Đây là cách mà người dân trong vùng vẫn gọi về một cây cảnh hoá thạch mà gia đình ông Hoàng Văn Ngọc ở thôn Trâm, xã Lâm Xa vừa tìm được. Mục sở thị báu vật triệu đô, nghe ông Ngọc kể chuyện về cái duyên tìm được cây lạ, chúng tôi cũng phải tấm tắc thực là mối duyên trời.
Cái duyên với cây cảnh
Tuy thạch mộc triệu đô không còn quá mới mẻ với người dân xã Lâm Xa nhưng cũng chưa thể nguội trong một sớm một chiều. Ở một làng quê miền núi khi mà cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám người dân thì triệu đô vẫn còn một sức hút lớn. Khi chúng tôi hỏi nhà ông Ngọc thì được người dân hướng dẫn rất tận tình, thậm chí có người còn tự nguyện dẫn chúng tôi đến tận nhà. Vừa đi, vừa trò chuyện, tôi mới ngộ ra rằng: Có lẽ, người dẫn đường cũng muốn nhân cơ hội này để có một lý do chính đáng được nhìn, sờ thấy cây cảnh triệu đô của ông Ngọc.
Khuôn viên nhà ông Ngọc khá rộng nhưng ngôi nhà mà hai vợ chồng ông ở lại khá nhỏ bé, đơn sơ. Phần lớn đất xung quanh là chỗ để trồng, trưng bày các loại cây cảnh đủ loại, từ những cây bé xíu đặt trong những cái chậu chỉ bằng bàn tay người đến những cây to bằng phân nửa gian nhà ngói. Có vẻ là người xởi lởi, ông Ngọc mở đầu bằng một lời phân trần: "Nào tôi có hét giá triệu đô đâu, đó là những người tìm đến mua tự định giá, tự trả giá với nhau đấy chứ".
Thời điểm mà ông Ngọc có duyên tìm được cây thạch mộc là khoảng năm 1997, trong một lần đi tìm kiếm, sưu tầm những cây cảnh đẹp và lạ. Chuyến đấy ông ròng rã mất mấy ngày trời ở xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá vẫn chưa có gì khả quan, tưởng cả chuyến đi phải trở về tay trắng thì ông tìm được cây thạch mộc này. Âu cũng nhờ cái duyên mà có được, trong suốt hơn 20 năm đam mê với thú chơi cây cảnh, cuối cùng ông cũng có được một thứ thực sự tâm đắc và đáng nhớ ở đời.
Ông Hoàng Văn Ngọc bên cây thạch mộc triệu đô.
Cây thạch mộc cao chừng 1,3m, vẫn đủ cành lá và dáng hình đúng như một thân cây còn sống, chỉ có điều khác là đã hoá đá bởi thời gian, có màu trắng bạc của đá vôi. Thậm chí trên từng chiếc lá vẫn còn thấy được các gân lá rõ ràng. Ông Ngọc đặt cái cây trang trọng giữa gian chính của căn nhà, vừa tiện trang trí cho căn phòng, vừa tiện cho khách khứa đến tham quan. Thời gian trước đây, gần như ngày nào cũng có người đến để xem cây, cho đến giờ đã vãn bớt nhưng tính ra tuần nào, tháng nào cũng có khách phương xa tìm đến hỏi mua hoặc chiêm ngưỡng.
Sau khi có được cây thạch mộc, ông Ngọc vẫn tiếp tục với cuộc hành trình đi tìm những cây quý của mình. Bẵng đi đến khoảng năm 2001 thì bất ngờ có một nhóm thương lái người Lạng Sơn tìm đến nhà ông hỏi mua cây thạch mộc. Vốn không có ý định bán nên ông Ngọc từ chối. Nhưng nhóm người này tưởng ông làm giá nên cứ thế đẩy giá cây thạch mộc lên. Cuối cùng, họ chốt hạ: "Ông muốn bao nhiêu tiền thì cứ nói thẳng ra. Khó chịu trước thái độ của những người đi mua, ông Ngọc vẫn kiên quyết không bán. Họ suy nghĩ một hồi rồi ngã giá với ông khoảng 1,5 triệu USD. Tuy lúc đó không biết 1,5 triệu USD trị giá bao nhiêu tiền nhưng cũng khiến ông bị ngốt. Sau khi trấn tĩnh, ông Ngọc vẫn lắc đầu từ chối. Nhóm thương lái đành hậm hực bỏ về, còn ông Ngọc thì bị vợ con cằn nhằn vì đã bỏ qua một gia tài lớn.
Lo sợ kẻ xấu vì hám lợi mà xảy ra chuyện bất trắc, ông Ngọc bàn với vợ con đem cây thạch mộc đi giấu. Chỗ giấu cũng chỉ có ông và người con trai đã cùng ông tìm ra cây thạch mộc là được biết. Cho tới năm 2010, nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, ông Ngọc mới đem một phần gia tài triệu đô của mình đến tặng bảo tàng Thăng Long. Chỉ hai ngày đã nườm nượp lượt khách đến xem. Những người không biết thì tò mò vì một thứ kì công của tạo hoá, những người biết thì có cơ hội cùng nhau thẩm định xem giá trị thực của cây thạch mộc là bao nhiêu.
Sau khi kết thúc đợt trưng bày, để tiện cho việc nghiên cứu, ông Ngọc tặng luôn bảo tàng một phần thạch mộc cảnh của mình. Tuy cũng có phần hơi tiếc nhưng nghĩ đến niềm vui của mọi người, ông Ngọc cũng thấy hồ hởi.
