Ông là người có công trong việc tận dụng những phương pháp nhà binh và một số thủ thuật riêng để dẫn dụ khỉ ra khỏi rừng về sống gần gũi, thân thiện với con người.
Dụ khỉ bằng phương pháp nhà binh
Chúng tôi có dịp đến "đảo khỉ" nằm trong rừng phòng hộ Cần Giờ được tiếp xúc với những chú khỉ dạn dĩ, gần gũi với con người. Tuy nhiên, để có được những chú khỉ ngồi ở ghế đá, trèo lên cây, đi dưới đất vắt vẻo chân tạo dáng cho khách tham quan chụp hình và quây quần theo chân người để xin ăn là cả một quá trình huấn luyện và thuần dưỡng của đội ngũ ban quản lí Lâm viên Cần Giờ (nay là ban quản lí rừng phòng hộ Cần Giờ). Người có công tiên phong trong việc này chính là ông Vương Đình Bơ và hai cộng sự Nguyễn Văn Tuấn và Đặng Văn Đức.
Đảo khỉ ở rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh Quyên Triệu
Nhìn những chú khỉ vui chơi nhảy múa dưới những gốc cây đước, ông Vương Đình Bơ kể lại duyên số khi gắn bó với khu rừng ngập mặn Cần Giờ. Ông Bơ sinh ra tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Năm 1979, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Một năm sau, ông Bơ theo học ở trường Sĩ quan Biên phòng. Ngay khi vừa ra trường, ông được cử vào Nam công tác và gắn bó với con người và mảnh đất phương Nam từ đó. Năm 1993, ông quyết định chọn Cần Giờ làm quê hương thứ hai của mình. Những năm đầu tiên về rừng phòng hộ Cần Giờ, ông được phân công về đóng tại đồn Biên phòng Lí Nhơn cùng với đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ khu rừng ngập mặn rộng lớn.
Ngày mới về Cần Giờ, nơi đây là vùng đất chết bởi sự tàn phá của bom đạn và chất độc hóa học do quân Mỹ để lại. Ông Vương Đình Bơ kể lại: "Khi đó, cả vùng Lí Nhơn chỉ còn lại được vài bụi cây mắm, vài con khỉ đang cố bám víu mảnh đất chết để tồn tại. Nhờ sức sống mãnh liệt của cây đước, cây mắm, công sức của các bộ biên phòng và người dân đã hồi sinh lại những cánh rừng đước xanh bạt ngàn. Rừng trở nên tươi tốt xanh rì, loài khỉ theo tiếng gọi của rừng cũng lũ lượt kéo nhau về sinh sống đông đúc".
"Ban đầu nói rừng này có khỉ chẳng ai tin, vì rừng chẳng có dấu vết nào nói lên sự xuất hiện của loài khỉ. Nhưng mỗi khi tôi vào rừng tuần tra thấy vỏ trái cây bị vứt ra ngoài đường đi, người dân đi trồng rừng mang theo thức ăn treo trên cây bị trộm cơm, phần còn dư bị vứt tứ tung, thậm chí có người bị chọc ghẹo. Với kinh nghiệm của người lính biên phòng, tôi linh cảm nơi đây có dấu chân của loài khỉ. Tôi bèn nảy ra sáng kiến mỗi khi vào rừng mang theo trái cây vứt ở dọc đường đi. Hôm sau kiểm tra thấy trái cây bị ăn hết, bên những vũng bùn có dấu chân của khỉ để lại. Thậm chí, khỉ ngửi thấy mùi trái cây ở gần đồn Biên phòng nên tự tìm đến. Lúc đó, anh em mới tin rừng ngập mặn có khỉ sinh sống. Điều đó được khẳng định một lần nữa khi cán bộ kiểm lâm Lâm viên đi kiểm tra rừng phòng hộ tình cờ quay được những chú khỉ đang tìm thức ăn ở gần đồn Biên phòng Lí Nhơn nên đã gửi hình ảnh về thành ủy TP.HCM".
