Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã trải qua bao phen chìm nổi, từng là lính dù, nhận được huy chương, trải qua nhiều cuộc chính biến, từng ngồi tù, viết thơ ca và cũng từng công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ G. Bush... Từ một người dân bình thường trở thành tổng thống của một nước, ông đã viết lên một câu chuyện đầy hiện thực nhưng lại mang đậm màu sắc truyền kỳ bằng chính “hùng tâm tráng chí” của mình.
Tổng thống Hugo Chavez
Từ bóng chày đến cách mạng
Hugo Rafael Chavez Frias sinh ngày 28/7/1954, trong một ngôi làng nhỏ có tên Sanbaneta phía tây bang Barinas, giáp biên giới Columbia. Mặc dù cả hai bố mẹ đều là giáo viên tiểu học nhưng gia đình Chavez cũng giống như mọi gia đình Venezuela khác, nghèo và phải “vật lộn” với cuộc sống để có đủ cái ăn. Sau này, bố của Chavez, ông Hugo de los Reyes, đã gặt hái được quyền lực chính trị khi trở thành giám đốc của ngành giáo dục địa phương và sau đó là Thống đốc bang Barinas.
Cùng một trong năm anh em của mình, Adan, Chavez được gửi đến sống với bà nội. Tuổi thơ đói nghèo nhưng Chavez sớm được tiếp xúc với truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến những bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông sau này.
Cả đời ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu tròn 100 tuổi (25/8/1911 - 25/8/2011), Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã gửi thư chúc thọ Đại tướng để thể hiện sự ngưỡng mộ: “Không phải ngẫu nhiên Đại tướng xứng đáng đi vào ký ức thế giới, với ánh hào quang tỏa sáng và sẽ không bao giờ tắt. Thưa Tướng quân của những Tướng quân, không phải ngẫu nhiên Tướng quân tiếp tục chỉ đường cho chúng tôi đi tới những kỳ tích mới... Không phải ngẫu nhiên Đại tướng trở thành một trong những con người bất tử. 100 năm phẩm giá cùng với nhân dân Việt Nam và toàn thể nhân loại vĩ đại. Từ đất nước Venezuela, chúng tôi mừng thọ Đại tướng và nói với nhau rằng, Tướng quân hãy tiếp tục tiến bước”. |
Thuở đi học, Hugo Chavez kết bạn với hai người con của sử gia, nhà văn và người cộng sản hăng hái Esteban Jose Ruiz Guevara. Nhiều người cho rằng, chính những bữa ăn tối và thời gian ở cùng gia đình Guevara đã ảnh hưởng tích cực đến Chavez. Tại đây, chàng trai Chavez được nghe kể về Simon Bolivar, nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, người lãnh đạo các phong trào giành độc lập ở Nam Mỹ đầu thế kỷ 19, sau này trở thành thần tượng và lý tưởng của Chavez.
Chavez là một fan “cuồng nhiệt” của bộ môn bóng chày. Đây là môn thể thao hàng đầu ở Venezuela. Ở đây có các giải đấu lớn mang tầm cỡ quốc gia và một số cuộc thi còn có sự tham gia của các cầu thủ đến từ các nước Trung và Nam Mỹ. Thần tượng của Chavez là cầu thủ Isaias "Látigo" Chávez. Khi cầu thủ này qua đời trong một tai nạn máy bay, cậu bé Chavez đã phải vật lộn để trải qua nỗi đau lớn trong đời. Chavez thoát khỏi cuộc sống nghèo khó nhờ chính khả năng đặc biệt ở bộ môn này.
Năm 1971, sau khi kết thúc bậc trung học, chàng trai 17 tuổi ghi danh vào Học viện Khoa học Quân sự Venezuela. Chavez bị các trường đại học khác từ chối vì điểm số thấp. Nhưng chính nhờ khả năng “trời phú” ở môn bóng chày, cậu bé cầu thủ tài năng Chavez đã được trao một suất học bổng vào Học viện Khoa học Quân sự Venezuela, một trường đại học uy tín, nơi ông tốt nghiệp khoa Khoa học và kỹ thuật quân sự. Sau 4 năm đại học, Chavez gia nhập quân đội và nhanh chóng thăng cấp để trở thành người đứng đầu của một đơn vị lính dù tinh nhuệ.
