Có duyên với múa Bồng
Nếu ai đã từng một lần đến làng Triều Khúc vào dịp lễ hội, được xem các chàng trai đóng giả gái thả mình trong những bước nhảy vừa linh hoạt, vừa thướt tha, hòa cùng nhịp trống dồn dập trong điệu múa Bồng chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi nét hấp dẫn của điệu múa có một không hai này. Người sống ở làng Triều Khúc, từ già đến trẻ ai cũng yêu và say mê múa Bồng như đó là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ.
Có lẽ do tuổi thơ đã sống trong không khí của lễ hội làng, được xem các đĩ (cách gọi nôm na từ điệu múa Con đĩ đánh bồng) biểu diễn thuần thục và uyển chuyển trong điệu múa Bồng, rồi cảm nhận được cái hồn toả ra từ đó mà họ trở nên gắn bó với nó. Hay, cũng có thể do lớp nghệ nhân cao niên nhưng vẫn tâm huyết với điệu múa cổ mà người làng Triều Khúc vẫn lưu giữ lại được nguyên vẹn cái thần sắc, hồn cốt của điệu múa Con đĩ đánh bồng cho đến ngày nay. Và trong số đó, nghệ nhân Triệu Đình Hồng được coi là người duy nhất thành thạo và nắm được hết cái hồn cốt của múa Bồng.
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng đánh thanh la trong lễ tế của làng
Theo dòng hồi tưởng, ông Hồng kể rằng, ông biết đến múa Bồng từ khi còn là cậu bé đánh thanh la phục vụ trong các lễ hội của làng. Tất cả những cử chỉ, đường đi của tay, nhịp bước của chân, điệu bộ lả lơi trong điệu múa Con đĩ đánh bồng đã được ông khắc sâu trong tâm trí từ ngày ấy và ông đã có mong ước được làm đĩ trong các cặp múa bồng ở hội tế lễ của làng. Tuy nhiên do đời sống khó khăn, múa Bồng cũng phần nào bị lãng quên. Đến tận năm 1975, khi thống nhất đất nước, múa Bồng mới được làng khôi phục lại và truyền dạy cho con cháu.
Ông Hồng sinh ra trong gia đình gia giáo, dáng người nhỏ nhắn thư sinh, lại được học đến lớp 9/10 nên được chọn vào đội múa trống bồng của làng. Đây là một vinh dự rất lớn vì để được chọn phải có đủ các điều kiện: Là trai tân, có đạo đức, tính nết hiền lành, được mọi người quý mến và gia đình không có việc tang. Ông được cụ Bùi Văn Tốt - một cao niên ở làng Triều Khúc nhận truyền dạy. Nhờ sáng dạ cộng niềm đam mê mà sau một năm theo học, ông đã nắm được cái hồn và nét tinh tuý của các điệu và nhạc trong múa Bồng. Đến lễ hội làng Triều Khúc, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng trước những bước nhảy uyển chuyển, linh hoạt mà đĩ Hồng thể hiện. Từ đó khi đến hội hay dịp lễ của làng, ông đều góp mặt và được giao làm đội trưởng đội trống bồng. Khi đó, thế hệ những người thầy như cụ Tốt, cụ Vạn đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nên chàng thanh niên Triệu Đình Hồng trở thành niềm hi vọng của người dân Triều Khúc trong nỗ lực vực dậy một nét văn hóa của quê hương đã tồn tại hàng thế kỷ.
Ông Hồng chia sẻ: "Múa Bồng có ở nhiều nơi nhưng chỉ có Triều Khúc mới giữ nguyên được cái thần sắc và hồn cốt của điệu múa cổ độc đáo này. Các đĩ đều phải là trai gốc làng, ngoan ngoãn, hiếu học, có khuôn mặt tuấn tú và dáng người dong dỏng cao. Con gái không được tham gia vì quy định từ xa xưa là chỉ có trai mới được múa, và các cụ cũng sợ rằng họ sẽ mang điệu múa Bồng của ông cha ra khỏi lũy tre làng.
Khi được hỏi về nguồn gốc của múa Bồng ông cho biết thêm: "Điệu múa Con đĩ đánh bồng có nguồn gốc từ truyền thuyết về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng sau khi thắng giặc Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay), ông chọn nơi đây làm đại bản doanh để quân nghỉ ngơi, dưỡng sức và tập luyện. Trong quân ngũ không có phụ nữ nên một số binh lính giả trai thành gái để múa nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ. Sau khi Bố Cái Đại Vương qua đời, dân làng đã tôn ông lên làm thành hoàng làng và lễ hội làng Triều Khúc từ đó được diễn ra từ ngày mồng 9 đến 12 tháng giêng hàng năm. Trong ngày khai hội, khi lễ rước sắc phong được cử hành, màn múa Con đĩ đánh bồng luôn là tâm điểm chú ý của người xem nhờ sự độc đáo và đầu tư công phu".
