Nhọc nhằn mưu sinh
Anh Trần Đại Nghĩa, 42 tuổi, ngụ trong một căn phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông, ở phường 5, TP.Sóc Trăng gặp tai nạn từ năm 2001 khiến đôi tay bị cụt tới khuỷu. Trước những thử thách của cuộc đời và gánh nặng cơm áo của gia đình, anh Nghĩa đã đứng lên trên đôi chân của mình và đôi tay không lành lặn đó bằng mọi cách mưu sinh nuôi cả gia đình.
Tôi tìm gặp anh vào một buổi chiều nhạt nắng, khi mọi người đã sắp kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc trở về quây quần bên gia đình của mình thì anh lại sắp sửa chuẩn bị bước ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc mưu sinh trên phố phường. Nán lại ít thời gian trò chuyện với tôi, anh khá niềm nở và nhiệt tình. Trong anh toát lên sự rắn rỏi cương quyết của một người đàn ông từng trải. Dù vậy, trong từng câu anh nói ra vẫn đượm nhiều suy tư trăn trở về tương lai của gia đình, mà cụ thể là tương lai của 3 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi học.
Anh Trần Đại Nghĩa vượt qua khó khăn bằng nghị lực phi thường.
Năm 2001, trong một lần giúp nhà hàng xóm sửa đồ điện trong nhà, anh bị nguồn điện trung thế giật văng xuống đất bất tỉnh với hai cánh tay bị cháy đen. Hai cánh tay không thể hồi phục lại được, đành phải cắt bỏ. Sau hơn một tháng nằm ở bệnh viện, anh trở về nhà và học cách chấp nhận hiện thực. Lúc này anh mới lấy vợ và công việc của anh là chạy xe ôm hàng ngày. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng vẫn bươn chải vượt qua. Bây giờ đôi tay đã mất, anh không biết tương lai của mình sẽ như thế nào. Rồi anh và vợ cũng gắng gượng đứng lên được.
Với tình trạng của mình anh và vợ chọn nghề bán vé số để mưu sinh. Thời gian đầu hai vợ chồng cùng nhau đi bán, cuộc sống gần 10 năm về trước nếu chịu khó tích góp thì cũng sống được qua ngày, nhưng rồi những đứa con lần lượt ra đời và gánh nặng của người chồng, người cha ngày càng đè nặng lên vai anh. Anh quay quắt làm việc ngày đêm để lo cho vợ con từng bữa ăn, hộp sữa. Sau thời gian sinh nở không bao lâu vợ anh cũng rong ruổi hàng ngày với tấm vé số trên tay cùng đứa con nhỏ để chia sẻ gánh nặng cùng chồng. Cuộc sống khó khăn vất vả theo đuổi gia đình của anh đến tận bây giờ.
Năm 2011, một người bạn buôn phế liệu bán lại cho anh một chiếc xe gắn máy cũ kĩ. Đáng lẽ nó đã được bán phế liệu, nhưng với anh đó là tài sản quý vì anh không có khả năng mua được chiếc xe nào tốt hơn. Vợ chồng anh hết sức vui mừng từ đây có phương tiện đi lại mặc dù số tiền mua xe phải trả dần trong 3 tháng mới hết nợ. Sau khi có xe rồi, anh phải bỏ ra một số tiền còn nhiều hơn mua xe để tân trang và sửa chữa. Anh mày mò cùng người thợ sửa xe để chế tạo ra một công cụ hỗ trợ anh trong việc điều khiển xe dễ dàng hơn. Từ hai tay cầm điều khiển xe, anh nối thêm hai chiếc cần và phần tiếp xúc với phần cánh tay của anh được thiết kế như hai chiếc vòng để anh có thể xỏ tay vào. Riêng phần tay ga, anh lắp thêm một bộ phận như một chiếc cần số, chỉ cần anh nhấn tay xuống là có thể tăng ga.
Ngày đầu tiên anh chạy xe ai cũng nhìn và cười ồ lên, con nít trong xóm trọ cũng hiếu kỳ chạy ra xem. Lúc đầu, anh phải rất vất vả để điều khiển xe, nhưng rồi với sự kiên trì của mình anh đã điều khiển được. Trên chiếc xe cà tàng đó anh đã chở vợ con đi khắp Sóc Trăng, Vĩnh Long vào những ngày rảnh rang. Nhưng điều quan trọng nhất là với chiếc xe đó, anh đã có thêm nghề mưu sinh mới là nghề mua ve chai. Kết hợp với bán vé số, hàng ngày anh đèo theo phía sau xe hai khung sắt và đặt trên đó hai cái bao để mua ve chai. Thật vất vả khi người đàn ông không tay phải làm tất cả những công việc đó một mình.