Tạo vật có một không hai của đất trời
Sau khi ngồi trò chuyện với vợ chồng ông Ngọc về cây thạch mộc, thấy chúng tôi thực sự tâm đắc, ông mới đồng ý dẫn chúng tôi đến nơi đã tìm được cái cây. Trong tiết lạnh của mùa đông, gió lạnh lùa vào rét căm căm, mặc mấy chiếc áo bông mà vẫn còn run cầm cập, chúng tôi theo ông Ngọc men theo con đường nhỏ dọc sông Luồng lên xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá. Mới qua cơn mưa lớn, nước sông cuộn lên kéo theo những mảnh gỗ từ trên thượng nguồn xuống khiến người khác phải rùng mình. Quãng đường chỉ có 35km nhưng quanh co trúc trắc, đã được địa phương làm lại nên cũng không quá khó đi, nhưng tính ra thời điểm năm 1997 thì thực sự là một bài toán khó với những người đi rừng.
Nhìn dòng nước đục ngầu, ông Ngọc tặc lưỡi lắc đầu chỉ cho chúng tôi phần cửa hang. Trời mưa khiến đường vào trở nên nguy hiểm, chúng tôi đành phải đứng ngoài. Ông Ngọc cho biết, trong hang rộng đến mức có thể chứa cả trăm người. Cho tới thời điểm này, cái hang vẫn còn hoang vu với mọi người, thậm chí cả cái tên cũng chưa ai đặt cho.
Mùa khô năm đó, vào đợt nước sông Luồng cạn, hai bố con ông rủ nhau đi tìm cây cảnh. Được cái, ông và cậu con trai Hoàng Văn Mạnh đều có chung sở thích về cây. Có thời gian, hai bố con lại trở thành bạn đồng hành. Đi đến khu vực núi Nam Xuân, tình cờ hai bố con phát hiện ra cái hang. Hành trang chỉ có một chiếc đèn pin soi đường nên hai bố con khá lưỡng lự. Anh Mạnh mạnh dạn chui sâu vào hang, thấy có một nhũ đá nhô lên, bên trên bám đầy rong rêu. Sau khi quan sát xung quanh không thấy có nguy hiểm, anh Mạnh mới gọi bố vào cùng. Hai bố con lấy gậy vạch rêu ra thì thấy một cụm cây đã hoá thạch còn nguyên vẹn. Lúc ấy, hai bố con mới hay rằng mình vừa tìm thấy một thứ rất kì diệu.
Phát hiện ra cụm thạch mộc, sức hai bố con không thể cáng hết, ông Ngọc phải ra tìm thêm thợ để cùng làm. 4 người đàn ông cùng với hai bố con ông phải hì hục mãi mới đem được cây thạch mộc ra khỏi hang. Đến khi ra bên ngoài, dưới ánh sáng mặt trời, cây thạch mộc còn đẹp hơn những gì mà hai cha con có thể ngờ đến.
Cẩn thận, cha con ông còn gói những chiếc lá không may bị rụng xuống. Quan sát kĩ thì thấy bên trong mỗi chiếc lá là ruột rỗng, màu mỡ gà. Cái cây nguyên bản khá cao, nhưng sau khi tặng cho bảo tàng một phần thì chỉ còn chừng 1,3 mét, sống động và đẹp như vẫn còn sức sống.
Đem cái cây về, vợ ông ban đầu cũng khó tin đó là cái cây đã chết cách đây ngàn năm. Trước kia, bà hay cằn nhằn ông về chuyện cứ bỏ nhà bỏ cửa đi tìm cây, có bao nhiêu của nả cũng đem ra mua cây hết nhưng đến khi chứng kiến cái cây quý trước mặt, bà mới thấy niềm đam mê của ông là có lý. Về sau, bà hết sức ủng hộ ông trong những chuyến đi ít nhiều hứa hẹn.
Theo các chuyên gia về cây cảnh thì thời điểm năm 1997, ở Hà Nội và các thành phố lớn đã nở rộ phong trào chơi cây cảnh. Phong trào này còn lan tới các vùng quê hẻo lánh cùng với làn sóng đi tìm cây lạ. Ông Ngọc là người chơi cây từ trước, cũng vì cái thú đi trước thời của mình mà ông mới có được báu vật của đất trời này. Khu vực sông Luồng cũng là một trong những nơi mà dân chơi và thương lái thường xuyên tìm đến để kiếm những sản vật lạ, nhưng không hiểu sao chỉ có mình ông Ngọc mới tìm ra cái hang đá trong đó có cây thạch mộc. Để lý giải cho chuyện này, vợ chồng ông chỉ cười: Là cái duyên trời cho.
Đến thời điểm hiện tại, tuy không có ý định bán cây thạch mộc nhưng vợ chồng ông Ngọc vẫn thường xuyên cập nhập thông tin về thị trường cây cảnh. Ông chia sẻ việc mình có được cái cây là do may mắn, cũng muốn mọi người cùng được chiêm ngưỡng qua các kênh thông tin. Con gái ông đã giúp cha đưa hình ảnh cây thạch mộc lên các trang mạng. Có những ngày vợ chồng ông phải tiếp liền mấy cuộc điện thoại hỏi thăm về cái cây. Trả lời nhiều đến mức thành phản xạ, hai vợ chồng chỉ còn nước nhìn nhau cười.
Rời huyện Bá Thước, men theo đường Trường Sơn về lại Hà Nội, hình ảnh của cây thạch mộc vẫn còn lưu lại trong chúng tôi. Có những điều mà khoa học không thể giải thích được, chỉ có tạo hoá mới quyết định được những thứ được và mất cho con người.
Đỗ Huệ