Ý tưởng từ chất độc asen trong nước
Ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể lọc mọi loại nước kể cả nước bẩn, nước ô nhiễm... thành nước lọc đến với PGS Trần Hồng Côn từ những năm 1995 - 1996, khi ông tham gia đoàn công tác phân tích nước ngầm tại Hà Nội. Từ các kết quả phân tích, PGS Côn phát hiện hàm lượng asen (thạch tín) trong tầng nước ngầm ở Hà Nội khá cao. Asen là một nguyên tố gây ngộ độc khét tiếng và có nhiều dạng thù hình: Màu vàng (phân tử phi kim) và một vài dạng màu đen và xám (á kim) chỉ là số ít mà người ta có thể nhìn thấy. Asen trong nước ngầm có nguồn gốc tự nhiên và nó được giải phóng ra từ trầm tích vào nước ngầm do các điều kiện thiếu ô xy của lớp đất gần bề mặt.
Do làm trong ngành hóa học, nên PGS Côn biết rõ những độc hại gây ra nếu người dân vô tình uống phải nước ở những nơi nhiễm chất này. Từ đó, ông luôn trăn trở và suy nghĩ tìm kiếm biện pháp để loại bỏ asen trong nước uống. "Khi tiến hành phân tích nước ngầm ở Hà Nội thì chúng tôi mới chỉ phán đoán là nước có nhiễm asen chứ chưa thực hiện nghiên cứu sâu. Sau đó khi có sự tài trợ của phía Thụy Sĩ trong một dự án khảo sát nước ở Hà Nội thì, chúng tôi mới đi sâu vào vấn đề này. Kết quả cho thấy các mạch nước ngầm ở Hà Nội ô nhiễm asen có mật độ khá dày và có nguy cơ gây ngộ độc cao cho người sử dụng để ăn, uống. Khi tiến hành phân tích các mẫu nước sinh hoạt, ngoài asen, tôi còn phát hiện thêm những chất độc hại khác là kim loại nặng, chất hữu cơ, amoni và vi khuẩn... Tôi nghĩ người dân sống ở những nơi bị ô nhiễm, bị lũ lụt hẳn phải đối mặt với 5 tác nhân độc hại này trong nước mà không hề hay biết. Chính vì vậy, tôi đã luôn khao khát chế tạo một chiếc máy lọc nước có thể giải quyết cả 5 vấn đề...", ông nhớ lại.
Việc đầu tiên PGS Côn hướng đến là tìm kiếm cách khử asen trong nước, bởi trước đó hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này ở nước ta. PGS cũng là người đầu tiên công bố kết quả nghiên cứu asen ở Việt Nam trong Hội nghị asen quốc tế tại San Chiago (Mỹ) và trên tạp chí Khoa học và công nghệ môi trường có uy tín nhất, nhì thế giới vào những năm 2000 - 2001.
Giải pháp PGS Côn tìm ra để loại bỏ hàm lượng asen trong nước chính là đá ong. Ông cho biết: "Sau một lần lên khu K9 (Sơn Tây, Hà Nội - PV) thực nghiệm, tôi ra một giếng nước của người dân và múc nước uống. Điều làm tôi ngạc nhiên là nước ở đây vừa trong, vừa sạch lại rất ngọt. Hỏi ra mới biết, tất cả các giếng nước tại khu vực này đều như vậy và tất cả các giếng đều có tầng đá ong bao quanh. Phát hiện trên khiến tôi nghĩ rằng chắc chắn đá ong và nước sạch, ngon ở đây có liên quan đến nhau. Vậy là, tôi xin người dân vài hòn gạch đá ong rồi hì hục vác về Hà Nội nghiên cứu. Điều bất ngờ là chính đá ong với hàm lượng sắt oxit, nhôm oxit và các khoáng sắt khác có khả năng làm giảm lượng asen, amoni và kim loại nặng trong nước. Vấn đề khó khăn nhất trong công trình nghiên cứu của tôi đã có hướng giải quyết".
