Từ lâu, người dân người dân thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) không còn xa lạ với hình ảnh người đàn ông vừa dùng tay đạp chiếc xe 3 bánh, vừa cất giọng mời gọi khách mua gà, cam, rau, củ..
Những ngày cuối năm âm lịch 2016, khi mọi người đang đưa nhau đi sắm tết, thì người đàn ông như anh vẫn phải miệt mài, rong ruổi trên các con đường để bán hàng. Anh là Lương Văn Lương (SN 1979), trú tại bản Khe Hán, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu.
Anh Lương chia sẻ, anh sinh ra vốn bình thường, khỏe mạnh như bao người khác. Đến khoảng 2 tháng tuổi, chân của anh bắt đầu co quắp lại. Mặc dù gia đình đã đưa anh đi chữa trị khắp nơi nhưng anh vẫn không thể đi lại như mọi người.
“Thực ra, gia đình tôi rất nghèo, bố mẹ cũng không có tiền đưa đi bệnh viện. Do vậy, không ai biết chính xác căn bệnh tôi đang mắc phải là gì. Không có tiền điều trị nên chủ yếu bố mẹ tôi tìm đến các thầy lang vườn bốc thuốc cho tôi uống. Uống một thời gian không thấy khỏi, bố mẹ lại đi tìm thầy khác để lấy thuốc. Ai chỉ đâu, bố mẹ tôi đều tìm đến địa chỉ đó lấy, với hi vọng chữa khỏi bệnh cho tôi, nhưng cuối cùng vẫn không được”, anh Lương nhớ lại.
Không chỉ đôi chân, sức khỏe của anh cũng không được như các đứa bé cùng trang lứa. Năm nào anh cũng phải trải qua vài trận ốm. Vì vậy, anh chỉ có thể loanh quanh ở nhà chứ không có cơ hội đi học.
Theo lời anh Lương kể, cuộc sống gia đình càng khốn kho hơn, kể từ khi bố anh qua đời. Sức khỏe của mẹ ngày một kém, trong khi em trai còn nhỏ tuổi, nên anh Lương luôn trăn trở làm cách nào để phụ mẹ nuôi em.
Hàng ngày, nhìn mâm cơm toàn rau mà không có thịt, khiến anh nảy sinh ý nghĩ "tại sao không đưa rau củ đi bán, lấy tiền mua thức ăn?”. Nghĩ là làm, anh Lương nhờ mẹ hái cho một mớ rau rồi đưa xuống chợ Thị trấn để bán.
“Trước đó, tôi cũng mấy lần đi xuống chợ rồi, nhưng là do em trai hoặc mẹ đưa đi mua sắm thứ gì đó. Nhưng lần này tôi tự đi một mình, cứ cầm mớ rau rồi đi thôi, khi nào mệt thì ngồi nghỉ. Điều tôi không ngờ là chưa đi đến chợ mà đã có nhiều người đến hỏi mua rau. Lần đó, tôi bán được 20.000 đồng, đây cũng là số tiền đầu tiên tôi tự kiếm được đưa về cho mẹ”, anh Lương cười nói.
Người đàn ông này cho biết thêm: “Sau đó, mỗi ngày tôi đều bảo mẹ hái rau, củ, quả trong vườn để đưa đi bán. Nếu hết, mẹ tôi sang xin hàng xóm, hoặc xuống sông mò cua, bắt ếch… Được cái gì, tôi bán cái đó”.
Năm 2013, thấy hoàn cảnh của anh Lương Văn Lương đặc biệt nên trong một chương trình hỗ trợ người tàn tật của tỉnh Nghệ An dành cho huyện Quỳ Châu, UBND xã đã đề nghị cấp cho anh một chiếc xe đạp 3 bánh. Tuy nhiên, do đôi chân của anh không đạp được nên chiếc xe đã được “chế” bộ phận di chuyển phía trên cho anh dùng tay để quay.
