Không khuất phục trước cái nghèo
Tìm đến xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi, mặc dù lượng dân cư ở đây khá đông nhưng người dân, ai cũng tường tận về gia đình ông Dương Công Xướng (SN 1940) và bà Đặng Thị Tấn (SN 1946). Trao đổi với PV, nhiều người tỏ ra khâm phục và ái mộ tinh thần hiếu học của 10 người con trong gia đình ông. Đồng thời, họ cũng cảm phục sự hy sinh của vợ chồng ông Xướng nuôi 10 người con ăn học đến nơi đến chốn chỉ bằng nghề cắt tóc dạo. Họ sống hạnh phúc và vui vẻ bằng những bữa cơm từ thiện của nhà chùa và ở ngay trên đất của chùa.
Vợ chồng ông Xướng dự lễ tốt nghiệp của con gái út (Ảnh Thơ Trịnh)
Để hiểu rõ hơn những câu chuyện về gia đình ông Xướng, PV tìm đến địa bàn ấp Chánh Đông (xã Tiên Thủy). Trong căn nhà vắng vẻ, chỉ có hai vợ chồng ông Xướng lủi thủi, cô quạnh bởi cả 10 người con của ông bà đều đã ra trường và lập nghiệp trên TP.HCM. Trao đổi với PV, bà Tấn nhớ lại chặng đường đầy gian nan của gia đình: "Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Sau đó, đi làm ăn và lập gia đình cùng ông Xướng từ lúc còn rất trẻ. Từ mảnh đất miền Trung nắng gió, tôi mang nhiều bỡ ngỡ khi về sống cùng chồng ở quê hương miệt vườn. Cuộc sống của vợ chồng tôi vốn đã rất nghèo lại càng khó khăn hơn khi 10 đứa con (bảy trai, ba gái) lần lượt chào đời".
Bà Tấn cho biết thêm: "Cuộc sống của cả gia đình càng cùng quẫn hơn khi chẳng có một mái nhà để ở. Để có chỗ tránh mưa, tránh nắng cho các con, vợ chồng tôi vào chùa xin các nhà sư cho mượn đất dựng túp lều bằng lá. Mùa mưa bão, không có chỗ ngủ nên cả gia đình tôi dắt díu nhau vào chùa ở. Cứ như thế, các con tôi lớn lên chủ yếu là nhờ vào những bữa cơm từ thiện và mái ấm của nhà chùa. Dù nghèo nhưng cuộc sống của gia đình chúng tôi lúc nào cũng đầm ấm và không ngớt tiếng cười trẻ thơ. Vì không có vườn ruộng nên vợ chồng tôi phải đi khắp nơi làm thuê kiếm tiền mua gạo cho các con ăn. Thế nhưng, cuộc sống của cả gia đình còn vất vả hơn khi các con tới tuổi đến trường".
Đại gia đình nhà ông Xướng sum vầy bên nhau (Ảnh Thơ Trịnh)
Trao đổi với PV, ông Xướng chia sẻ: "Mặc dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng động viên các con học tập và không cho phép bất kỳ ai đứt gánh việc học của mình giữa đường. Rất may các con của tôi, đứa nào cũng ngoan hiền và chăm chỉ học tập. Hàng tuần, tôi đều cho họp cả gia đình lại để kiểm điểm những vi phạm của các con. Từ đó hướng dẫn các cháu sửa chữa và dần khắc phục những yếu kém của mình và phát huy những thế mạnh của bản thân. Quy tắc này vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ dù cho các cháu đã lập gia đình. Ngày cậu con trai lớn của vợ chồng tôi là cháu Dương Bảo Toàn (SN 1967) nhận được tin đỗ vào trường đại học Y khoa khiến vợ chồng tôi bật khóc vỡ òa vì hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy khó diễn tả thành lời và không gì có thể đổi lại được. Đó cũng chính là những món quà quý giá nhất mà các con dành cho chúng tôi".
