Người đàn ông không chân 49 năm xin được yêu

Người đàn ông không chân 49 năm xin được yêu

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Vì khuyết tật nên ông cảm thấy mặc cảm với bộ dạng của mình khi nhìn thấy Sài thành quá lộng lẫy. Ông tiếp tục chọn cái nghề bán vé số để mưu sinh suốt gần mười năm nay.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp Nhân Lộc (xã Nhân Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang), ông Hà Văn Lượm (SN 1963) sớm phải bươn trải và vẫn phải sống trong cảnh nghèo túng. Cuộc sống gia đình đã khó khăn lại đông con nên bản thân ông Lượm từ nhỏ phải lăn lộn với cuộc sống mò cua bắt cá kiếm cái ăn từng bữa, dù cho cơ thể ông chẳng được lành lặn.

Pháp luật - Người đàn ông không chân 49 năm xin được yêu

Ông Hà Văn Lượm bên chiếc xe là bạn đồng hành duy nhất của mình

Leo lắt trong đói nghèo

Vừa mới lọt lòng, ông Lượm phải gánh chịu một nỗi bất hạnh in hằn trên cơ thể. Đôi chân của ông không thể đi được vì đầu gối thiếu hẳn xương vừng (còn gọi là bánh chè). Bốn mươi chín tuổi, nhưng chưa một lần tự đứng lên đi bằng đôi chân của mình. Đó là nỗi đau, nỗi bất hạnh quá lớn mà ông Lượm phải gánh chịu. "Hàng ngày, mỗi khi tắm rửa, tôi phải nằm xuống để có thể vận đồ, rồi mới ngồi dậy. Nhiều lúc thấy tủi cho số phận của mình" - ông Lượm chia sẻ.

Sau khi lớn lên và ý thức được những khó khăn của cuộc sống dành cho gia đình của mình, ông Lượm vẫn hàng ngày bò đi đến khắp các nẻo đường trong thành phố An Giang để bán vé số. Cuộc sống ở vùng quê vốn đã nghèo nàn nên dù chăm chỉ nhưng ông cũng chỉ kiếm được bát cơm. Cuộc sống vốn đã vất vả nhưng trên đường đời những bão tố đâu chịu dừng lại với ai. Năm ông Lượm vừa tròn 18 tuổi cũng là lúc người mẹ vĩnh viễn ra đi. Sự giúp đỡ ân cần của mẹ không còn nữa, ông Lượm phải tự lo mọi thứ. Ông phải cố gắng kiếm tiền để phụng dưỡng người cha già không còn khả năng lao động. Dù gia đình đông anh em nhưng mỗi người có cuộc sống riêng, vả lại cũng chẳng ai khá giả nên bao gánh vác đều dành cho ông Lượm. Thế là, ông đành rời quê lên TP.HCM làm ăn, với hy vọng kiếm thêm được chút tiền lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình.

Vì khuyết tật nên ông cảm thấy mặc cảm với bộ dạng của mình khi nhìn thấy Sài thành quá lộng lẫy. Ông tiếp tục chọn cái nghề bán vé số để mưu sinh suốt gần mười năm nay. Những vòng xe trĩu nặng của ông đã có mặt trên khắp các nẻo đường của đường phố. "Cuộc sống vẫn còn vất vả, ồn ào nhưng dù sao cũng có cái để làm, kiếm miếng cơm hàng ngày chứ về quê tôi chẳng biết mình có thể làm gì mà ăn. Cuộc sống của những người khuyết tật như tôi thật tối tăm mờ mịt", ông Lượm chia sẻ.

Tôi gặp ông Lượm giữa một buổi chiều nhạt nắng Sài Gòn. Cái hiu hắt của nắng chiều dường như càng làm cho cuộc sống của ông Lượm thêm u buồn. Nhìn đôi tay ông đẩy những vòng xe lăn nặng trĩu trên con đường tấp nập người qua lại, ai cũng thấy xót xa. Gọi là cái xe chứ thực ra đó chỉ là hai mảnh ván cũ dài khoảng 60cm ghép lại với nhau, bên dưới gắn mấy bánh xe nhỏ tự tay ông làm để có thể di chuyển được dễ dàng hơn. Dù thế, chiếc xe không tên ấy đã trở thành người bạn đồng hành của ông cả chục năm nay.

Khao khát được yêu

Bản thân là một người khuyết tật, thời còn trai trẻ ông Lượm chưa một lần nghĩ mình có cơ hội được yêu ai đó, trong đầu lúc nào cũng thường trực một ý nghĩ tàn tật lập gia đình sao được, bởi có ai thèm để ý đến mình đâu. Kỳ lạ là, nỗi lo đau đáu về miếng cơm manh áo vẫn không thể nào xoa dịu khát khao được yêu của ông.

Tôi nghẹn ngào khi nghe bản tuồng "Xin một lần yêu nhau" từ trên chiếc xe của ông phát ra. Cùng với người bạn đồng hành là một chiếc xe, ông còn có một cái bình ắc quy đùm kĩ trong chiếc ni lông cũ nát và cái loa nhỏ màu xám đặt ngay trước đầu xe. Vòng xe cứ lăn nhưng bản nhạc xưa cũ ấy cứ vang lên nghe thật xót xa. Ông Lượm hỏi tôi: "Cô có biết đây là bản nhạc gì không?. Đó là bản "Xin một lần yêu nhau" đó. Tôi thấy thích nó, bởi sao nó giống với cuộc đời của tôi quá".

Giữa dòng đời tấp nập, cuộc sống còn quá nhiều khó khăn và mờ mịt, ước mơ của ông cũng thật là nhỏ bé giản dị nhưng sao quá đỗi xa vời. "Tôi chỉ mong sao bán được nhiều vé trúng để mai mốt họ tin tưởng mình mua vé nhiều hơn. Mình còn trẻ, còn sức khỏe thì phải ráng lao động kiếm tiền lo cho bản thân. Tôi thèm có được một tình yêu…", ông Lượm không giấu được lòng mình.

Thơ Trịnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.