Sóng gió ập lên gia đình nhỏ
Ba năm hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự trên biên giới Lào Cai, anh Nguyễn Văn Tâm (SN 1968) trở về địa phương xây dựng gia đình với mội cô gái quê ở Hưng Yên. Hai vợ chồng anh chịu thương chịu khó, làm việc vất vả mong có bát ăn bát để. Cuộc sống không mấy dư dả, nhưng hai vợ chồng yêu thương nhau hết mực, gia đình yên ấm. Niềm vui sướng vỡ òa, khi vợ chồng anh có thêm một thành viên mới, cậu con trai kháu khỉnh và bụ bẫm. Từ khi có tiếng trẻ thơ trong nhà, anh Nguyễn Văn Tâm càng làm việc cật lực, ai thuê việc gì cũng làm không nề hà việc nặng nhọc và vất vả, chỉ mong lo cho vợ cho con được đủ đầy.
Bất hạnh ập đến, khi hai năm làm việc quần quật suốt ngày, ăn uống tiết kiệm đã quật ngã anh Nguyễn Văn Tâm. Đôi mắt anh mờ dần, sức khỏe suy kiệt, nằm bẹp giường, hai vợ chồng vay mượn hai bên nội ngoại để chạy chữa cho anh nhưng không thuyên giảm. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm đầu thống và suy nhược cơ thể và đôi mắt có nguy cơ vĩnh viễn bị mù.
Bi kịch chồng lên bi kịch. Một buổi sáng thức dậy, người vợ đang tâm bỏ người chồng mù lòa và đứa con thơ mới hơn 2 tuổi đi theo một người đàn ông khác. Trong lúc anh Tâm rất cần người vợ động viên, an ủi để người chồng bước tiếp và cùng nuôi con khôn lớn, thì người vợ mà anh rất mực yêu thương lại bỏ gia đình ra đi trong hoàn cảnh bi đát này.
Anh hận vợ và tự dày vò bản thân mình, nhìn đứa con nhỏ đói và gào khóc đòi mẹ trong tuyệt vọng mà anh không thể kìm lòng: "Trong lúc tôi đau khổ nhất, cô ấy đã bỏ đi không một lời nhắn nhủ. Con tôi sẽ sống sao đây khi không có bàn tay chăm sóc và nuôi dưỡng của mẹ, trong khi bố mù lòa. Ôm đứa con nhỏ khóc nức nở vào lòng mà tôi thương cháu quá, tương lai của cháu sẽ ra sao, hai bố con sẽ sống thế nào đây".
Anh Nguyễn Văn Tâm đang thực hành động tác mát-xa chân tại lớp học
Chán đời, đau khổ anh tự hành hạ bản thân mình. Có lúc, anh dùng hai tay đấm mạnh vào tường đến khi mấy đầu ngón tay tóe máu mới thôi. Có lúc, anh lại đập đầu vào thành giường, vò tai bứt tóc như điên như dại mặc cho đứa con thơ khóc thét lên vì sợ, vì đói. "Nhà tôi đông anh chị em, nhà lại nghèo, mỗi người một phận nên không giúp đỡ được nhiều. Từ khi tôi bị mù, bố mẹ xem tôi như người thừa, ăn bám và hắt hủi hai bố con. Bữa đói nhiều, no thì ít, thương con tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Con nhà người ta cơm thịt còn không muốn ăn. Trong khi đó, con nhà mình có cơm ăn là tốt lắm rồi. Phần của tôi được hơn 5 sào ruộng, nhưng mắt mũi như thế thì làm được gì. Tôi nghĩ mình không thể cứ mãi buồn chán và oán trách số phận, phải cố gắng sống để nuôi con khôn lớn", anh Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.
Sống và nuôi con nhờ tẩm quất
Hình ảnh đáng thương và cảm động của người bố khiếm thị nuôi đứa con thơ dại vẫn ngày ngày dắt nhau đi khắp trong thôn, ngoài xóm khiến nhiều người xót thương và ái ngại. Nhớ về những ngày tháng cơ cực mà hai bố con phải vượt qua, anh Nguyễn Văn Tâm ngậm ngùi cho biết: "May mắn thằng bé lành lặn, mắt sáng. Mới đầu, khi cháu biết đi vững một chút, tôi bảo cháu dắt đi khắp trong làng và làng bên thôi. Khi cháu lớn lên một chút nữa, hai bố con đi xa hơn, có khi lên tận huyện. Ngày mưa cũng như ngày nắng, hai bố con dắt nhau đi từ sáng đến đêm mới về. Thằng bé ngoan ngoãn và thương bố lắm. Trên đường đi, thấy cảnh ngộ mình, nhiều người thương tình cho đồng quà tấm bánh và quần áo cũ. Nhiều người biết câu chuyện gia đình tôi đã bật khóc và cho hai bố con tiền. Họ còn bảo thỉnh thoảng đi qua đây thì ghé vào có gì sẽ cho".