Kể từ giây phút đó, loài khỉ ở Cần Giờ được bảo vệ. Ông Bơ được ban quản lí giao nhiệm vụ phải lấy thức ăn cho bầy khỉ ăn. Từ khi có bầy khỉ, cuộc sống của những người chiến sĩ biên phòng Lí Nhơn cũng bớt buồn tẻ hơn. Chốt biên phòng của ông Bơ hàng ngày có lũ khỉ quây quần, nghỉ ngơi và chơi đùa nhưng khi thấy bóng dáng người lạ là bỏ chạy. Bởi khỉ sợ con người tìm cách sát hại bằng súng và săn bắt. Biết được đặc tính này của khỉ, ông tìm cách lánh mặt mỗi khi khỉ tới ăn. Qua quá trình quan sát, ông Bơ phát hiện ra rằng lũ khỉ này rất gần gũi và hiếu động nên trong đầu ông nảy ra ý định dụ bầy khỉ ra khỏi rừng.
Ông Bơ bèn bàn bạc với hai cộng sự của mình là anh Nguyễn Văn Tuấn và Đặng Văn Đức cách dụ khỉ ra khỏi rừng về sống gần gũi với con người. Và ông Bơ đi đến quyết định dùng món khoái khẩu nhất là các loại trái cây để dụ dỗ loài khỉ. Ông Bơ nói: "Ban đầu, chúng tôi để thức ăn tập trung ở một chỗ cho chúng có thói quen ăn tập thể. Sau đó, tôi treo lên cây và dải ở dọc đường đi. Cứ mỗi buổi chiều hôm sau, chúng tôi lại đi kiểm tra tình hình thấy hiện trường chỉ còn sót lại vỏ trái cây nên rất vui mừng. Cứ như thế anh em kiên trì dẫn dụ khỉ và chúng đã gần gũi với con người hơn".
Chưa dừng lại ở đó, ông Bơ lại sáng kiến ra cách dụ khỉ bằng tiếng kẻng như quân đội thường sử dụng để báo thức, hay báo động. Ông Bơ lí giải về điều này: "Khỉ là loài vật thông minh nên đưa chúng vào khuôn khổ sẽ dễ dàng hơn các loài vật khác. Để làm được điều này, mỗi khi rải thức ăn, chúng tôi lại đánh hồi kẻng. Chúng ngửi thấy mùi thơm của hoa quả nên tìm đến. Theo thời gian, tiếng kẻng trở thành kí hiệu riêng được khỉ ghi nhớ. Mỗi khi nghe tiếng kẻng vang một góc trời biết là có thức ăn, rồi chúng tự động tìm về đảo kiếm ăn".
Ông Vương Đình Bơ sử dụng phương pháp nhà binh để thuần hóa khỉ ở Cần Giờ. Ảnh Quyên Triệu
Ra hiệu gọi khỉ bằng tiếng hú dài
Nói về những khó khăn thuở ban đầu dẫn dụ khỉ, ông Bơ cho biết: "Tôi phải mất một thời gian dài, đàn khỉ 90 con mới chịu theo người về đảo này. Tuy nhiên, mỗi khi về chốt là phải qua một con suối, nhiều lần lũ khỉ đi theo đuôi nhưng tới bờ suối không đi tiếp nữa. Cuối cùng, mọi công lao đã được đền đáp khi một con khỉ đầu đàn bơi qua suối lấy thức ăn và cứ như thế đàn khỉ theo chân chúng tôi về. Nghe tin đó, nhiều người dân đã không tin và kéo tới xem và nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy đàn khỉ nhảy nhót quanh quẩn gần người".
Dẫn dụ được bầy khỉ về gần với người, ông Bơ lúc nào cũng quấn quýt bên bầy khỉ như bạn hiền. Nhằm hiểu rõ hơn tính cách và nhịp sinh hoạt của bầy khỉ đuôi dài, ông quan sát chúng tỉ mỉ và theo dõi cách ăn cũng như quá trình hoạt động bầy đàn của chúng. Ông Bơ cho biết: "Khỉ sống ở rừng ngập mặn Cần Giờ có bản tính hung hăng hơn các loài khỉ khác. Nó có một số đặc tính bảo vệ bầy đàn rất cao, khi có sự tác động từ bên ngoài vào, ngay lập tức cả đàn đồng loạt xông lên tấn công, khi đoàn quá đông tự nó sẽ phân đàn đi ăn riêng".
Để có thể thuần dưỡng khỉ nghe theo tiếng hú, ông Bơ và đồng nghiệp tốn khá nhiều công sức, thời gian. Ngày đó, đảo khỉ chưa có tổ bảo tồn động vật, ông Bơ từ một anh lính biên phòng trở thành nhân viên biên chế và có khả năng cất tiếng hú gọi đàn khỉ hoang về. Ông Bơ nhớ lại những ngày đầu tiên phát hiện đàn khỉ: "Ngày bắt đầu công việc này, tôi tập hú không biết bao nhiêu lần. Tôi cố gắng làm sao hú to vang xa ít nhất trong vòng bán kính 1km khỉ phải nghe thấy thì mới gọi là đạt yêu cầu".
Phải mất khoảng sáu tháng tiếng hú của ông Bơ mới được lũ khỉ biết đến. Từ đó trở đi, muốn cho khỉ ăn, chỉ cần hú vài hơi là lũ khỉ truyền từ cành về đảo khỉ, có khi ông đứng cách xa bìa rừng cả ki lô mét, lũ khỉ vẫn nghe thấy và đáp trả bằng những tiếng hú dài của chúng. Tuy nhiên, không phải mùa nào ông Bơ cũng có thể hú được bầy khỉ về ăn. Nói về điều này ông Bơ chia sẻ: "Một năm, khỉ có hai mùa biến động đó là cuối tháng 5 và tháng 10, chúng tự dắt nhau vào rừng sâu sinh sống, dù có cho chúng ăn thường xuyên cũng không thể hú khỉ về bìa rừng được". Mỗi lúc như vậy, để khỉ không quên đường về, các anh em lại phải đem thức ăn lên rừng rải ở các đường mà chúng hay đi, nếu chúng có quay lại thì dễ dàng nhận ra dấu chân người quen đã có mặt ở đây và tự khắc chúng sẽ quay trở lại.
Nằm rừng cả tháng để làm quen với khỉ Tính hiếu thắng của loài khỉ rất cao nên mỗi khi có sự tranh chấp bầy đàn hay "bình chọn" thủ lĩnh, khỉ đánh nhau đến cụt tay, sứt môi. Chiêu dụ khỉ từ rừng về đã là một điều khó khăn. Để thuần dưỡng khỉ, ông Bơ đã phải nằm rừng cả tháng trời để phát hiện ra bầy đàn, tập cho khỉ nghe quen tiếng hú để tạo sự đồng cảm với tính năng hoang dại của chúng. "Cha" của đàn cá sấu hoa cà quý hiếm Không chỉ chăm sóc loài khỉ, ông Bơ còn kiêm luôn cả việc bảo tồn và phát triển loài cá sấu hoa cà (loài cá sấu nổi tiếng ở chiến khu rừng Sác). Bản chất của loài cá sấu hoa cà rất hung dữ, nhưng với sự yêu thích động vật và lòng cần cù kiên nhẫn trong việc thuần hóa thú dữ, ông Vương Đình Bơ đã nghiên cứu kĩ lưỡng tập tính sinh sống của chúng và xây dựng chuồng trại kĩ lưỡng. Đến nay, đàn cá sấu đã sinh sản và phát triển được gần 100 con. |
Quyên Triệu
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!