Theo trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong (CHP), một người đàn ông 57 tuổi, sống tại Hong Kong (Trung Quốc) đã phải nhập viện sau khi tiêu thụ một lượng lớn hạt bạch quả hôm 13/5.
Những hạt bạch quả này là món quà bệnh nhân nhận từ một người họ hàng gửi từ Trung Quốc đại lục.
Hai tiếng rưỡi sau khi ăn súp hạt bạch quả, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bao gồm chóng mặt, buồn nôn. Sau đó, người đàn ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán là ngộ độc. Hiện, sức khoẻ của người này đã ổn định, nhưng vẫn phải nằm viện để theo dõi.
Hạt bạch quả (hạt gingko hay ngân hạnh) là một loại hạt rất được yêu thích ở châu Á. Có vị giòn, ngọt, lại giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn, hạt bạch quả được nhiều người lựa chọn dùng hàng ngày, nhất là người lớn tuổi với mục đích "bổ não".
Loại hạt này cũng được liệt vào danh sách những loại hạt mang vị thuốc được dùng trong các món ăn có công dụng chữa bệnh và "tẩm bổ". Tuy nhiên, đây không phải là loại hạt ăn bao nhiêu cũng được, nếu ăn quá liều lượng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Người phát ngôn của CHP cho biết: “Đã có báo cáo rằng việc ăn 10-50 hạt bạch quả đã nấu chín cùng một lúc có thể gây ngộ độc cấp tính ở người”.
Trung tâm này chia sẻ thêm rằng hạt bạch quả có chứa chất độc chủ yếu gây ngộ độc thần kinh. Ngộ độc hạt bạch quả thường biểu hiện các triệu chứng như nôn mửa, khó chịu, co giật hoặc co thắt đại tràng trong 1-12 giờ sau khi ăn phải. Trẻ em, người lớn tuổi và những người có sức khỏe kém có khả năng ngộ độc cao hơn. Do đó, người tiêu dùng cần theo dõi liều lượng khi sử dụng bạch quả.
Không chỉ gây ngộ độc cấp tính, sử dụng hạt bạch quả không đúng cách có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Ảnh hưởng đường (glucose) máu: Ăn hạt bạch quả có thể làm giảm lượng đường trong máu. Cần thận trọng ở những người bị bệnh đái tháo đường hay hạ đường huyết và ở những người dùng thuốc, thảo dược, chất bổ sung có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
- Ảnh hưởng huyết áp: Dùng hạt bạch quả có thể gây huyết áp cao hơn hoặc thấp hơn. Vì vậy, những người đang dùng thuốc liên quan đến huyết áp cần hết sức chú ý.
- Ảnh hưởng đến nội tiết: Ăn hạt bạch quả cũng khiến nồng độ insulin thay đổi, làm ảnh hưởng lên điều trị bệnh đái tháo đường.
- Tác động đến hệ tiêu hóa: Các triệu chứng như co thắt cơ vòng hậu môn, viêm hậu môn và trực tràng, nóng rát hậu môn, táo bón, tiêu chảy, thay đổi vị giác, khô miệng, đau dạ dày hoặc kích thích dạ dày, tăng sự thèm ăn, rối loạn đường tiêu hóa nhẹ, viêm miệng hoặc môi, đau bụng, nôn mửa... có thể xảy ra khi ăn nhiều hạt bạch quả.
- Tác động đến thần kinh: Thay đổi hành vi, nhức đầu, hưng cảm nhẹ, bồn chồn, đổ mồ hôi, căng thẳng, đánh trống ngực, bồn chồn, buồn bã, buồn ngủ... có thể xảy ra.
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh ăn các loại hạt bạch quả vì nó có thể dẫn đến sinh sớm hoặc chảy nhiều máu trong khi sinh.
CHP kêu gọi người dân hạn chế ăn hạt bạch quả và đặc biệt không ăn sống. Trung tâm bảo vệ sức khoẻ Hong Kong nhấn mạnh rằng nếu phát hiện các triệu chứng ngộ độc, người tiêu dùng nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Minh Hoa (t/h)