Dù cả ngày đi bộ và làm việc vất vả, nhưng nhiều đêm, anh Tâm thương con nằm không ngủ được. Thằng bé sinh ra đã thiệt thòi đủ đường, không có bàn tay người mẹ chăm sóc, bố bị mù, lại phải dắt bố từ sáng đến đêm mới về, thậm chí ngủ ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà: "Mỗi ngày hai bố con đi tẩm quất cũng được 4-5 khách. Đúng dịp đó diễn ra World Cup 94, hai bố con đi suốt đêm tẩm quất cho khách trong khi chờ xem bóng đá. Một ca tẩm quất kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Trong khi tôi tẩm quất cho khách, con nằm ngủ bên cạnh chiếu. Xong việc, tôi lại gọi cháu dậy đưa về. Có hôm, hai bố con về nhà cũng gần 12h đêm".
Với số tiền ít ỏi hàng ngày, hai bố con cũng sống được qua những ngày khó khăn nhất. Có những lúc, anh Tâm và đứa con nhỏ tưởng chừng không thể sống được nữa. Nhưng nhìn con thơ lớn lên từng ngày, anh tự nhủ với lòng mình "dù thế nào cũng phải sống, sống để nuôi con". "Con lên 6 tuổi, tôi xin cho cháu đi học. Nửa buổi đi học, thời gian còn lại, hai bố con đi làm từ trưa cho đến tối mịt. Học buổi sáng, tôi ở nhà chờ cháu đi học về, ăn cơm xong, hai bố con lại bắt đầu đi. Có hôm ở nhà buổi sáng, tôi dò dẫm sang nhà ông chú họ chơi không may bị sẩy chân xuống thùng vôi, may mà tôi biết bơi và thùng vôi đó đã dùng hết chỉ còn nước. Lúc đó, tôi phải kêu người cứu và tìm hộ đôi dép, mũ và gậy xem ở chỗ nào", anh Tâm chia sẻ.
Học hết lớp 9, thương bố và hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể tiếp tục đến trường, con trai anh Tâm nghỉ học xin đi làm hàn xì sắt thép để đỡ đần bố. Con đi học nghề, anh một mình lên Hà Nội xin làm ở một số cơ sở tẩm quất của người mù. "Tôi lên Hà Nội làm hàng tháng mới về nhà thăm cháu một lần. Làm được bao nhiều tiền, tôi đều tiết kiệm lại để có việc lớn mang ra dùng. Năm 2010, trong chương trình xây nhà tình thương cho người nghèo, tôi được hỗ trợ 20 triệu đồng. Xây nhà xong, tôi mua một cái giường để phục vụ khách nằm tẩm quất ở nhà. Số tiền xây nhà và mua giường, tôi vẫn còn nợ mấy triệu đồng. Hiện tôi đang theo học lớp mát-xa Nhật Bản và mát-xa chân miễn phí tại Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng cho người khiếm thị (Hà Nội). Hi vọng ra trường về nhà làm sẽ có tiền trả nợ", anh Tâm cho biết.
Ngỡ mình đang mơ "Nghĩ lại những năm tháng khốn khổ đã qua đi, nhiều lúc, tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Hiện tôi chỉ lo năm sau con trai muốn lấy vợ mà không có tiền lo đám cưới cho con. Tôi chỉ mong có ai đó thương yêu và bù đắp thiếu thốn một phần cho con mình lúc đó có chết tôi cũng yên tâm nhắm mắt. Sau khi học xong khóa học mát-xa này, tôi sẽ về làm ở nhà. Hàng ngày làm dù không có nhiều tiền mua thịt cá, nhưng cũng đủ gạo ăn, không bao giờ sợ chết đói", anh Nguyễn Văn Tâm nói. |
Vũ Phương