Đề xuất khiến nhiều người bật cười
Mỗi người sẽ có những cách thức đóng góp khác nhau trong việc ngăn chặn dịch bệnh covid-19 hoành hành. Điều này có lẽ không ngoại lệ đối với cả những thành phần bị coi là tội phạm.
Mới đây, Martin Shkreli – Cựu CEO của hãng dược phẩm nổi tiếng Turing Pharmaceuticals (Mỹ) – người đang thụ án 7 năm tù vì tội lừa đảo - đã đề nghị được đặc cách ra ngoài để nghiên cứu phương pháp điều trị loại virus corona mới. Yêu cầu của Shkreli được đưa ra trong một tài liệu nghiên cứu được đăng tải bởi Prospero Cosmetics, một công ty dược phẩm do Shkreli đồng sáng lập vào năm 2015. Trong đề xuất của mình, Shkreli muốn rời khỏi nhà tù liên bang ở Allenwood, trong vòng ba tháng.
"Là một doanh nhân về dược phẩm sinh học thành công, đã mua nhiều công ty, phát minh ra nhiều loại thuốc mới và các ứng dụng thử nghiệm lâm sàng, tôi là một trong số ít giám đốc điều hành có kinh nghiệm về phát triển thuốc từ việc tạo ra phân tử, tạo giả thuyết, đánh giá tiền lâm sàng, thiết kế thử nghiệm lâm sàng, sản xuất và triển khai thuốc trên toàn cầu”, Shkreli viết.
Shkreli đánh giá phản ứng của ngành công nghiệp dược phẩm đối với dịch bệnh covid-19 lúc này là không đủ. Shkreli không giải thích cụ thể tại sao việc bản thân được ra ngoài lúc này là điều quan trọng mà chỉ khẳng định rằng việc anh ta tham gia vào quá trình tìm kiếm một phương pháp điều trị là điều rất cần thiết.
Tự gọi mình là “nhà khoa học quốc dân”, cựu CEO tai tiếng nhấn mạnh, nghiên cứu của mình là vì nhân loại chứ không vì mục đích cá nhân, đồng thời sẽ không hướng đến lợi nhuận bằng mọi cách, mà sẽ tùy thuộc vào Chính phủ có thể xem xét khen thưởng bằng hình thức nào đó.
Benjamin Brafman, luật sư của Shkreli, nói với Newsweek rằng ông dự định sẽ chính thức yêu cầu trả tự do sớm cho thân chủ của mình. "Ông Shkreli đã chuẩn bị một đề xuất nghiên cứu về virus corona, nó có thể giúp các nhà khoa học và bác sĩ hiểu rõ hơn về cách đối phó với dịch bệnh đang giết chết rất nhiều người. Chúng tôi sẽ yêu cầu một kỳ hạn ba tháng để anh ấy có thể thực hiện nghiên cứu của mình trong phòng thí nghiệm dưới sự giám sát chặt chẽ", ông nói.
Thậm chí, luật sư của Shkreli còn ca ngợi thân chủ mình một khi được sự “toàn tâm toàn ý trong phòng thí nghiệm, có thể tìm cách chữa được cả ung thư”, một tuyên bố khiến không ít người bật cười.
Kẻ trục lợi trên người bệnh nghèo
Bất chấp lời đề nghị nghe có vẻ “xả thân” vì nhân loại, nước Mỹ dường như không mấy ai quan tâm đến Martin Shkreli, thậm chí là ngán ngẩm, bởi vốn dĩ nhân vật này trong mắt công chúng không phải là 1 nhà khoa học mà chỉ là một kẻ lừa đảo và vô đạo đức.
Sinh ngày 17/3/1983, doanh nhân có gương mặt trẻ thơ này gây sự chú ý lần đầu tiên vào năm 2015, khi công ty Turing Pharmaceuticals mua lại loại thuốc có tên Daraprim, được cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép vào năm 1953.
Đây là loại thuốc được sử dụng cho các bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, một loại bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm như mù, tổn hại thần kinh nghiêm trọng hoặc tử vong. Quá trình điều trị Toxoplasma bình thường kéo dài trong vòng 6 tuần, với 2 viên thuốc mỗi ngày, tổng cộng chi phí cho mỗi bệnh nhân rơi vào khoảng 1.130 USD.
Tuy nhiên, sau khi nắm trong tay loại thuốc mới, công ty của Shkreli đã tăng giá từ 13,5 USD mỗi viên thuốc lên mức “cắt cổ” 750 USD, tăng hơn 55 lần, đưa tổng chi phí điều trị bệnh lên tới 63.000 USD. Căn bệnh này cũng là một nguy cơ đối với những người nhiễm HIV, với chi phí hàng năm có thể lên tới 634.000 USD.
Đó không phải là quyết định đầu tiên của Shkreli bị chỉ trích trong lĩnh vực này. Cựu CEO của Turing còn tiếp tục động thái tăng giá tương tự vào năm 2014, khi công ty cũ có tên Retrophin được quyền sản xuất đối với một loại thuốc có tên là Thiola. Đây là loại thuốc được sử dụng để kiểm soát tình trạng sỏi thận ở những người mắc bệnh.
Retrophin đã tăng giá từ 1,50 USD mỗi viên lên hơn 30 USD, tăng chi phí điều trị hàng năm từ khoảng 2.700 USD lên 54.750 USD. Như một bác sĩ tiết niệu hàng đầu từng nói vào thời điểm đó, cách kinh doanh của Shkreli chỉ đơn giản là nắm quyền sản xuất loại thuốc cũ, không làm mới gì cả và tăng giá một cách không thể chấp nhận.
Kể từ đó trở đi, từ “schadenfreude”, có nghĩa là “Trục lợi trên sự bất hạnh của người khác”, trong từ điển đã được gắn kèm với chân dung Martin Shkreli như một ví dụ minh họa không thể phù hợp hơn, tờ Los Angeles Times so sánh.
Mô hình kinh doanh vô đạo đức của Shkreli và sự kiêu ngạo kệch cỡm của người đàn ông này đã tạo nên biệt danh “người đàn ông bị ghét nhất nước Mỹ”. Không những vậy, Shkreli còn bị ghét thêm vì có những phát biểu gây tranh cãi trên Twitter, cũng như bị tố cáo quấy rối một nữ nhà báo.
Shkreli không bị trừng phạt vì hành vi tăng giá thuốc của mình. Thay vào đó, người đàn ông này bị kết án lừa đảo các nhà đầu tư bằng cách phát hành báo cáo tài chính sai lệch và cố gắng thao túng thị trường cho cổ phiếu Retrophin hồi năm 2017.
Cho đến lúc này, Shkreli đã tận hưởng “kỳ nghỉ” ở nhà tù Allenwood, Pennsylvania trong 2 năm. Truyền thông Mỹ mô tả, với bản tính lừa lọc của mình, không ngạc nhiên khi Shkreli đang cố gắng tìm lối thoát mới cho mình một cách tuyệt vọng. Sẽ thật nực cười khi các bác sĩ và giới khoa học của một quốc gia phải trông chờ một tên tội phạm được thả ra để ngăn chặn sự lây lan của covid-19.