66 năm chưa một lần bị ốm
Chúng tôi hẹn gặp ông vào một buổi chiều tối. Lúc này, ông mới đi làm về. Trong nhà ông, đa phần đều là những dụng cụ dây kéo, máy khoan, máy ủi... để phục vụ cho công việc. Ông bảo: "Đó là tài sản của tôi, các dụng cụ để thực hiện các món nghề chuyển dịch rễ cây. Bên cạnh đó, còn có khối vật quý, tôi lượm được trong lúc đào đất chuyển rễ". Rồi ông mân mê những vật dụng đó như đang âu yếm chính những đứa con của mình. Bởi, để có được "khối tài sản" này, ông đã phải trải qua cuộc sống đầy khó khăn, cũng như bao lần "lên rừng xuống biển".
Mặc dù, ông Hồng có thân hình cao to và đen sạm, lại luôn cởi mình trần, mặc độc cái quần cộc nên khiến ai mới gặp cũng tưởng ông là người hung dữ. Nhưng kì thực, khi nói chuyện được với ông, người ta sẽ thấy sự thân thiện và tốt bụng trong con người ông. Ông kể: "Cũng nhiều nhà báo đến đây tìm tôi, họ luôn tò mò và muốn tìm hiểu tại sao tôi sống quanh năm suốt tháng mà chỉ mặc độc một chiếc quần lửng. Nhưng khi lên viết bài thì họ lại biến tôi thành một con người quái dị nên bây giờ tôi không muốn gặp lại nữa. Việc tôi không mặc áo là do tuổi thơ tôi khó khăn quá, không mua nổi cái áo để mặc nên giờ thành thói quen thôi".
Ông Hồng đang làm việc (ảnh nhân vật cung cấp)
Ông sống ở thành phố cũng khá lâu, nhưng cái bản tính chân chất mộc mạc của người miền quê vẫn ẩn chứa trong con người ông. Khi hỏi về một thời đã xa, ông bùi ngùi tâm sự: "Quê nội tôi ở Củ Chi, vì mồ côi từ nhỏ nên tôi phải sống chung với ông bà nội. Đến lúc bà nội qua đời, tôi mới sáu tuổi, phải lưu lạc khắp nơi, làm đủ mọi món nghề kiếm sống. Lúc đó, tôi quá nghèo nên không mua nổi cái áo cho mình che mưa che nắng. Nhờ đó mà cơ thể tôi nó thích ứng tốt, có thể chịu đựng được môi trường khắc nghiệt. Đến năm 10 tuổi, tôi xin được vào phụ nghề cho một hãng sửa chữa xe ô tô ở Sài Gòn. Nhưng rồi đến thời buổi khó khăn, người ta không cần mình nữa thì tôi trôi dạt vào rừng đốn củi sống qua ngày. Sống trong rừng sâu nước độc nên cơ thể tôi thích ứng dần với hoàn cảnh, miễn dịch luôn với mọi bệnh tật".
Kì thực, quanh năm suốt tháng ông không mặc áo nên làn da của ông cũng trở nên dày và rắn chắc. Đến muỗi và rắn độc trong rừng cũng không làm khó được da ông. Ông kể: "Có lần, tôi khó chịu trong cổ họng, ho mấy ngày, vợ tôi tưởng bị dịch cúm nên bắt phải đi tiêm phòng. Nhưng khi đến thì y tá không tìm được mạch để tiêm, đến khi tìm được thì chẳng có cây kim tiêm nào có thể xuyên qua được da tôi. Về nhà được ít lâu thì bệnh tôi tự khỏi chẳng cần phải thuốc men gì hết". Giờ tuổi đã gần xế chiều, ông thầm cảm ơn cuộc sống khó khăn đã tôi luyện cho ông một sức khỏe tốt, vẫn đủ sức chống chọi với khí hậu ngày càng khắc nghiệt, và môi trường làm việc vất vả, cực nhọc.
