Nhìn bề ngoài, cụ Heinz B (80 tuổi), đang sống tại thành phố Darmstadt, Tây Nam nước Đức, trông giống như người vô gia cư. Ông chỉ để 15 Euro (16 USD) trong tài khoản ngân hàng. Nhưng thực tế, trước đó, số tiền 700.000 Euro (756.000 USD) đã được người đàn ông rút để mua ngôi nhà thứ 10. Ngoài ra, 100.000 Euro còn lại được gửi tiết kiệm để lấy lãi.
Ông chia sẻ rằng mình luôn biết cách tăng gia tài và không cần phải tiêu xài vì ông cảm thấy hạnh phúc khi sống bằng những thứ lấy từ thùng rác.
"Cuộc sống của tôi đã luôn tiết kiệm, nên tôi không thực sự cần đến tiền để đáp ứng nhu cầu hàng ngày", ông nói. Ông tiếp tục kể về việc mua ít dầu ăn, chỉ sử dụng khi cần, vì ông thường tìm thấy đầy đủ thức ăn trong thùng rác.
"Mọi người quá lãng phí, vứt nhiều đến mức có thể nuôi cả một gia đình. Ví dụ, mọi người mua một gói xúc xích, nhưng chỉ ăn một cái, và sau đó vứt phần còn lại vào thùng rác", ông Heinz B chia sẻ với tờ Bild.
Ông Heinz B không giống hình ảnh truyền thống của một triệu phú, nhưng ông là người biết cách làm giàu và hạnh phúc với lối sống của mình. Ông dành nhiều thời gian đạp xe đi nhặt đồ từ thùng rác, đổi những đồ vật đó để lấy thực phẩm cho hàng xóm.
Đặc biệt, ông chỉ mua bất động sản gần nơi ông sống để dễ dàng di chuyển bằng xe đạp khi cần thiết. Ông không muốn chi trả cho người giúp việc khi bản thân có thể tự làm mọi thứ.
Ông Heinz B được dư luận chú ý vào năm 2021, khi có thông tin sở hữu tới 7 ngôi nhà và 2 căn hộ, và khoảng 500.000 Euro trong tài khoản ngân hàng. Kể từ đó, tài sản của cụ ông vẫn không ngừng gia tăng.
Được biết, ông Heinz B trước đây là kỹ sư điện của một công ty viễn thông. Khoản lương hưu hàng tháng của cựu kỹ sư điện là 3.600 Euro (3.900 USD), cùng một khoản lương khác 156 Euro (169 USD) chủ yếu nằm nguyên trong tài khoản ngân hàng, do cụ không cần chi tiêu gì. Ngoài số tiền 5 Euro để mua thực phẩm hàng tháng, cụ chỉ chi thêm tiền cho dịch vụ internet để phục vụ chiếc máy tính xách tay và điện thoại di động.
Không có người thừa kế trong gia đình, ông Heinz đang phải đối mặt với thách thức để quyết định tài sản của mình khi ông qua đời. Ông xác định không muốn để lại cho người anh em họ xa lạ, và đang xem xét khả năng để lại một phần tài sản cho người thuê nhà ông.
Minh Hoa (t/h)