổ Hội An để làm thuê ỏ chợ nhưng tôi vẫn không từ chối. Dù có cực khổ mấy chăng nữa tôi cũng sẽ giúp anh tìm lại giấc ngủ của mình".
Làm lụng cả ngày nhưng đồng tiền kiếm được chẳng là bao, thu nhập một ngày của chị Ánh không quá 50 ngàn đồng. Nhiều khi làm việc quá sức, chị Ánh kiệt quệ, có lúc sốt li bì cả hai ngày trời. "Trời vào đông là lúc anh tự dằn vặt mình nhất. Khi trời còn chưa sáng hẳn, nhìn cô ấy lúc nào cũng chỉ với tấm áo mỏng manh che thân, đầu đội nón ra chợ làm thuê mà anh chỉ biết nín lặng nhìn theo. Có lẽ, điều may mắn nhất trong cuộc đời anh chính là cưới được cô ấy làm vợ", anh Hùng tâm sự.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi anh Hùng mắc chứng bệnh quái ác thì đứa con gái đầu lòng của anh cũng không may mắc phải bệnh đao bẩm sinh. Em tên là Nguyễn Thị Cẩm Trinh, năm nay đã 20 tuổi nhưng thần trí không được tỉnh táo như bao người khác. Chị Ánh kể, lúc đầu em Trinh sinh ra đã nhỏ hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Bác sĩ khám bảo rằng em bị suy dinh dưỡng nặng nên dù đã 18 tháng tuổi nhưng Trinh chỉ mới cao được khoảng 30cm. Gia đình tạm gác việc điều trị cho anh Hùng lại để dành dụm tiền của đưa em Trinh đi chữa bệnh.
Một thời gian sau, em đã khỏi và phát triển bình thường nhưng bệnh Đao vẫn cứ như vậy. Suốt ngày ngơ ngơ ngáo ngáo, gặp ai cũng cười, mọi việc ăn uống, sinh hoạt đều nhờ ông bà nội phụ giúp. Em gái của Trinh là Nguyễn Thị Cẩm Tiên (18 tuổi) may mắn hơn khi sinh ra được khỏe mạnh. Song ước mơ của em lại bị cái nghèo trói buộc. Từ nhỏ em đã không có được điều kiện để nuôi ước mơ ăn học thành tài của mình.
Chị Ánh nói: "Cháu hay nói với tôi rằng ước mơ của nó là được thi đỗ vào đại học Đà Nẵng để thay đổi cuộc đời. Nhưng có lẽ nó hiểu được hoàn cảnh gia đình nên khi bắt đầu lên cấp 3, Tiên đã tự đi làm thêm để kiếm tiền chi phí cho bản thân". Và rồi học chưa hết năm lớp 10, Tiên đã xin phép ba mẹ được nghỉ học vào Hội An học việc. Hiện nay, Tiên là nhân viên bán hàng trong một shop áo quần ở phố cổ. Những lúc rãnh rỗi em lại theo đò vượt sông về thăm gia đình và mang theo tiền lương em chắt chiu được về phụ mẹ lo thuốc thang cho cha và chị.
Gia đình anh được chính quyền địa phương xếp vào danh sách hộ nghèo của xã. Anh nhận được 180.000 đồng/tháng và em Trinh được 280.000 đồng/tháng. Số tiền đó cộng với số tiền làm thuê ít ỏi của chị Ánh quả thật quá eo hẹp để lo miếng ăn trong gia đình.
Ông Nguyễn Nhì, tổ trưởng tổ dân phố số 10A cho biết: "Gia đình anh Hùng trong tổ thuộc diện khó khăn nhất, kinh tế đồng ra thì nhiều chứ đồng vào thì ít. Cũng may trước đây được Hội Liên hiệp Phụ nữ tặng cho căn nhà tình thương, nhờ đó mà có chỗ che mưa che nắng. Cháu Trinh mặc dù bị thế nhưng trong xóm lại rất ngoan, không hề quậy phá, gặp ai cũng cười và thưa gửi, lễ phép lắm”.
Du Ngoạn