Những tháng ngày trong quân ngũ, Chavez nhận thấy những bê bối bởi nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt là các sĩ quan quân đội cao cấp. Chế độ cầm quyền vào thời điểm đó do Carlos Andrés Peérez (sinh năm 1922) đứng đầu, nổi tiếng về tham nhũng và hối lộ. Quyết định lấy một chỗ đứng, Chavez đã tổ chức một nhóm các binh sĩ cùng chí hướng thực hiện hùng tâm tráng trí của mình.
Năm 1982, Chavez đã phát biểu tại Maracay để tôn vinh vị anh hùng Simon Bolivar. Bài phát biểu được coi là một hình thức chống chính phủ. Sau đó, Chavez và một số sĩ quan khác đã lặp đi lặp lại một lời thề tương tự như Bolivar đã thực hiện để giải phóng nhân dân từ những kẻ áp bức.
Năm sau, ông bí mật thành lập một tổ chức chống tham nhũng được gọi là phong trào cách mạng Bolivarian – 200, với lời tuyên thệ: “Tôi thề với Đức Chúa của tổ phụ tôi, tôi thề với danh dự và quê hương tôi, sẽ không để cho đôi tay và tâm trí mình ngừng nghỉ cho đến khi đập tan được cường quyền đang đè nén chúng ta”.
Tổng thống Hugo Chavez trước người dân
Người yêu lắm... kẻ ghét cũng nhiều
Nỗ lực đảo chính mà ông nung nấu đã được thực hiện 10 năm sau đó, vào năm 1992. Chavez dùng 10 năm này để chuẩn bị một cách cẩn thận các kế hoạch và tuyển dụng nhân tài. Trước đó, vào năm 1989, ông bị bắt giam vì cáo buộc âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela, Peérez. May mắn cho Chavez, một vị tướng có ảnh hưởng lớn lúc đó đã thông cảm với cảnh ngộ của Chavez và ra tay giúp đỡä ông. Thay vì bị xét xử, ông được giao cho một lữ đoàn lính nhảy dù gồm 600 binh sĩ ở Maracay. Đây là cơ hội để Chavez khởi động cuộc đảo chính mà ông vẫn ấp ủ.
Ngày 3/2/1992, Chavez dẫn lực lượng của mình chạy suốt đêm tới thủ đô, và phát động cuộc chính biến quân sự vào rạng sáng ngày hôm sau. Đây chính là “cuộc chính biến quân sự 4/2” nổi tiếng ở Venezuela. Thế nhưng cuộc chính biến thất bại, Chavez và tất cả chiến hữu của mình bị bắt và kết án tù. Cuộc nổi dậy do Chavez cầm đầu tuy không thành công nhưng đã để lại tiếng vang lớn ở Venezuela, thức tỉnh người dân đứng lên chống chính quyền tham nhũng và hối lộ.
Hai năm sau, Chavez được trả tự do. Ông dồn hết tinh thần và trí lực của mình vào hoạt động chính trị, thành lập “Phong trào nước cộng hòa thứ 5”, bộ phận của tổ chức “Phong trào cách mạng Bolivar”. Là người đứng đầu của tổ chức mới, Chavez đã tới khắp các nẻo đường của Venezuela để tuyên truyền quan điểm chính trị của mình. Khi đó, trong con mắt của nhiều người dân Venezuela, Chavez chính là ngôi sao mai, tượng trưng cho hy vọng vêầ một nguồn sinh khí mới.
Ngày 6/12/1998, Chavez tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Venezuela. Tháng 7/2000, sau khi tiến hành thay đổi Hiến pháp, Venezuela tổ chức cuộc bầu cử lại, Chavez lại một lần nữa đắc cử Tổng thống. Ngày 15/8/2004, phe đối lập tìm cách hạ bệ Tổng thống Chavez bằng cách tổ chức “cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm toàn dân” với số lượng người dân tham gia rất đông. Nhưng với uy tín vốn có của mình, ông Chavez vẫn vượt qua và tại vị.
Ngày 3/12/2006, Tổng thống Chavez lại giành được thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp chính trị của mình khi tái đắc cử chức Tổng thống Venezuela với ưu thế tuyệt đối. Kết quả, Chavez đã trở thành “nam châm” thu hút sự hâm mộ và lòng trung thành của các tầng lớp “thấp cổ bé họng” ở Venezuela, những người luôn “chống lại” tầng lớp doanh nhân giàu có. Venezuela về cơ bản là đất nước “bị chia cắt”, phe đối lập của Chavez tuyên bố sẽ “tước quyền lực” của ông bằng mọi cách. Tuy nhiên, Chavez đã chứng tỏ là người-không-thể-bị-cản-đường.
