Đó là bệnh nhân S.S. ( 63 tuổi, quốc tịch Campuchia,) nhập viện trong tình trạng yếu chân mức độ nặng, đại tiểu tiện không tự chủ.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nhận thấy người bệnh trước đây rất khỏe mạnh và không có bệnh lý gì đặc biệt.
Tuy nhiên, trong khoảng 1 năm trở lại đây, ông S. bị yếu hai chân với tiến triển nặng dần ngày càng nặng hơn.
Người bệnh đã đi khám và điều trị ở một bệnh viện tại Campuchia và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Sau phẫu thuật, tình trạng yếu chân và đại tiểu tiện không tự chủ không những không cải thiện mà còn tiến triển nặng hơn trước.
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp có khả năng tổn thương tủy ngực dẫn đến yếu 2 chân và rối loạn tiểu tiện.
Ông S. được chỉ định chụp MRI cột sống ngực, kết quả cho thấy người bệnh bị dị dạng mạch máu tủy ngực gây nên biến chứng phù tủy. Đồng thời, hình ảnh chụp DSA mạch máu tủy cho thấy hình ảnh ổ dị dạng mạch máu tủy ngực ngang mức D7-D8, được cấp máu bởi động mạnh màng cứng tủy cùng mức, với tĩnh mạch dẫn lưu giãn ngoằn nghèo kéo dài từ D5-D9.
Sau khi xác định nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng yếu chân của ông S. các bác sĩ đã ngay lập tức thực hiện can thiệp tắc dị dạng bằng kỹ thuật đưa ống thông siêu nhỏ, tiếp cận ổ dị dạng và bơm keo sinh học để tắc ổ dị dạng.
Chỉ sau khoảng 1 tiếng can thiệp, bác sĩ đã can thiệp tắc ổ dị dạng thành công, bảo tổn được các mạch máu tủy quan trọng cho người bệnh.
Sau can thiệp, ông S. phục hồi nhanh chóng, ông có thể tự kiểm soát được vấn đề đại tiểu tiện, không còn mất kiểm soát như trước. Tình trạng yếu chân đã cải thiện hơn, có thể đứng, đi lại nhẹ nhàng và xuất viện sau 2 ngày can thiệp. Các bác sĩ bệnh viện cho biết, ông S. sẽ tiếp tục tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại nhà và tái khám theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Chia sẻ với PV, ThS.BS Phạm Định Chương, Khoa nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Dị dạng mạch máu tủy sống là một bệnh lý hiếm gặp và khó khăn trong vấn đề điều trị. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm: Can thiệp tắc mạch, phẫu thuật và xạ phẫu. Trong đó, can thiệp nội mạch là phương pháp xâm lấn tối thiểu, đem lại hiệu quả nhanh chóng cho người bệnh”.
ThS.BS Phạm Định Chương cho biết thêm, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm cũng đóng một phần quan trọng, giảm thiểu được tổn thương tủy không hồi phục. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện bất thường như yếu kèm rối loạn cảm giác 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ, đau bất thường cột sống, người bệnh cần nhanh chóng đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các di chứng không mong muốn về sau.
Dị dạng mạch máu tủy sống là loại bệnh hiếm gặp, có thể tiến triển âm thầm không có triệu chứng trong thời gian dài, dẫn đến liệt 2 chi dưới, đại tiểu tiện không tự chủ khi khối dị dạng vỡ gây xuất huyết tủy, phù tủy…
Nguyễn Lành