Bà Tấn hạnh phúc cầm trên tay những tấm bằng khen của gia đình (Ảnh Thơ Trịnh)
Dạy bảy con trai cắt tóc dạo kiếm tiền ăn học
Chia sẻ về chặng đường đến với cổng trường đại học của các con, ông Xướng cho hay: "Những chi phí cho các con đi học chỉ còn biết nhìn vào những đồng tiền lẻ nhờ nghề cắt tóc dạo của tôi. Lúc đầu, tôi đi cắt tóc để đổi gạo ăn, trung bình cắt một cái đầu cũng kiếm được 1 lít (gần 1kg - PV) gạo. Sau này, có những thời điểm mỗi lần cắt tóc dạo cho một người, tôi chỉ kiếm được 1.500 đồng. Cuộc sống của cả gia đình cứ lay lắt trôi qua bằng nghề tóc dạo". Nói đến cái duyên với nghề cắt tóc dạo, ông Xướng cho biết: "Năm 1969, tôi bị bắt đi quân dịch. Trong thời gian tập huấn tại quân trường, tôi được phân công cắt tóc cho quân lính. Trở về từ chiến trường, tôi tiếp tục hành nghề cắt tóc dạo ở nhiều nơi để nuôi sống cả gia đình".
Tấm bằng khen hiếu học của gia đình ông Xướng (Ảnh Thơ Trịnh)
Ông Xướng nói trong tiếng cười: "Khi bảy cậu con trai tôi lần lượt lớn lên, tôi đều dạy cho các cháu nghề hớt tóc dạo vào mỗi mùa hè. Điều đáng nói là các cháu học rất nhanh, thậm chí có cháu còn cắt đẹp hơn cả ba. Đó cũng chính là tài sản duy nhất mà tôi có thể tự tay hành trang cho các cháu chuẩn bị bước vào đời, phần nào giúp các cháu tự lo cho bản thân mình. Khi cậu con trai lớn vào đại học, tôi đã chở đồ nghề lên cho cháu đi hớt tóc, tự kiếm tiền ăn học. Là con trai lớn trong nhà, Toàn sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Sau những giờ học ở trường, cháu Toàn lại xách chiếc xe đạp cũ đi khắp nơi để hớt tóc dạo cho người dân Sài Gòn. Cứ như thế, cháu không chỉ kiếm được tiền trang trải việc học tập cho bản thân mà còn tiết kiệm để gửi tiền về cho cha mẹ nuôi các em".
Tinh thần hiếu học của những đứa con ngoan trong gia đình ông Xướng khiến bà con lối xóm phải trầm trồ khen ngợi. Bà Nguyễn Thu Hương (ngụ tại xã Tiên Thủy, Châu Thành, Bến Tre) cho hay: "Nhìn các con của vợ chồng ông Xướng thành đạt mà nhiều người dân ở đây không khỏi "ghen tỵ" và nể phục. Mặc dù sống trong đói nghèo nhưng họ chưa một lần bỏ cuộc mà còn không ngừng vực dậy những khó khăn. Chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào bở có một gia đình hiếu học như thế. Họ đã làm được những điều mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Trong đó, đặc biệt chúng tôi rất khâm phục sự hy sinh của vợ chồng ông Xướng dành cho các con của mình".
Nghèo nhưng hiếu học Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Bon (Bí thư Chi bộ ấp Chánh Đông, xã Tiên Thủy, Châu Thành, Bến Tre) cho biết: "Trước đây, gia đình ông Xướng rất nghèo. Cả gia đình phải vào chùa ăn cơm từ thiện và mượn đất chùa để ở. Điều đáng nói là 10 người con của vợ chồng ông Xướng đều hiếu học có tiếng ở vùng này. Bản thân ông Xướng phải đi cắt tóc dạo nhiều năm để nuôi các con ăn học. Cho đến bây giờ, mặc dù các con ông, ai cũng thành tài nhưng vợ chồng ông Xướng vẫn tá túc trên đất của nhà chùa". |
Thơ Trịnh