Theo thông tin từ Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng), các bác sĩ tại đây vừa cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân 40 tuổi, viêm tụy cấp, mỡ máu Triglyceride tăng 50 lần.
Bệnh nhân V.V.H (40 tuổi, trú tại xã Quyết Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng) được người nhà đưa vào Bệnh viện Kiến An cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng, sau đó lan khắp bụng, bí trung đại tiện.
Người nhà bệnh nhân cho biết, anh H. có thói quen sử dụng rượu 500ml/ngày nhiều năm. Khi anh H. đau bụng dữ dội bất thường, người nhà đã khẩn trương đưa đi cấp cứu.
Qua thăm khám và tiến hành các bước kiểm tra, xét nghiệm, kết chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân cho thấy hình ảnh viêm tụy cấp thể hoại tử, thâm nhiễm mỡ tụ dịch quanh đầu tụy. Xét nghiệm mỡ máu Triglyceride tăng cao gấp gần 50 lần so với bình thường. Bệnh nhân có dấu hiệu trùng, nhiễm độc nặng.
Bác sĩ Nguyễn Kông Hải, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết sau khi được thay huyết tương và điều trị hồi sức tích cực, toàn trạng bệnh nhân ổn định, xét nghiệm mỡ máu về bình thường.
Theo vị chuyên gia này, viêm tụy là một bệnh nguy hiểm đặc biệt là viêm tụy cấp nếu không được xử trí kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như suy đa tạng, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, thậm trí tử vong.
Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng như đau bụng dữ dội, đột ngột vùng trên rốn, quanh rốn, thường xảy ra sau khi ăn quá nhiều chất đạm, mỡ hoặc sau khi uống rượu bia; chướng bụng, buồn nôn, nôn,... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Rượu, bia gây viêm tụy cấp là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau sỏi tụy, mật. Để phòng, tránh viêm tụy cấp do rượu, bia gây ra, chúng ta cần hạn chế tối đa rượu, bia, có chế độ ăn uống khoa học, tăng cường chất xơ.
Trước đó cũng có một người uống 500ml rượu mỗi ngày phải nhập viện cấp cứu vì bị viêm gan nhiễm độc. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận một bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì tình trạng viêm gan nhiễm độc do rượu.
Bệnh nhân N.K.Q, 39 tuổi, tại Gia Lâm, Hà Nội đến khám vì lý do một tháng nay xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, đau mỏi các khớp kèm theo đau tức bụng vùng thượng vị (trên rốn), bị tiêu chảy 3 - 4 lần/ngày. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết: Bản thân đã uống rượu nhiều năm trên 500ml/ngày.
Sau khi được các bác sĩ trực tiếp khám lâm sàng nhận định tình trạng bệnh, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đánh giá công thức máu, các yếu tố đông máu, chức năng gan, thận, viêm gan virus, đường máu, mỡ máu, siêu âm ổ bụng và đàn hồi mô gan, nội soi thực quản dạ dày để tìm nguyên nhân gây ra các biểu hiện bất thường.
Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy: Tất cả các chỉ số men gan đều tăng cao, đặc biệt chỉ số đánh giá tình trạng nhiễm độc gan tăng hơn 90 lần so với giới hạn bình thường 8-61U/L... Kết quả chấn đoán hình ảnh, siêu âm ổ bụng thấy xơ gan, gan nhiễm mỡ độ II, túi mật to; Nội soi viêm dạ dày, sẹo loét hành tá tràng.
BSCKI. Bùi Văn Hải - Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Rượu, bia là những loại đồ uống có chứa cồn ethanol với nồng độ khác nhau nên khi uống quá nhiều sẽ gây độc cho cơ thể. Đặc biệt tại gan, 90 - 95% rượu được chuyển hóa để xử lý đào thải (còn lại rượu sẽ bài tiết qua thận, da, phổi), vì vậy, đây là cơ quan chịu tác động lớn nhất những hậu quả do rượu gây ra như men gan tăng cao, viêm gan nhiễm độc, xơ gan, thậm chí ung thư gan nếu bệnh tiến triển.
Rượu cũng làm ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác, từ miệng, thực quản, dạ dày… nồng độ cồn cao gây kích ứng niêm mạc, viêm loét, chảy máu dạ dày, tăng nguy cơ ung thư tiêu hóa. Rượu vào máu, được hệ tuần hoàn vận chuyển đến khắp các mô trong cơ thể làm giãn mạch, cảm giác nóng và hạ huyết áp. Khi đến não, rượu tác động lên hệ thần kinh, tùy thuộc vào nồng độ cồn trong máu mà có các trạng thái khác nhau như hưng phấn, kích động, ảo giác, loạn thần, giảm hoặc mất khả năng kiểm soát hành vi, chức năng của cơ thể (ức chế hoạt động thần kinh, làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và tư duy). Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Viêm gan nhiễm độc do rượu rất nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Để phát hiện và cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, bác sĩ Hải chia sẻ những dấu hiệu cảnh báo viêm gan nhiễm độc do rượu mà người dân nên cảnh giác như: mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng; sụt giảm cân nặng; buồn nôn, ói mửa; đau bụng.
Đặc biệt, với nhóm người nghiện rượu nặng, lâu năm, nếu không phát hiện và điều trị có thể dẫn đến xơ gan cổ trướng, suy gan, thận nặng.
Đồng thời, bác sĩ Hải cũng khuyến cáo: Người dân nên hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia. Trong trường hợp bất khả kháng, cần tránh uống vào lúc đói và kèm với nước có gas hay caffeine, uống chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc.
Trúc Chi (t/h Vietnemnet, VTV)