Tính đến thời điểm này, Hugo Chavez đã “nắm ghế” Tổng thống của Venezuela 14 năm. Ông là một trong số ít nhân vật chính trị gây nhiều tranh luận nhất, chí ít là bởi tính cách và những phát ngôn “thẳng như ruột ngựa” của ông. Hugo Chavez là vị Tổng thống vì người nghèo, vì bình đẳng và công lý, chống bóc lột, chống tư bản đế quốc, mà trước nhất là thái độ đối với Mỹ.
Ông Chavez đã không ít lần lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa đế quốc, Tổng thống G.W. Bush. Ngày 20/9/2006, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 61, Chavez đã gọi Tổng thống Mỹ là “quỷ” (diablo): “Quỷ dữ đã đến đây ngày hôm qua”. Tổng thống Chavez còn tuyên bố ông Bush đã thúc đẩy “một nền dân chủ sai lệch với tinh hoa của nhân loại” và đây là “một nền dân chủ bom đạn”.
Trong chương trình truyền hình hàng tuần “Alo Presidente” (Alô tổng thống) do chính ông làm “chủ xị”, phát sóng ngày 22/3/2009, Chavez đã gọi tổng thống Barack Obama là “kẻ ngu dốt đáng thương” (pobre ignorante) vì ông chủ mới của Nhà Trắng vu cáo Chavez “xuất khẩu khủng bố” và “là vật cản đối với sự phát triển của khu vực Mỹ Latinh”.
Chavez nói: “Ông ta cần học hỏi nhiều hơn nữa để có thể hiểu được thực tế Mỹ Latinh”. Rồi Chavez nói tiếp, thẳng thừng: “Vật cản chính cống, đó là đế quốc mà anh cai quản. Nó đã xuất khẩu khủng bố từ 200 năm nay, đã ném bom nguyên tử xuống các thành phố vô tội, đã dội bom, xâm lược và ra lệnh ám sát bất cứ ai các anh muốn”.
Hugo Chavez là vị tổng thống biết “vận dụng” truyền thông một cách hiệu quả. Bên cạnh chương trình đối thoại trên truyền hình, ông còn sở hữu một tài khoản trên mạng xã hội Twitter với lượng fan “khủng” lên đến 3 triệu người hâm mộ. Tổng thống Hugo Chavez sử dụng Twitter để thông báo lịch làm việc của mình, giao việc cho các bộ trưởng, bình luận về những sự kiện trong nước và quốc tế và trao đổi với những người hâm mộ ông. Các tin nhắn được gửi đến nhiều tới mức ông phải thành lập một bộ phận giúp việc đặc biệt, có nhiệm vụ đọc và trả lời tất cả các vấn đề liên quan. Ông là chính trị gia Mỹ Latinh được nhiều người biết đến nhất qua Twitter.
Gần đây, nhà lãnh đạo đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vẫn tuyên bố quyết tâm trong cuộc bầu cử vào ngày 7/10 tới. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy chính khách 57 tuổi này đang nhận được sự ủng hộ lớn của người dân trong nước. Có tới 64% số người được hỏi đánh giá cao sự điều hành đất nước của Tổng thống đương nhiệm với những chương trình xã hội thành công và khoảng 51% số ý kiến cho rằng ông sẽ tái đắc cử.
Cực lực phản đối phụ nữ bơm ngực Venezuela là một trong những nước có tỷ lệ các ca phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới. Thậm chí, nữ sinh tuổi teen ở nước này còn được cha mẹ tặng chi phí bơm ngực như một món quà sinh nhật. Tổng thống Hugo Chavez lên tiếng chỉ trích gay gắt trào lưu bơm ngực đang nở rộ của phụ nữ “xứ sở hoa hậu”. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông kịch liệt lên án những bác sĩ vô lương tâm đã “thuyết phục những người phụ nữ cả tin rằng, nếu họ không có bộ ngực to, họ sẽ trở nên xấu xí”. Ông Chavez gọi những bác sĩ này là “những tên quái vật”. |
Xuân Đức