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng (ngồi thứ 2, từ phải sang) vừa hoàn thành phục trang để chờ biểu diễn
Lưu giữ điệu múa truyền thống
Dành tất cả tâm huyết và say mê cho múa Bồng, nên một mình ông Hồng đứng ra thành lập đội múa bồng làng Triều Khúc. Đã tồn tại hàng trăm năm ở làng, song người tâm huyết và nguyện giữ lửa bền bỉ như ông Hồng không nhiều. Gần 40 năm làm thầy giáo không lương, ông Hồng đã truyền nghề cho nhiều thế hệ đĩ bồng của làng. Vì không có nguồn kinh phí nào hỗ trợ để tồn tại nên lớp học múa Bồng được duy trì bằng tiền ông Hồng tự bỏ ra và một số người dân làng Triều Khúc đóng góp. Tất cả các khoản từ mua sắm trang phục, nhạc cụ cho đến kinh phí đi biểu diễn ông đều phải lo chu toàn. Nhiều khi sau mỗi buổi tập, mỗi đêm diễn ông lại hì hục giặt từng bộ quần áo cho các trò rồi lưu giữ những trang phục ấy như báu vật. Hiện tại, đội múa Bồng làng Triều Khúc đã có tất cả 20 người, trong đó người trẻ nhất 21 tuổi và người cao tuổi nhất chính là ông Hồng.
Ngày nào cũng vậy, cứ đến chiều là ông lại tập hợp thanh niên ra đình làng tập múa. Ông cho biết mỗi khoá học chỉ có hai học sinh, lúc đông nhất cũng chỉ có bốn người: "Số lượng người học chỉ có thế vì thế hệ trẻ ít có sự say mê với múa Bồng và cũng bởi các em xấu hổ, con trai mà phải đóng giả nữ, bôi phấn lên mặt, làm đỏ môi, rồi mặc áo tứ thân, váy đụp đen, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ rồi đeo một cái trống nhỏ được sơn màu đỏ trước bụng nên các em rất ngại ngùng. Nhưng nếu vượt qua được những trở ngại ban đầu đó thì việc học sẽ không khó", ông chia sẻ.
Để tăng thêm số lượng người học, ông Hồng đã đề nghị với UBND xã và Ban giám hiệu trường THCS Tân Triều đưa múa Bồng vào giảng dạy trong trường học. Từ năm 2010, trong giờ học Văn Thể của trường, việc học múa Bồng đã được triển khai. Mỗi kỳ học ông tình nguyện lên lớp 45 tiết dạy. Ông không giấu nổi niềm tự hào vì các em chưa thực sự xuất sắc lắm nhưng đã cảm nhận hết được cái tinh túy của múa Bồng và cũng đoạt giải trong các hội diễn văn hoá của địa phương.
Ông tâm sự: "Dân gian ta có câu “Lẳng lơ như đĩ đánh bồng” bởi khi biểu diễn, nam diễn viên phải giả gái, vừa dùng hai tay đánh vào hai bên trống và nhảy múa uốn éo vừa phải thể hiện sự lẳng lơ, ve vãn những thanh niên rước kiệu nhằm gây tiếng cười thoải mái, tạo sự chú ý cho người khác. Chính vì sự lẳng lơ ấy nên múa Bồng có nét cuốn hút riêng, rất độc đáo mà không một loại hình nghệ thuật nào trên đất nước ta có được. Nếu không lưu giữ và bảo tồn tốt thì múa Bồng sẽ sớm bị mai một. Chỉ cần còn sức lực thì tôi và những nghệ nhân làng Triều Khúc sẽ tiếp tục tham gia truyền dạy cho con cháu".
Tâm huyết với múa bồng là thế, song điều khiến ông Hồng luôn day dứt là vẫn còn quá ít người quan tâm và biết đến loại hình nghệ thuật này. Là một điệu múa dân gian có từ hàng ngàn năm ở Triều Khúc, múa Bồng tồn tại được cho đến ngày nay đều nhờ vào tâm huyết của các nghệ nhân trong làng, trong khi đó không có nguồn kinh phí hỗ trợ nào trong việc bảo tồn và lưu giữ điệu múa cổ này. Mong mỏi lớn nhất của ông Hồng là điệu múa Bồng của làng Triều Khúc sẽ sớm được xếp hạng di sản văn hóa của quốc gia và nhận được sự quan tâm cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Những nghệ nhân giữ lửa làng Triều Khúc Trong làng Triều Khúc những người am hiểu điệu múa trống bồng đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, có thể kể đến các cụ Bùi Văn Tốt, Bùi Văn Dũng, Triệu Đình Vạn, Bùi Văn Lục. Trong đó, cụ Lục khi mới 15 tuổi đã được công nhận là nghệ nhân, cũng là nghệ nhân đầu tiên đứng lớp dạy điệu múa Bồng cho con cháu. Cụ Tốt đã mất cách đây ba năm. Cụ Vạn đang được làng làm đề xuất xin được phong nghệ nhân. Nhờ tâm huyết của những cao niên ở làng Triều Khúc nên trong khi những điệu múa truyền thống đang bị cải biên, điệu múa Con đĩ đánh bồng vẫn giữ được nét nguyên sơ vốn có ban đầu của nó. |
Loan Thanh