"Mình đồng da sắt" chinh phục thiên nhiên
Giữa chốn Sài thành này, nhiều người biết đến ông Hồng "râu" với biệt tài "đào rễ chuyển cây". Người nào muốn đào rễ cây để lấy đất làm vườn, làm nhà, hay có cây quý hiếm muốn dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác mà không làm ảnh hưởng đến cây thì tìm đến ông. Ông nói: "Nhờ trời thương ban cho sức khỏe tốt nên tôi vẫn bám được cái nghề "dịch cây bứng rễ" giữa đất Sài thành này. Cái nghề này đã theo tôi khi mới 10 tuổi. Nơi nào muốn bứng rễ hay dịch chuyển cây là tôi đều có mặt để làm". Ông cho biết thêm: "Nghề này không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi không chỉ sức khỏe tốt mà còn phải có sự dẻo dai khéo léo. Nếu chẳng may, làm không cẩn thận thì cây sẽ ngã lên thân mình ngay. Cảm giác mỗi lần làm việc là tôi hăng say như lao vào một cuộc chiến với thiên nhiên vậy".
Đối với ông, đây là công việc đầy đam mê và cuốn hút. Công việc mở ra cho ông bao điều mới lạ trong lòng đất. Bởi vậy, khi đến nhà ông, không chỉ thấy dụng cụ đào cây mà còn có vô số "chiến lợi phẩm" ông đã kiếm được khi đào bới. Cứ đi làm về, sau xe ông nào là sắt, nhôm nhựa, có khi ông còn đào được cả vỏ quả bom đã nổ. Rồi vợ ông cười tiếp lời kể câu chuyện: "Có khi ông còn mang về nào là rắn, chim... cho cả nhà ăn. Tôi thấy nhiều nên đem đi chia bớt cho hàng xóm. Những bữa như vậy thì tôi chẳng phải mất tiền đi chợ gì mà nhà luôn có thức ăn tươi". Mỗi đồ vật ông mang về đều có giá trị, công dụng riêng, giúp ông làm biết bao công việc.
Từ nhỏ, ông đã sống với rừng nước nên quen cuộc sống tự do. Khi trở lại Sài Gòn, ông có đi xin làm công nhân nhưng không thích cảnh bó buộc, nên ông đành nghỉ việc và quay trở lại với nghề đào cây. Cũng như chuyện mặc áo, ông mặc áo vào là cảm thấy như bị bó buộc trong khuôn khổ nên không thể làm việc được. Bởi vậy, có cởi áo ra thì ông mới có thể dốc toàn sức nâng cây lên. Có lần, ông vào trong doanh trại bộ đội để chuyển một cây cổ thụ sang vị trí khác nhưng khi vào cổng thì bị giữ lại vì không mặc áo. Ông bảo: "Cái nghề của tôi nó vậy, có không mặc áo thì mới dùng toàn lực để làm việc được. Vả lại, không mặc từ nhỏ nên giờ thành thói quen. Vợ tôi cũng có mua áo cho tôi mặc nhưng hễ mặc vào là tôi cảm thấy khó chịu ngứa ngáy khắp mình".
Ông Hồng sống bình thường như bao người nhưng vì nghề của ông là "độc nhất vô nhị", nên những hành động và việc làm của ông bị mọi người cho là không bình thường. Cũng chính vì nghĩ vậy, các cô gái thường dè dặt khi gặp ông, cho nên đến 40 tuổi ông mới lập gia đình. Vợ ông lúc đầu cũng rất ngạc nhiên vì chuyện không mặc áo của ông, nhưng khi về sống với nhau, hiểu được công việc của ông nên bà thông cảm và không yêu cầu ông mặc áo nữa. Ông là một người có sức khỏe tốt, nên cứ việc nào liên quan đến khuân vác, đào bới mà hàng xóm cần giúp là ông bắt tay vào làm liền. Bởi vậy mà khi hỏi đến ông Hồng "râu" thì mọi người quanh hẻm đều biết tới.
Hạ Du