Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện vừa thực hiện ca nội soi khí quản-thanh quản và loại bỏ thành công 1 con tắc te (đỉa suối) dài hơn 8cm ở phía dưới thanh quản-khí quản của bệnh nhân D.V.S.(SN 1988, thường trú tại Yên Lâm, Hàm Yên, Tuyên Quang).
Trước đó khoảng 1 tháng, trong khi làm nương anh S. có rửa mặt và uống nước ở khe suối gần nhà. Sau một thời gian về thấy bị ho, khạc ra máu kèm khó thở nên đã đến bệnh viện Hàm Yên khám bệnh, sau đó anh tiếp tục được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Là người trực tiếp nội soi gắp con đỉa cho bệnh nhân, ThS.BS. Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho biết, anh S. được gây mê, sau đó thực hiện nội soi khí quản, gây mê hồi sức. Khi nội soi quan sát bộc lộ thanh quản thấy dị vật dưới hạ thanh môn, phần trên khí quản, các bác sĩ đã tiến hành gắp ra dị vật là 1 con đỉa suối.
Theo bác sĩ Khoa, đỉa suối là vật sống có thể di chuyển từ mũi, miệng xuống thanh quản- khí quản của người bệnh trở thành dị vật. Đỉa sống trong đường thở của người bệnh trong thời gian dài, có thể di chuyển lên trên thanh quản hoặc xuống dưới khí phế quản, gây ra các triệu chứng ho theo cơn, khàn giọng, khạc nhổ ra máu, khó thở. Tại vị trí con vật hút bám, gây ra chảy máu kéo dài, khó đông máu nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều nhưng tình trạng đỉa, vắt ký sinh trong người vẫn liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân là do thói quen dùng nước trong các khe suối khi đi rừng của nhiều người.
Đáng sợ là khi con đỉa, con vắt mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thì kích thước nhỏ, nhưng sau chúng hút máu và phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn.
Triệu chứng chảy máu được phát hiện dưới các hình thức ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu. Chỗ đỉa bám hút máu có những triệu chứng như tăng áp lực, khó chịu, đau, thần kinh bị kích thích bắt nguồn từ nơi bị ký sinh, rối loạn chức năng cơ quan bị đỉa ký sinh, bội nhiễm vi khuẩn gây viêm nơi đỉa bám hút máu, gây ổ áp xe dưới niêm mạc.
Nếu bị chảy máu kéo dài bệnh nhân sẽ bị thiếu máu. Nếu không được khám và xử lý kịp thời, con đỉa ngày càng to gây nghẽn khí quản, suy hô hấp… để lâu có thể dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia, khi bị đỉa xâm nhập vào các hốc tự nhiên trên cơ thể, nên súc miệng bằng nước muối nồng độ cao hoặc hít vào chất có mùi cay, mùi hăng.
Nếu đỉa bám ở vùng nông, bác sĩ có thể dùng ống soi để gắp ra; nếu bám sâu, phải gây tê và dùng đồ chuyên dụng; nếu ở quá sâu phải mổ để lấy đỉa. Nếu đỉa chui vào đường sinh dục, dùng nước muối đậm đặc để ngâm hoặc bơm vào cũng có thể làm cho đỉa chết, hoặc đỉa tự chui ra.
Minh Hoa (t/h)