“Giờ giáp Tết, lại năm Đinh Dậu, có người khuyên tôi mang theo vài con gà bán thì họ sẽ mua giúp cho, tiền cũng nhiều hơn bán rau. Vì vậy, tôi về bàn với mẹ nuôi thêm gà, mỗi lần đi chợ tôi mang vài con đi bán.
Gà nuôi nên đẹp lắm, thịt cũng ngon, bán được một con là hơn cả số rau và cam kia rồi. Chỉ là gà ở nhà ít quá, tháng trước thỉnh thoảng mẹ tôi mua được của hàng xóm hoặc người dân trong bản để cho tôi đưa đi bán, nhưng gần Tết nên họ không cho nữa”, anh Lương chia sẻ.
Quãng đường từ bản Khe Hán xuống chợ Thị trấn hơn 5km, cả đi lẫn về anh Lương phải đi hơn 10km. Đối với những người khác thì mất khoảng một giờ đồng hồ, nhưng với anh, phải gấp rất nhiều lần. Không phải là con đường rải nhựa sạch đẹp như ở thành phố, nơi anh ở là những con đường đất lởm chởm đá và dốc, nắng bụi mưa lầy. Những ngày mùa đông lạnh kèm mưa gió, phải tối muộn, anh mới về nhà.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ngày qua ngày, anh vẫn cố gắng mang gà đi bán. “Cũng may nhiều người thương tôi, thấy tôi tàn tật nên đều hỏi mua cho tôi mau hết hàng để trở về. Thường thì cứ đi gần đến chợ là tôi bán hết chứ không cần phải vào chợ nữa”, anh Lương cười nói.
Chị Lê Thị Hồng (SN 1984), trú tại khối 2, Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Anh Lương mặc dù tàn tật nhưng vẫn đi bán hàng, chịu khó nên ai cũng thương, chúng tôi cùng nhau mỗi người mua một ít giúp anh. Tội nhất là mấy hôm trời mưa, cứ nghĩ anh ở nhà, không ngờ anh vẫn đạp xe đến hỏi tôi có mua gì không. Tiếc là tôi cũng không giàu, chứ nếu không đã mua hết toàn bộ hàng cho anh”.
Cứ ngỡ từ này cuộc sống sẽ bớt lo lắng hơn, nhưng mới đây, người em trai của anh là Lương Văn Hợi (SN 1997) đi xe máy không may bị ngã. Mẹ con anh Lương đã phải dùng toàn bộ số tiền tích góp được và bán một số tài sản có giá trị trong nhà để đưa em đi bệnh viện chữa trị.
May mắn rằng anh Hợi không bị ảnh hưởng đến tính mạng nhưng từ đó sức khỏe cũng giảm sút nhiều. Là anh cả, Anh Lương cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với gia đình, nên tích cực đi chợ bán hàng hơn trước đây, với mong muốn có thêm thu nhập.
Nói về anh Lương, ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh chia sẻ: "Tôi rất khâm phục nghị lực của anh Lương. Đây là một tấm gương tàn nhưng không phế trên địa bàn xã. Mỗi tháng, anh Lương đều có chế độ của người tàn tật, nhưng để nuôi gia đình, anh còn đi bán hàng mỗi ngày để có thêm thu nhập. Anh Lương đã chứng tỏ cho mọi người thấy, dù hoàn cảnh nào cũng có thể cố gắng sống và thậm chí trở thành trụ cột kinh tế gia đình”.
Mọi sự ủng hộ cho người dân miền Trung của các nhà hảo tâm tiếp tục xin gửi về địa chỉ: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung. Hoặc: Báo điện tử Người Đưa Tin Tầng 4, toà nhà Star Tow, đường Dương Đình Nghệ, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội; Số tài khoản: 19129185908996, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam; Chủ tài khoản: Báo Điện tử Người Đưa Tin. |
Anh Ngọc
Xem thêm video: