Trường hợp hi hữu được báo cáo trên Tạp chí Medical Case Reports. Nam bệnh nhân 74 tuổi sinh sống tại Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Kết quả chiếu chụp cho thấy chiếc kim dài 1,3cm màu vàng và hơi nhọn nằm trong động mạch não phía sau mắt phải của người đàn ông. Dị vật gây chảy máu trong khiến bệnh nhân gặp vấn đề về trí nhớ, phải đi khám.
Theo lời gia đình bệnh nhân, chiếc kim có thể đã tồn tại trong não bệnh nhân suốt 2 thập kỷ. Người bệnh từng châm cứu vào đầu những năm 2000 vì chứng đau nửa đầu dai dẳng. Chiếc kim có thể đã bị gãy trong quá trình châm cứu và sau đó di chuyển vào động mạch phía sau mắt.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở hộp sọ để loại bỏ chiếc kim. Trước tiên, bác sĩ phải cắt một phần hộp sọ của ông để tiếp cận phần não. Sau đó, họ cắt xuyên qua màng cứng, sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để lấy chiếc kim mà không tác động đến động mạch và các cấu trúc quan trọng. Tiếp theo, chiếc kim được rút ra, bác sĩ đóng mạch máu bị vỡ bằng một chiếc kẹp kim loại nhỏ.
Kết thúc ca phẫu thuật, người đàn ông phục hồi tốt và được tháo máy thở. Tuy nhiên, ông bị nhiễm trùng phổi và qua đời 10 ngày sau đó. Các bác sĩ cho biết tình trạng nhiễm trùng phổi có thể liên quan đến quá trình gây mê. Điều này vô hiệu hóa khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể đối với nhiễm trùng phổi, như phản xạ ho hoặc nôn trớ.
Các bác sĩ chẩn đoán người đàn ông mắc chứng giả phình mạch nội sọ - máu rò rỉ khỏi mạch máu trong não nhưng được các mô xung quanh giữ lại. Trong khi đó, chứng phình mạch thực sự xảy ra khi thành mạch yếu và phồng lên do tích tụ máu.
Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trong y văn về một người đàn ông mắc chứng giả phình động mạch do kim châm cứu gây ra. Những trường hợp trước đây là do nhiễm trùng làm tổn thương động mạch trong não, chấn thương hoặc va chạm đầu.
Tiến sĩ Qiang Li, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Đại học Y Tây Nam (Trung Quốc), đánh giá: “Các ca giả phình mạch nội sọ do dị vật đầy thách thức và hiếm gặp, cần được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Những trường hợp như vậy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nghi ngờ, đặc biệt trong những ca liên quan đến chấn thương”.
Châm cứu là phương pháp thực hành y học cổ truyền của châu Á khi thầy thuốc châm các mũi kim nhỏ vào một số điểm trên cơ thể để kích thích năng lượng. Theo các chuyên gia, cách làm này có thể giảm đau, giảm căng thẳng, thậm chí hỗ trợ phục hồi khớp khi kích thích dây thần kinh và máu lưu thông.
Minh Hoa (t/h)