Ước mơ một mái nhà
Hiện anh Nghĩa và vợ phải nuôi 3 đứa con trai đang tuổi ăn học, đứa lớn nhất học lớp 8, đứa thứ hai học lớp hai, và đứa út mới vào lớp 1. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy nhưng anh vẫn muốn cho con cái được đi học thành tài. Anh nói: "Tôi còn sống được ngày nào là nhất quyết con tôi còn được đến trường ngày đó. Đời tôi khổ cực như vậy rồi, chỉ mong con cái ăn học nên người". Ba đứa con của anh đi học nhưng không được miễn giảm bất cứ khoản tiền nào vì anh không có nhà, đồng nghĩa với việc anh không được cấp sổ hộ nghèo. Nếu không có sổ hộ nghèo thì không nhận được một chế độ nào đặc biệt cả. Chính vì vậy anh mong ước có một mái nhà để thoát khỏi cảnh tá túc trong nhà trọ, để con cái có điều kiện thuận lợi khi tới trường.
Căn phòng trọ chưa đến 20m vuông, chật hẹp không có đồ đạc gì giá trị. Cả gia đình phải trải nệm nằm một hàng dài khi ngủ. Rồi những đứa trẻ sẽ lớn, liệu căn phòng này có đủ chỗ cho 5 thành viên trong gia đình. Anh tâm sự: "Tôi chỉ mong ước có một miếng đất nhỏ, rất nhỏ thôi cũng được. Một miếng đất của riêng mình, cho dù có phải dựng một cái lều lên để ở thì đó cũng là cái nhà của mình. Nhưng với điều kiện hiện tại của tôi, lo cho cái ăn cái học cho con đã khó khăn lắm rồi, đó chỉ là một ước mơ trong tuyệt vọng". Nói rồi, anh nhìn vợ mình và những đứa con. Vợ anh đưa cánh tay gầy nhỏ, đen sạm đi vì nắng gió lên mắt cố ngăn những giọt nước mắt chực tuôn trào. Cám cảnh thay cho một hoàn cảnh gia đình. Đứa con lớn học lớp 8 của anh, thấy cha mẹ vất vả xin anh cho nghỉ học để phụ ba kiếm tiền nhưng anh nhất quyết không cho, dù vất vả thế nào anh vẫn chịu được, miễn sao con được đến trường.
Hàng ngày, anh Nghĩa thức dậy từ 4h sáng với xấp vé số trên tay, rong ruổi trên xe đi khắp thành phố Sóc Trăng. Có khi anh đi xuống tận Bạc Liêu để bán vé số, kiêm mua ve chai, đến lúc vé số hết, xe ve chai đầy anh mới về tới nhà. Anh nhẩm tính quãng đường mỗi ngày mình phải đi về cả trăm cây số. Chiều đến, sau thời gian nghỉ ngơi cơm nước, đến 5h anh tất bật với xấp vé số mới trên tay đi bán khắp quán xá ở thành phố, đến khuya anh mới về tới nhà. Cuộc sống gia đình anh thiếu trước hụt sau liên miên, đến kỳ đóng tiền học cho con anh phải chạy vạy khắp nơi vay mượn. Khi chiếc xe cà tàng trở chứng hỏng hóc là coi như ngày đó tiền anh làm ra chỉ vừa đủ để sửa xe.
Vợ anh, chị Phạm Thị Việt Thùy (36 tuổi), ngoài công việc lo cơm nước cho chồng con, đưa rước con đi học, buổi tối chị phụ rửa chén bát cho một quán phở ở TP. Sóc Trăng. Được một thời gian thì căn bệnh thần kinh tọa khiến chị đuối sức. Thấy vợ vất vả công việc nhà chưa xong lại phải đi làm đêm hôm, anh để chị ở nhà lo đưa rước, chăm sóc con cái, một mình anh bươn chải kiếm tiền. Anh tâm sự: "Tôi gắng gượng được đến ngày nay là nhờ ở vợ tôi rất nhiều. Trong lúc tôi hoạn nạn, cô ấỵ đã không từ bỏ mà luôn bên cạnh khuyên nhủ, động viên tôi cố gắng".
Nhìn những đứa con nhỏ của vợ chồng anh Nghĩa vô tư nô đùa trong tiếng cười giòn, tôi chợt nhìn sang anh và nhận thấy trong ánh mắt anh lấp lánh một niềm hạnh phúc, tự hào của một người cha. Trong khi đó, biết bao nhiêu khó khăn vẫn đang chờ anh phía trước và ước mơ về mái nhà nhỏ bé của riêng mình còn xa vời vợi.
Nguyên Việt