Bên cạnh việc sử dụng đá ong để khử asen, amoni và kim loại nặng thì PGS Côn sử dụng than hoạt tính để khử chất hữu cơ và bạc để khử vi khuẩn. Ban đầu, lượng bạc sử dụng quá lớn cũng là một điều khó khăn để áp dụng thực tế nhưng từ năm 2007 những kết quả nghiên cứu về công nghệ nano đã giúp ông điều chế ra nano bạc và chỉ cần vài miligam (mg) bạc nano đã có thể thay thế hàng chục gam (g) bạc kim loại. Công nghệ này có thể tiêu diệt được tất cả các loại vi khuẩn, vi trùng, bào nang.
PGS Côn trong buổi thử nghiệm lọc nước sông Tô Lịch (Ảnh: Đoàn Loan)
Giữ bản quyền để hạn chế "thương mại hóa"
Khi tất cả các vấn đề đã được giải đáp, việc cuối cùng là hoàn thành chiếc máy lọc nước. Chiếc máy lọc nước đầu tiên với bốn lớp lọc gồm: Đá ong biến tính khử asen, đá ong hoạt hóa khử amoni và kim loại nặng, đá ong mang nano bạc tiêu diệt vi khuẩn, than hoạt tính khử chất hữu cơ và amoni được PGS Côn hoàn thiện vào năm 2009. PGS kể lại một tình tiết thú vị trong quá trình thử nghiệm chiếc máy mà ông đã "thai nghén" suốt gần 10 năm: "Lần đầu tiên, thử nghiệm máy trong phòng thí nghiệm chúng tôi còn múc cả nước ở bồn cầu vào lọc và kết quả rất bất ngờ. Ai cũng biết khu vực bồn cầu chứa rất nhiều vi khuẩn nhưng sau khi nước đi qua hệ thống lọc này tuyệt nhiên không còn một con vi khuẩn nào".
Trải qua một thời kì hoàn thiện và thử nghiệm lâu dài, cuối cùng công nghệ lọc nước của PGS Trần Hồng Côn cũng được nhiều người tin tưởng. Rất nhiều các công ty trong nước và nước ngoài đề nghị mua bản quyền để sản xuất đồng loạt loại máy lọc nước này nhưng ông đều từ chối. Lý do đơn giản, ông sợ người ta sẽ thương mại hóa nó, vì lợi ích kinh doanh mà có những sai lệch trong tiêu chuẩn sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, nếu không có đơn vị sản xuất thì niềm mong mỏi chiếc máy lọc nước có thể đến với người dân ở mọi miền đất nước của PGS Côn sẽ không thể thành hiện thực. Chính vì vậy, cuối cùng, ông cho phép các con mình đưa vào sản xuất với lời dặn: "Bố cho các con kinh doanh nhưng không phải vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, lúc nào cũng phải đảm bảo những thông số kỹ thuật và chất liệu sản xuất an toàn". PGS cho biết vật liệu để chế tạo chiếc máy lọc nước này đều phải nằm trong tiêu chuẩn an toàn để không ảnh hưởng đến chất lượng nước cũng như sức khỏe người sử dụng.
Nước sông Tô Lịch cũng có thể uống! Mới đây, PGS Côn đã mang chiếc máy lọc nước mình chế tạo đến bên dòng Tô Lịch và thản nhiên uống những cốc nước lọc từ nước dòng sông vẩn đục đen ngòm kia. Nhiều người chứng kiến hôm ấy cũng đã trực tiếp thử nghiệm uống và đều công nhận sau khi đi qua chiếc máy lọc nước sông đã không còn mùi vị của sự ô nhiễm nữa. Đây chính là tin vui cho những người dân sống ở khu vực có tình trạng ô nhiễm, thậm chí cả những nơi thường xuyên bị lũ lụt không đủ nước sạch để dùng... |
Đinh Nhung