Từ họa sĩ tự do đến … nghề xé quần jean
Khoảng thời gian trước đây, quần jean rách là một “mốt” rất được giới trẻ ưa chuộng.
Tại Tp.HCM có một người đã làm công việc tạo ra những vết rách trên quần jean suốt 30 năm qua, trước cả khi quần jean rách trở thành xu hướng thời trang. Người “nghệ sĩ” ấy là ông Trương Tấn Viễn, 58 tuổi hiện ngụ tại quận Bình Tân, Tp.HCM.
Gian hàng của ông Viễn là một góc vỉa hè khiêm tốn trên con đường Hồ Xuân Hương (quận 3, Tp.HCM) với chiếc ghế ngồi và sào đồ treo những chiếc quần jean xé sẵn cùng các đồ thủ công bán cho khách.
Mỗi sáng ông sẽ nhận đồ của khách tại nhà (quận Bình Tân, Tp.HCM), đến 15h ông Viễn bày biện gian hàng và buôn bán cho tới khoảng 18h thì nghỉ.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, ông Viễn cho biết: “Đúng ra hồi trước mình làm hoạ sĩ nhưng không đủ sống nên mới tìm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Lúc ấy bắt đầu mình mới kinh doanh quần jean, trước đây khu này bán quần jean nhiều lắm.
Thời đó những chiếc quần jean xé rách là chỉ nghệ sĩ hoặc những người cá tính mới mặc thôi. Mình thấy vậy đem quần kinh doanh xé thử, rồi cứ vậy dần dần có người tìm tới yêu cầu xé cho họ. Công việc xé quần trở thành một cái nghề lúc nào không hay”.
Ông Viễn cho biết thêm, ông gắn bó với nghề xé quần vì ông nhận thấy được xé quần cũng như một bộ môn nghệ thuật.
Làm nghề này đối với ông Viễn có đam mê là chưa đủ, mà cần đến cả mắt thẩm mỹ và sự khéo tay cúa người nghệ nhân mới có thể tạo ra được những mảng rách đầy phá cách. Ông Viễn xuất thân từ hoạ sĩ, lại có đam mê nghệ thuật nên luôn tìm tòi sáng tạo nên những mảng rách độc đáo.
Ông Viễn hiện đang hài lòng với cuộc sống của bản thân. Hai người con của ông đã trưởng thành và đi làm, ông Viễn cũng có nguồn thu nhập đủ sống từ việc bán quần jean, các đồ thủ công và xé quần cho khách.
“Nói đúng ra thì nghề xé quần không đủ sống, mình phải kết hợp kinh doanh quần nữa. Hai cái bổ trợ cho nhau thì hồi trước mới nuôi được gia đình", ông Viễn giải thích.
Thời thế thay đổi mọi người có thể dễ dàng tìm mua những chiếc quần jean rách công nghiệp nhưng bản thân người làm thủ công như ông Viễn không hề lo lắng.
Bởi, đồ công nghiệp thì ai cũng dễ dàng sở hữu còn đồ thủ công thì số lượng giới hạn và độc nhất. “Công nghiệp thì dành cho nhiều người, còn đồ thủ công chỉ dành cho một người thôi”, ông Viễn cho biết.
Nghề xé quần cũng lắm công phu
Nghe xé quần có vẻ đơn giản nhưng khi chính mắt xem ông Viễn thực hiện, chúng tôi mới thấy không hề dễ chút nào, mà cần sự khéo tay và óc thẩm mỹ nữa.
Mỗi mảng rách như theo ông Viễn là khoảng 7- 10 phân vuông. Mảng rách của ông cũng rất đa dạng không lặp nhau, có khi là hình con thằn lằn đôi lúc lại là chiếc xe đạp, tuỳ theo yêu cầu và cá tính của khách chiếc quần sẽ lại càng độc đáo hơn.
Ông rất niềm nở chia sẻ với PV Người Đưa Tin về quy trình để làm ra một mảng rách.
Đôi tay vừa thoăn thoắt làm việc ông Viễn vừa chỉ dẫn cẩn thận: “Đầu tiên mình rọc nhẹ để những sợi chỉ đứt ra, mũi dao phải đặt thẳng với lực vừa phải như khi quét nhà. Khi những sợi chỉ ngang đã được cắt đứt thì mình nhẹ nhàng tước (xé) ra".
Mảng rách khi được xé xong sẽ có những sợi chỉ đứt thừa ra và theo ông như vậy mới tự nhiên và “bụi”, nhưng chỉ cho phép đứt ít. Cuối cùng, ông Viễn điêu luyện cạo đi phần vải bên trên và thế là mảng rách hoàn thành.
Một chiếc quần ông làm trong khoảng từ 45 phút – 1 tiếng, tuỳ vào yêu cầu của khách.
Mỗi mảng rách như vậy ông Viễn lấy 20.000 đồng, những mảng nhỏ ông không lấy tiền. Mỗi ngày ông làm được khoảng 7-8 chiếc quần jean. Những chiếc quần jean cũ khi qua tay ông bỗng trở nên mới lạ và độc đáo khiến khách hàng thích thú như có thêm một chiếc quần mới.
Bên cạnh xé quần và bán quần jean, ông Viễn còn tái chế quần cũ trở thành túi đeo, ví. Mới đây ông cho ra mắt đôi giày jean thủ công với giá 500.000 đồng. Dường như càng gắn bó lâu với nghề thì sức sáng tạo của ông Viễn càng dồi dào hơn bất chấp cả tuổi tác.
Khi được hỏi về dự định mở rộng kinh doanh trong tương lai, ông Viễn cho biết: “Bây giờ muốn mở rộng thì cần phải có nhiều người vì mình làm thủ công, ví dụ ai muốn học thì mình sẵn sàng truyền nghề cho họ”.
Tuy vậy, giới trẻ hiện nay không mấy mặn với nghề này. Ông Viễn cho hay, sẽ gắn bó với “cửa tiệm” của mình cho tới khi không thể làm được nữa mới thôi.
Quốc Lâm - Thu Hiền