Neelam Kumar Khaire là nhà nghiên cứu về các loài bò sát có tiếng ở Ấn Độ. Năm 1980, ông đã tự giam mình trong lồng kính suốt 72 giờ cùng với 72 con rắn độc để chứng minh rằng lũ rắn chỉ tấn công con người khi bị khiêu khích. Màn thể hiện đầy mạo hiểm đã giúp Neelam ghi danh vào sách kỷ lục Guinness.
Khi đó Neelam mới 28 tuổi và là nhân viên lễ tân cho một khách sạn ở thành phố Pune, bang Maharashtra. Neelam vừa muốn thử thách bản thân vừa muốn xô đổ kỷ lục do Peter Snyemaris người Nam Phi thiết lập trước đó một năm.
Được biết Peter Snyemaris đã dành 50 tiếng đồng hồ bên cạnh 18 con rắn kịch độc và 6 con rắn có độc tính nhẹ hơn ở Johannesburg, Nam Phi.
Tuy nhiên, chàng trai người Ấn tin rằng kỷ lục này nên do người Ấn Độ nắm giữ bởi đất nước này được mệnh danh là xứ sở của rắn.
Vậy là bất chấp sự can ngăn của mọi người, ngày 20/1/1980, Neelam bước chân vào căn phòng bằng kính cùng với 72 con rắn độc bao gồm 27 con rắn hổ đất, 24 con rắn lục Russell, 9 con rắn hổ mang Ấn Độ, 8 con rắn cạp nong và 4 con rắn thường.
Thỉnh thoảng Neelam nhẹ nhàng nhấc chúng lên rồi đặt trả lại trên mặt đất đối với những con rắn quá tò mò và tìm cách leo lên người. Nhưng suốt thời gian đó lũ rắn chưa một lần có ý định cắn Neelam.
Neelam Kumar Khaire dành tình yêu cho loài bò sát đáng sợ này từ những năm ông mới đôi mươi. Thời điểm đó Neelam đang làm quản lý cho một nhà nghỉ ở Matheran, gần Bombay.
Rắn là “khách quen”, thường xuyên xuất hiện ở nơi đây. Trong khi những người khác sẽ giết ngay khi nhìn thấy chúng thì Neelam không bao giờ làm điều tương tự.
“Tôi không muốn tổn hại nhưng sinh vật này, hầu hết chúng đều vô hại. Tôi thường bắt và thả chúng ở những ngọn đồi Sahyadri. Có lần tôi bắt được con rắn cực độc, sẽ có nhiều rủi ro nếu thả ra ngoài vì vậy tôi đã đưa chúng đến Viện Haffkin ở Bombay. Sự việc đó đã thúc đẩy lòng can đảm của tôi nhưng cũng là khởi đầu cho tình yêu của tôi với loài rắn", Neelam Kumar Khaire nhớ lại.
Sau đó, Neelam đã tự lập "công viên" rắn nho nhỏ ở sân sau nhà mình và còn dự định thành lập một công viên rắn quy mô với trung tâm nghiên cứu. Và việc xác lập Kỷ lục Guinness là yếu tố cần thiết để thu hút nhà đầu tư.
Sau 72 giờ ở cùng lũ rắn, Neelam đã phá kỷ lục cũ và ghi danh vào sách kỷ lục Guinness. Kỳ tích đã biến nguyện vọng xây dựng công viên rắn thành hiện thực.
Năm 1986, với sự hỗ trợ của Tổng công ty Pune, ông đã xây dựng được công viên rắn Katraj, sau này đổi tên thành công viên động vật học Rajiv Gandhi.
Hiện tại, Neelam Kumar Khaire đang nỗ lực truyền cảm hứng cho mọi người tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Vì mục tiêu đó, ông đã thành lập nên học viện Môi trường, Phát triển Nông thôn và Khuyến nông Uttara.
Minh Hoa (t/h)